Đáp ứng yêu cầu về chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) khi xuất khẩu sang EU

author 06:42 17/12/2022

(VietQ.vn) - Hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU muốn được hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá và có Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá tương ứng.

Kể từ khi đi vào thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho xuất khẩu. Tuy nhiên, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU muốn được hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá và có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) tương ứng.

Đáp ứng yêu cầu về chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang EU. Ảnh minh họa.

Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tổng kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi trong khuôn khổ EVFTA trong hai năm đầu thực hiện EVFTA là là 18,7 tỷ USD. Mức độ các lô hàng xuất khẩu đi EU được cấp trong khuôn khổ EVFTA đang chiếm 20% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đi EU. “Đây là một con số được nhìn nhận khá tích cực, cho thấy EVFTA đã phát huy hiệu quả bước đầu của một hiệp định có thực chất và rất được kỳ vọng”, bà Hiền cho biết.

Cũng theo bà Hiền, con số 20% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang EU được cấp C/O mẫu EUR.1 không có nghĩa là 80% kim ngạch còn lại đang phải chịu thuế cao và cũng không nói hết lên việc kim ngạch hàng hóa của chúng ta đang được hưởng ưu đãi thuế quan tại thị trường EU.

Bởi hàng hóa xuất khẩu đi EU thời gian qua có nhiều lựa chọn ưu đãi. Có những dòng thuế thực hiện theo cam kết của WTO đã bằng 0%, không cần phải có Giấy chứng nhận xuất xứ. Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu đi EU có thể có một lựa chọn khác là hưởng ưu đãi thuế quan theo chế độ thuế quan phổ cập GSP của EU dành cho các nước kém và đang phát triển, trong đó có Việt Nam; thứ ba là doanh nghiệp còn có thể tự chứng nhận xuất xứ cho những lô hàng có kim ngạch trị giá từ 6000 euro trở xuống theo quy định của EVFTA.

Trong điều kiện đó, tỷ lệ cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu đi EU cũng có sự khác nhau ở từng thị trường, từng mặt hàng cụ thể. Hàng xuất khẩu đi EU chủ yếu được cấp C/O đến những thị trường có cảng biển hoặc là các trung tâm phân phối của Châu Âu, ví dụ như Bỉ, Đức, Hà Lan và Pháp... Còn đối với những mặt hàng hiện nay đang có kim ngạch cao được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA gồm có da giày, thủy sản... 

Hiện nay, Việt Nam có 20 cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1, bao gồm Sở Công Thương thành phố Hải Phòng và 19 Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực trên cả nước. Để hiểu thêm về quy trình và thủ tục cấp C/O nói chung cũng như C/O mẫu EUR.1 nói riêng, doanh nghiệp có thể tham khảo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa...

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang