Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo FTAs thế hệ mới giúp DN chủ động xác minh xuất xứ hàng hóa

author 06:48 02/05/2023

(VietQ.vn) - Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giúp doanh nghiệp, nhà xuất khẩu chủ động thực hiện các thủ tục xác minh và đáp ứng điều kiện để tuyên bố hàng hóa đạt đủ các tiêu chí xuất xứ.

Theo xu hướng tự do hóa thương mại, Việt Nam đã và đang có những bước đi nhanh chóng để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu ở cả cấp độ khu vực và quốc tế, đồng thời thiết lập được các mối quan hệ có ý nghĩa với các đối tác lớn. Tuy nhiên chính sách tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức nhất định.

Chính sách tự chứng nhận xuất xứ mới chỉ được cụ thể thông qua quy định pháp luật dưới dạng Thông tư, nhưng các quy định còn nhiều bất cập. Tiếp đến tự chứng nhận xuất xứ bị bảo lưu đối với Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) khiến chính sách thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó nhận thức của các bên liên quan bao gồm cơ quan nhà nước và đối tượng chịu tác động của chính sách là thương nhân xuất nhập khẩu đều chưa thực sự coi trọng hoạt động tự chứng nhận xuất xứ. Trong khi tự chứng nhận xuất xứ đang là xu hướng chứng nhận xuất xứ trên toàn thế giới, thậm chí là hình thức chứng nhận xuất xứ duy nhất như trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP.

Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo FTAs thế hệ mới giúp DN chủ động xác minh xuất xứ hàng hóa. Ảnh minh họa 

Để cải thiện tình trạng trên, những năm gần đây, Việt Nam đã tích cực tham gia đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (Free trade agreements - FTA), trong đó phải kể đến những Hiệp định quan trọng như: ATIGA1, EVFTA2, CPTPP3, RCEP4. Các FTAs này được gọi là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bởi những cam kết sâu rộng và toàn diện, về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ, mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình) cùng cơ chế thực thi chặt chẽ. Dù đa dạng về nội dung với các quy định phức tạp, điểm chung trong các FTAs thế hệ mới nêu trên chính là cam kết về áp dụng hình thức tự chứng nhận xuất xứ.

Tự chứng nhận xuất xứ (Self Certification of Origin) là một hình thức chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Khác với phương thức truyền thống là chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền cấp, tự chứng nhận xuất xứ sẽ giảm thiểu tối đa sự có mặt của cơ quan nhà nước mà trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được chuyển giao sang doanh nghiệp hoặc nhà xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp, nhà xuất khẩu chủ động thực hiện các thủ tục xác minh và đáp ứng điều kiện để tuyên bố hàng hóa đạt đủ các tiêu chí xuất xứ, đồng thời tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của tuyên bố đó, thay vì bị động chờ đợi sự chấp thuận từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Hình thức tự chứng nhận xuất xứ được thúc đẩy từ các cam kết trong Công ước quốc tế về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan trong nỗ lực loại bỏ những khác biệt giữa thủ tục và thông lệ Hải quan của các quốc gia thành viên mà có thể gây trở ngại cho thương mại quốc tế, tạo thuận lợi, hài hòa và đơn giản hóa thủ tục và thông lệ Hải quan. Ưu điểm của hình thức tự chứng nhận xuất xứ được thể hiện qua việc 209 FTAs thế hệ mới (từ năm 1994 đến 2019) có 141 FTAs chấp nhận ít nhất một hình thức tự chứng nhận xuất xứ (chiếm 67,5%).

Các FTAs thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên không ngoại lệ, cụ thể:

EVFTA: theo mục D, Nghị định thư 1 của EVFTA thì nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền có thể tự khai báo xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn thương mại, phiếu giao hàng hoặc trên các chứng từ thương mại khác. Đây là hình thức tự chứng nhận xuất xứ dựa trên nhà xuất khẩu đã đăng ký (Registered exporter system). Liên minh châu Âu đã triển khai Hệ thống tự chứng nhận xuất xứ từ ngày 01/01/2017 theo Quyết định số 2015/2447 ngày 24/11/2015 của Ủy ban châu Âu quy định chi tiết một số điều của Quy định số 925/2013 ngày 09/10/2013 của Nghị viện châu Âu và hội đồng Liên minh châu Âu quy định thực hiện Bộ luật Liên minh Hải quan. Theo đó, REX thay thế cho hệ thống cấp Giấy CNXX hàng hóa tại EU, được áp dụng trong khuôn khổ chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập GSP của EU và các FTAs mà EU là thành viên.

CPTPP: Quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi theo CPTPP được quy định tại Chương 3. Điều 3.20 Hiệp định quy định, các quốc gia thành viên sẽ thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo hình thức tự chứng nhận xuất xứ. Theo đó, nhà nhập khẩu được hưởng thuế quan ưu đãi tại quốc gia nhập khẩu dựa trên chứng nhận xuất xứ được thực hiện bởi nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu. Đây được coi là phương thức thông thoáng nhất khi cho phép nhà nhập khẩu tự cung cấp bằng chứng nguồn gốc của hàng hóa bên cạnh các chủ thể truyền thống như nhà sản xuất, nhà xuất khẩu. Nhà nhập khẩu khi yêu cầu hưởng ưu đãi thuế quan, được phép đưa ra bản kê khai xuất xứ hoặc chỉ dẫn xuất xứ dựa trên cam kết của họ về hàng hóa nhập khẩu. Nói cách khác, việc chứng minh xuất xứ hàng hóa có thể được thực hiện bởi bất kỳ một trong các bên quan trọng trong chuỗi cung ứng. Điểm đặc biệt của hình thức tự chứng nhận xuất xứ dựa trên nhà nhập khẩu khác với 2 hình thức tự chứng nhận xuất xứ phía trên, đó là không có sự tham gia của CQNN có thẩm quyền vào khâu xác minh chủ thể tự chứng nhận xuất xứ, CQNN đóng vai trò quản lý, giám sát và hậu kiểm đối với hàng hóa tự chứng nhận xuất xứ.

ATIGA: Nghị định thư thứ nhất sửa đổi ATIGA có hiệu lực kể từ tháng 9/2020 chính thức thực hiện Chương trình Tự chứng nhận Toàn ASEAN (ASEAN-Wide Self-Certification - AWSC). Các nhà xuất khẩu được chứng nhận không còn cần phải có Giấy chứng nhận xuất xứ (Mẫu D), thay vào đó, họ có thể khai báo xuất xứ trên hóa đơn, vận đơn, lệnh giao hàng hoặc danh sách đóng gói. Điều 12A và Điều 2.4 đặt ra yêu cầu đối với nhà xuất khẩu đăng ký tự chứng nhận xuất xứ. Đây là cơ chế nhà xuất khẩu được phê duyệt (Approved exporter system), CQNN có thẩm quyền xem xét và cấp phép chứng nhận xuất xứ. Nhà xuất khẩu phải đạt được những tiêu chí nhất định cho việc tự chứng nhận xuất xứ và phải cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Trường hợp vi phạm, nhà xuất khẩu có thể bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi quyền tự chứng nhận.

RCEP: được coi là FTAs mở rộng khi tích hợp nhiều FTAs mà ASEAN là thành viên cho nên RCEP cũng ghi nhận hình thức tự chứng nhận xuất xứ. Tuy nhiên, do phạm vi rộng, nên RCEP ghi nhận nhiều hình thức tự chứng nhận xuất xứ quy định tại Điều 3.16 của Hiệp định, gồm: i) tự chứng nhận xuất xứ dựa trên nhà xuất khẩu được phê duyệt (tương tự ATIGA); ii) tự chứng nhận xuất xứ của nhà xuất khẩu, nhà sản xuất đủ điều kiện (tương tự CPTPP).

Hình thức tự chứng nhận xuất xứ giúp cho thương nhân xuất nhập khẩu được chủ động trong việc chứng minh xuất xứ hàng hóa. Thương nhân xuất nhập khẩu được tối giản hóa các quy trình thủ tục hành chính liên quan đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt đối với các thương nhân có nhiều đối tác thương mại trong các quốc gia ký kết các FTAs khác nhau, thay vì phải đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của từng FTA, hay các quy định nội địa cố định, thương nhân có thể chủ động xác định cách thức xác minh nguồn gốc xuất xứ phù hợp với hàng hóa của mình đáp ứng đủ tiêu chí xuất xứ.

Bên cạnh đó, thương nhân tự chứng nhận xuất xứ sẽ giảm thiểu đáng kể những chi phí phát sinh trong quá trình xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ tại cơ quan có thẩm quyền. Đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng nhận xuất xứ việc tự chứng nhận xuất xứ sẽ giảm đáng kể áp lực lên cơ quan cấp phép do việc trực tiếp xác minh xuất xứ hàng hóa đã chuyển giao sang cho doanh nghiệp, nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ.

Liên quan tới xuất xứ hàng hóa, trước đó Bộ Công Thương đã lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

Dự thảo Nghị định bổ sung Điều 25b (Tiêu chí tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa), Điều 25c (Cấp Văn bản chấp thuận), Điều 25d (Thu hồi Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa), Điều 25đ (Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa), Điều 25e (Cho hưởng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu có chứng từ tự chứng nhận xuất xứ) sau Điều 25. Trong đó, về tiêu chí tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, dự thảo Nghị định nêu rõ, thương nhân được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

Là nhà sản xuất, nhà xuất khẩu hàng hóa. Trong trường hợp nhà xuất khẩu không phải là nhà sản xuất, nhà xuất khẩu phải có cam kết bằng văn bản của nhà sản xuất về xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu và sẵn sàng hợp tác trong trường hợp kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất.

Không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Văn bản chấp thuận Tự chứng nhận xuất xứ.

Có hệ thống lưu trữ hồ sơ (hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử) đầy đủ để đảm bảo chứng minh tính xác thực của chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn lưu trữ theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP;

Có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo được Bộ Công Thương chỉ định cấp.

Đã được cấp ít nhất 30 bộ C/O ưu đãi/năm và thực hiện quy trình khai báo C/O điện tử qua Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử đối với hàng hóa cùng nhóm HS (4 số) trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Văn bản chấp thuận.

Cơ quan có thẩm quyền tham khảo, ưu tiên xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ trong trường hợp: Thương nhân được Bộ Công Thương công nhận là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín; thương nhân được Bộ Tài chính công nhận là doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.

Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu) là cơ quan có thẩm quyền cấp Văn bản chấp thuận để Nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Thương nhân đáp ứng quy định đề nghị cấp Văn bản chấp thuận và đính kèm hồ sơ qua Hệ thống

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang