Cần siết chặt quản lý hải quan về xuất xứ hàng hóa, thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

author 13:54 27/02/2023

(VietQ.vn) - Tổng cục Hải quan cho biết, trước tình trạng vi phạm về xuất xứ hàng hóa và thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cần phải tăng cường giám sát và siết chặt hơn nữa.

Theo Tổng cục Hải quan, trong năm, 2022, cơ quan Hải quan đã tiếp nhận, xử lý 346 đơn đề nghị, đề nghị gia hạn và bổ sung hồ sơ để thực hiện kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Trước đó, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường kiểm tra, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo số liệu báo cáo từ Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, một số địa phương đã triển khai có hiệu quả việc kiểm tra, kiểm soát, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo đúng chỉ đạo của Tổng cục Hải quan. Nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến khai sai xuất xứ, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, ghi nhãn (Made in Vietnam), hàng không có nội dung ghi nhãn bắt buộc, gia công chế biến đơn giản, hàng giả mạo nhãn hiệu... đã bị phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cần siết chặt quản lý hải quan về xuất xứ hàng hóa, thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh minh họa

Trong năm, cơ quan Hải quan đã nghiên cứu nguy cơ gian lận về xuất xứ đối với mặt hàng Sorbitol nhập khẩu thông qua việc phân tích số liệu nhập khẩu, chính sách mặt hàng, chính sách thuế đối với mặt hàng này để đề xuất phương án xử lý.

Theo Tổng cục Hải quan, qua theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình làm thủ tục hải quan đối với mặt hàng Sorbitol trong thời gian qua có dấu hiệu một số doanh nghiệp lợi dụng khai báo không chính xác thông tin hàng hóa nhập khẩu để gian lận về mã HS, xuất xứ, số lượng, trị giá hải quan hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi vụ việc Hoa Kỳ điều tra Việt Nam về hành vi lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng tấm pin năng lượng – tế bào quang điện. Xây dựng phương án cho phiên họp lần thứ 1 Nhóm Công tác về Gỗ trong khuôn khổ Thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam liên quan đến việc kiểm soát nhập khẩu gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp.

Cùng với việc tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, ngành Hải quan tiếp tục rà soát, có văn bản chấn chỉnh đối với một số mặt hàng đặc thù, cần theo dõi, quản lý chặt chẽ như: mặt hàng khai báo là thuốc nhưng trong thành phần có chứa hoạt chất thuộc danh mục thuốc độc, nguyên liệu độc làm thuốc nhưng không có giấy phép nhập khẩu của Cục Quản lý Dược; mặt hàng thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng; mặt hàng liên quan bảo vệ môi trường; mặt hàng đá vôi xuất khẩu nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp quay vòng hóa đơn để hợp thức hóa nguồn gốc khoáng sản, xuất khẩu đá vôi có nguồn gốc bất hợp pháp.

Tiếp tục chủ động rà soát bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành và các tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với mặt hàng là thiết bị bay không người lái nhập khẩu, gian lận vi phạm về chính sách nhập khẩu, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và rà soát việc làm thủ tục hải quan đối với mặt hàng đồ uống có cồn (rượu, bia, mặt hàng đồ uống lên men khác) nhập khẩu trong thời gian qua, hướng dẫn các đơn vị thực hiện thống nhất nội dung liên quan hồ sơ, chứng từ khi thực hiện thủ tục hải quan đối với: trường hợp rượu nhập khẩu có độ cồn trên 5,5 độ và trường hợp từ 5,5 độ trở xuống, yêu cầu chứng nhận an toàn thực phẩm, dán tem rượu nhập khẩu.

Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.

Đối với những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ khác nhau sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế quan khác nhau. Hiện nay chúng ta có 3 mức thuế, bao gồm thuế ưu đãi, thuế thường và thuế trả đũa. Các quốc gia sẽ căn cứ vào xuất xứ của các hàng hóa để xác định đâu là mặt hàng được hưởng những ưu đãi về thuế theo các thỏa thuận thương mại và đâu là không.

Ngoài ra, việc xác định nguồn gốc của hàng hóa cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình làm thủ tục hải quan. Tên của nước xuất khẩu sẽ quyết định thái độ đối với mặt hàng đó. Theo đó, thủ tục hải quan có thể sẽ rất đơn giản hoặc phức tạp khó lường.

Giữa các nước, khối nước sẽ có những quy định về chính sách thương mại khác nhau. Việc xác định nguồn gốc của hàng hóa sẽ là biện pháp và công cụ để áp dụng các chính sách thương mại đó. Đặc biệt là trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu được bán phá giá, chính sách thương mại sẽ căn cứ vào điều này để thực hiện các hành động chống phá giá hoặc áp dụng loại thuế chống trợ giá một cách hiệu quả, khả thi hơn.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang