Ứng dụng công nghệ cao vào hợp tác xã để nâng cao năng suất và giá trị hàng hóa
Cảnh báo những lỗ hổng nghiêm trọng dễ bị các nhóm tin tặc khai thác
Cảnh báo chiêu thức lừa đảo tuyển dụng lao động thời vụ
Bộ Công Thương cảnh báo rủi ro khi mua sắm trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước có hơn 31.700 hợp tác xã (HTX); Trong đó có hơn 20.000 HTX nông nghiệp, còn lại là kinh doanh, dịch vụ. Trong số này có khoảng 10% (khoảng 2.000) HTX ứng dụng CNC, khoảng 2.200 HTX đã tiến tới thành lập doanh nghiệp hoặc liên kết đầu tư vốn với doanh nghiệp.
Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân giúp liên kết và tạo động lực phát triển cho các hộ quy mô nhỏ. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từng nhận định, HTX là thành phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp khoảng 4% GDP cả nước. Vì vậy việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp được quan tâm do lợi ích mang lại như cung cấp các sản phẩm nông sản an toàn, năng suất cao, tăng thu nhập, giảm tác động tới môi trường. Vì vậy, thúc đẩy HTX nông nghiệp ứng dụng CNC là cần thiết.
Đặc biệt kể từ ngày 1/7/2023, Luật Hợp tác xã 2023 bắt đầu có hiệu lực đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của HTX do điểm mới được lưu ý trong luật là nhấn mạnh vào chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong phát triển HTX. Qua đó, nhiều HTX Việt Nam đã ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất để nâng cao năng suất, tạo ra hàng hóa có giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và đạt được nhiều hiệu quả tích cực.
Việt Nam ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất để nâng cao năng suất, tạo ra hàng hóa có giá trị gia tăng. Ảnh minh họa
Điển hình như 110 ha chè Shan tuyết được xem là “vàng xanh” của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã được cấp Chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Quốc gia với sản lượng dự kiến 290 tấn/năm. Đặc biệt, HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái đã được cấp chứng nhận ISO 22000:2018 cho lĩnh vực chế biến và kinh doanh chè. Hiện nay, sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang đã được cấp Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; có 4 sản phẩm chè được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, lúa nếp Khẩu Láng là giống lúa đặc sản của Na Hang, diện tích trồng lúa nếp đạt 154,5 ha với sản lượng 110 tấn/năm. Sản phẩm gạo nếp Khẩu Láng đã được chứng nhận VietGAP và OCOP 3 sao, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cao. Hiện có 2 HTX sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa nếp đặc sản gồm HTX Nông nghiệp Thượng Nông và HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thượng Giáp.
Hay như tỉnh Bắc Kạn đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất được nhiều HTX chú trọng, từ việc đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, chủ động tìm kiếm, hợp tác với các đơn vị liên kết để sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 218 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 5 sao, 17 sản phẩm OCOP 4 sao và 200 sản phẩm OCOP 3 sao; đã có sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như thị trường Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ.
Hay như thành viên HTX thanh long Thuận Tiến, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đã tăng lợi nhuận sản xuất hàng năm từ 30% đến 50%. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, và tuân thủ tiêu chuẩn GlobalGAP các thành viên HTX đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thanh long sang thị trường châu Âu, Mỹ, Úc, Trung Quốc và đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Năm 2023, HTX thanh long Thuận Tiến được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 63 HTX tiêu biểu trên toàn quốc.
Cùng với đầu tư, ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh vào sản xuất, bán hàng, HTX và người dân tại các địa phương đã tạo nên những kỳ tích trên chính quê hương của mình thông qua những sản phẩm chủ lực OCOP. Ngoài tự lực, tự chủ và tiên phong đổi mới công nghệ, tự thân các HTX còn đẩy mạnh hợp tác, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học-công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị nhằm phát triển các cụm liên kết sản xuất, trồng trọt đến chế biến và tiêu thụ tại địa phương.
Việc phát triển các mô hình liên kết hợp tác xã sẽ là động lực để nâng cao năng lực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào tái cơ cấu, liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững.
Khánh Mai