Từ vụ tôm bị bơm tạp chất: Cách nhận biết tôm sạch

(VietQ.vn) - Nhiều người tiêu dùng vô tư đưa loại tôm bơm tạp chất, thậm chí tôm chết về bữa ăn gia đình mà không hay biết. Thực phẩm tưởng tươi ngon hóa ra là “hàng giả” được độn hóa chất độc hại.
Đảm bảo tính khách quan và khoa học khi áp thuế nước giải khát có đường
Vai trò của báo chí giải pháp trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và thúc đẩy hành động
Hóa chất độc hại trong thực phẩm: Cần nhanh chóng bịt 'lỗ hổng'
Mới đây, vụ việc tại tỉnh Phú Yên tiếp tục phơi bày sự táo tợn của gian thương. Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh phối hợp Công an phát hiện cơ sở kinh doanh do bà N.T.X làm chủ, trực tiếp dùng bơm tiêm đưa thạch rau câu vào 45kg tôm hùm đã chết nhằm mục đích tiêu thụ ra thị trường.
Cơ sở này hoạt động không đăng ký kinh doanh theo quy định và bị xử phạt hành chính 11,5 triệu đồng. Toàn bộ số hàng – trị giá khoảng 22 triệu đồng bị buộc tiêu hủy bằng hình thức chôn lấp. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về mức độ phổ biến và nguy hiểm của thủ đoạn bơm tạp chất vào tôm.
Hành vi bơm tạp chất không chỉ là gian lận thương mại mà còn vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm. Đáng lo ngại hơn, nhiều loại tạp chất như thạch rau câu, tinh bột, tôm xay nhuyễn không nằm trong danh mục phụ gia được phép dùng trong thực phẩm, gây nguy cơ cao cho sức khỏe.
Theo cảnh báo từ chuyên gia, nếu tiêu thụ tôm chứa tạp chất trong thời gian dài, người dùng có thể gặp các triệu chứng ngộ độc như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn. Về lâu dài, những chất này có thể tích tụ, làm suy giảm chức năng tiêu hóa và tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Loại tôm thường bị bơm tạp chất nhất là tôm sú. Gian thương thường sử dụng hỗn hợp sền sệt gồm bột rau câu, tinh bột, thậm chí tôm nhỏ xay nhuyễn để bơm vào thân tôm, khiến con tôm phình to, nặng hơn, nhìn bắt mắt hơn nhằm qua mặt người mua. Không ít trường hợp còn sử dụng hormone tăng trưởng để thúc đẩy kích thước tôm phát triển bất thường, khiến người tiêu dùng khó nhận biết nếu không có kinh nghiệm.
 (1).jpg)
Ảnh minh họa.
Để không bị đánh lừa, người tiêu dùng cần tỉnh táo quan sát những đặc điểm nhận diện cơ bản. Tôm sạch có thân cong nhẹ, mềm mại và linh hoạt, trong khi tôm bị bơm thường có thân cứng đơ, thẳng bất thường. Các đốt thân của tôm bơm tạp chất thường giãn rộng, đặc biệt là phần nối giữa đầu và thân bị phình to.
Phần mang cũng là chi tiết cần chú ý: tôm tươi thường có mang mềm và phẳng, trong khi mang tôm bị bơm sẽ cứng, phồng lên rõ rệt. Một dấu hiệu khác là tôm có kích thước lớn đều như khuôn đúc – điều bất thường nếu xét theo sinh trưởng tự nhiên và thường là kết quả của việc dùng hormone.
Về màu sắc, người bán có thể sử dụng hóa chất làm sáng vỏ để tăng độ hấp dẫn. Tôm tươi thường có màu sáng nhẹ, vỏ bóng tự nhiên, còn tôm đã qua xử lý hóa chất có thể có vỏ đỏ rực hoặc xanh bất thường. Khi gặp những con tôm có màu sắc quá rực rỡ, sáng bóng lạ thường, người tiêu dùng nên tránh xa.
Một cách nhận biết tôm bị bơm hiệu quả là bóc phần đầu ức. Khi cầm đầu tôm, dốc xuống dưới, bóc lớp vỏ để lộ phần thịt và quan sát xoang ức. Tôm sạch có xoang khô, không có dịch lạ, không mùi hôi. Ngược lại, nếu thấy có dịch nhầy, mùi tanh hắc bất thường thì đó là dấu hiệu rõ ràng của tôm bơm tạp chất. Ngoài ra, có thể dùng kim châm nhẹ vào thân tôm, nếu thấy dịch chảy ra từ các đốt cơ thì chắc chắn đã bị can thiệp.
Tôm nuôi bằng hormone hoặc tôm tăng trọng bằng thức ăn tăng trưởng thường có thịt lỏng, mềm, không giữ được độ đàn hồi khi nấu chín. Hương vị cũng trở nên nhạt nhẽo, kém ngon – hậu quả của quá trình nuôi công nghiệp thiếu kiểm soát. Một điểm khác thường là tỉ lệ đầu và thân không hài hòa, đầu to bất thường – điều này cũng xuất phát từ việc tôm bị tác động sinh học trong quá trình nuôi, khiến các cơ quan nội tạng phát triển quá mức.
Trong đời sống hiện đại, nhiều người có thói quen mua tôm về trữ đông lâu ngày. Tuy nhiên, khi rã đông, tôm rất dễ đen đầu, mất đi độ tươi ngon. Một mẹo hữu ích được các đầu bếp chia sẻ là rửa sạch tôm, để ráo rồi rắc một ít đường trắng, lắc đều trước khi cấp đông. Đường giúp tôm giữ màu đầu tươi sáng và ngăn các con tôm dính chặt vào nhau. Tuy vậy, không nên trữ đông quá lâu – tối đa chỉ nên trong 30 ngày để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Giữa “ma trận” thực phẩm giả và kỹ thuật đánh lừa thị giác ngày càng tinh vi, người tiêu dùng cần trang bị kỹ năng nhận biết thực phẩm sạch. Đừng để sự chủ quan khiến gia đình bạn trở thành nạn nhân của những loại “tôm giả” đội lốt hải sản tươi. Chỉ nên chọn mua tại địa điểm uy tín, có chứng nhận nguồn gốc rõ ràng. Sự cảnh giác không bao giờ là thừa khi đối mặt với những thủ đoạn ngày càng nguy hiểm từ thị trường thực phẩm.
Thanh Hiền (t/h)