Vaccine COVID-19: Cuộc chạy đua sản xuất và tiêm diện rộng cho trẻ em

author 06:38 18/09/2021

(VietQ.vn) - Hiện nay đã có rất nhiều quốc gia cấp phép và tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em. Vậy hiêu quả của những loại vaccine này ra sao?

Tiêm vắc xin cho trẻ em sẽ mở rộng số người được vaccine bảo vệ trong cộng đồng và giúp trường học an toàn hơn, qua đó tạo điều kiện cho trẻ em đến trường học trực tiếp thay vì học trực tuyến với nhiều bất cập.

Tuy nhiên hiện tại, rất ít vaccine được thử nghiệm hoặc nghiên cứu cho trẻ sơ sinh hoặc dưới 5 tuổi, các loại vaccine Covid-19 hầu hết tập trung vào nhóm 12-17 tuổi. 

Pfizer

Theo Euronews, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ em 12-15 tuổi vào tháng 5. Đây cũng là vaccine Covid-19 đầu tiên được chấp thuận sử dụng cho trẻ em ở EU.

Vaccine Pfizer (tên gọi khác Comirnaty) cũng là loại duy nhất Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm cho nhóm trẻ em 12-15 tuổi, nếu nguồn cung cấp đủ và trẻ dễ bị diễn biến nặng khi mắc Covid-19.

Theo Mayo Clinic, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp Pfizer cho trẻ 12-15 tuổi. FDA cũng phê duyệt vaccine này cho nhóm thanh, thiếu niên dưới 16 tuổi. Tương tự người lớn, trẻ em cũng cần tiêm đủ 2 liều Pfizer, thời gian cách nhau giữa các mũi là 21 ngày. Liều thứ 2 có thể được tiêm sau 6 tuần tiêm mũi 1 nếu cần thiết.

Các quan chức y tế Mỹ dự đoán vào cuối tháng 10, vaccine phòng Covid-19 của Pfizer có thể được phép sử dụng cho trẻ em trong nhóm 5-11 tuổi. Mốc thời gian tháng 10 dựa trên kỳ vọng Pfizer sẽ có đủ dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng để xin phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho nhóm tuổi nói trên từ FDA vào cuối tháng 9.

Vaccine Pfizer (tên gọi khác Comirnaty) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm cho nhóm trẻ em 12-15 tuổi. Ảnh: Zing news

FDA phê duyệt Pfizer dựa vào nghiên cứu của hãng, được thực hiện trên 2.200 trẻ em 12-15 tuổi ở Mỹ. Khoảng 50% trong số này được tiêm giả dược.

Moderna

Theo New York Times, Moderna cho biết vaccine Covid-19 Spikevax có hiệu quả mạnh mẽ ở trẻ 12-17 tuổi. Nhà sản xuất đã gửi đơn lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để cấp phép sử dụng vaccine này cho thanh, thiếu niên.

Moderna đang trong nghiên cứu lâm sàng trên người pha 3 và đã được cấp phép sử dụng tại Mỹ cũng như Tổ chức Y tế Thế giới và hơn 30 quốc gia khác. Hiệu quả của vaccine này theo trang theo dõi của New York Times là 94,1%.

Trong công bố nghiên cứu thử nghiệm trên trẻ em, Moderna cho hay đã phân tích dữ liệu trên 3.732 trẻ 12-17 tuổi. Trong đó, 2/3 trẻ được nhận đủ hai liều vaccine Spikevax, số còn lại tiêm giả dược. Các tình nguyện viên sẽ được theo dõi thêm một năm kể từ khi hoàn thành 2 mũi tiêm Moderna.

Kết quả cho thấy không trường hợp nào mắc Covid-19 có triệu chứng sau tiêm vaccine đủ 2 liều. Điều này tương đương hiệu quả 100%, bằng con số mà Pfizer đã báo cáo trong thử nghiệm trên trẻ 12-15 tuổi. Ngoài ra, nhà sản xuất cũng cho biết một liều vaccine Moderna có hiệu quả 93% trong việc chống lại Covid-19 có triệu chứng.

Một số tác động tự khi tiêm ở người lớn, gồm đau tại chỗ tiêm, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ, ớn lạnh. Công ty Moderna cũng khẳng định vaccine Covid-19 của họ an toàn với trẻ em, không có nguy cơ tiềm ẩn nào.

Hiện tại, FDA chưa cấp phép tiêm Moderna cho thanh, thiếu niên. Tuy nhiên, vào tháng 7, EMA đã phê duyệt sử dụng thuốc này cho trẻ dưới 18 tuổi. Ngày 17/8, cơ quan quản lý dược phẩm Anh cũng cấp phép sử dụng vaccine của Moderna cho trẻ em 12-17 tuổi.

Theo New York Times, Moderna đang thử nghiệm vaccine này ở trẻ sơ sinh và nhóm dưới 12 tuổi.

Sputnik V

Cách đây hơn một năm, Nga trở thành quốc gia đầu tiên sản xuất thành công vaccine Covid-19. Đó là Sputnik V do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật Gamaleya nghiên cứu và phát triển.

Kể từ đó đến nay, giới khoa học nước này sản xuất nhiều loại vaccine Covid-19 phù hợp với các nhóm người khác nhau. Điển hình là loại một liều Sputnik Light.

Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) công bố Sputnik Light có hiệu quả bảo vệ 93,5% trong chiến dịch tiêm chủng tại Paraguay. RDIF trích dẫn dữ liệu từ Bộ Y tế Paraguay cho thấy vaccine "chứng minh hiệu quả cao với hơn 320.000 người đã tiêm chủng". Dữ liệu được thu thập trước ngày 30/7.

Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật Gamaleya công bố bài báo cho biết Sputnik V đang được thử nghiệm trên 350 trẻ em 12-17 tuổi tại Nga. Dự án đánh giá sức khỏe của các tình nguyện viên đều an toàn, Sputnik V dung nạp tốt và có hiệu quả trên trẻ em, thanh thiếu niên.

Trẻ em tham gia tiêm thử được sử dụng liều bằng 1/10 người lớn. Giai đoạn 1 gồm 100 trẻ, chia đôi, một nửa tiêm giả dược. Giai đoạn 2 gồm 250 tình nguyện viên. Hiện tại, nghiên cứu mới ở giai đoạn lâm sàng pha 2 và chưa được công bố chi tiết số liệu.

Ngoài ra, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật Gamaleya, cho biết họ đã thử nghiệm vaccine Covid-19 dạng xịt mũi cho trẻ 8-12 tuổi. Vaccine dự kiến được ra mắt vào tháng 9.

Trong cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6, ông Gintsburg cho biết thuốc xịt cho trẻ em được sử dụng cùng một loại vaccine, chỉ thay kim tiêm bằng vòi xịt và đã được đưa vào sử dụng từ trước 15/9.

Nhóm đã nghiên cứu thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 với trẻ 8-12 tuổi, không phát hiện tác dụng phụ, không làm tăng thân nhiệt. Tuy nhiên, hiện tại, thông tin về hiệu quả cũng như loại vaccine Covid-19 được tiêm cho trẻ em tại Nga vẫn còn rất ít ỏi.

Sinovac

Ở châu Á, vào tháng 6, giới chức Trung Quốc cũng phê duyệt tiêm vaccine CoronaVac của Sinovac Biotech cho trẻ từ 3 đến 17 tuổi. Đây là quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine này cho nhóm tuổi nói trên.

Theo CGTN, hồi tháng 6, nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy hai liều CoronaVac an toàn, hiệu quả ở trẻ em, thanh thiếu niên từ 3 đến 17 tuổi. Hai liều tiêm cách nhau 28 ngày, tạo ra phản ứng kháng thể mạnh mẽ. Nghiên cứu được thực hiện ở huyện Tán Hoàng, Thạch Gia Trang, Hà Bắc, Trung Quốc.

Số tình nguyện viên được tiêm vaccine là 500 trẻ em, thanh thiếu niên khỏe mạnh. 96% trong số đó phát triển kháng thể chống lại nCoV. Phần lớn tác dụng phụ nhẹ hoặc trung bình, phổ biến nhất là đau tại chỗ tiêm.

Soberana 2

Ngày 6/9, Cuba trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng Covid-19 đại trà cho trẻ em từ 2 đến 11 tuổi, sử dụng vaccine tự phát triển của nước này - Soberana 2. Cuba bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cho trẻ đúng ngày khai giảng năm học mới, thí điểm ở miền Trung Cienfuegos. Trước đó, nước này cũng khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà cho thanh, thiếu niên 12-18 tuổi.

Ngày 12/8, Cuba công bố dữ liệu ban đầu cho thấy “chỉ có 21.000 người” (hay 0,8%) trong số 2,5 triệu người được tiêm vaccine Soberana 2 mắc Covid-19. Ngoài ra, chỉ 99 người tử vong, chiếm tỷ lệ 0,003%. Soberana 2 do Tập đoàn dược phẩm sinh học nhà nước BioCubaFarma sản xuất.

Theo CNBC News, Soberana 2 sử dụng các protein nCoV tổng hợp để kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể. Giới chức Cuba cho hay họ sẽ xin phép Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt khẩn cấp.

Các nhà khoa học Cuba khẳng định vaccine của họ an toàn, hiệu quả ngay cả với trẻ em. Song, tương tự Sputnik V, rất ít dữ liệu nghiên cứu về hiệu quả của Soberana 2 trên người dưới 18 tuổi được công bố.

ZyCoV-D

Ngày 20/8, Ấn Độ cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine do Zydus Cadila sản xuất, ZyCoV-D, với trẻ từ 12 tuổi trở lên. Đây là loại vaccine có 3 liều vào ngày 0, 28 và 56.

Vaccine này có liệu trình tiêm ít nhất ba liều bằng phương pháp không dùng mũi kim. Theo Hindustan Times, Zydus Cadila sẽ sớm thử nghiệm vaccine ZyCoV-D ở trẻ từ 2 tuổi trở lên.

Các cố vấn khoa học của chính phủ Ấn Độ cho biết việc tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi có bệnh nặng có thể bắt đầu vào tháng 10. Tuy nhiên, chiến dịch này chỉ diễn ra sau khi Ấn Độ hoàn tất chương trình tiêm vaccine Covid-19 cho người trưởng thành.

Bộ Công nghệ Sinh học Ấn Độ (DBT) cho hay đây là vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phát triển dựa trên phân tử DNA, có thể dễ dàng thích nghi, đối phó với các biến chủng của nCoV.

Thử nghiệm vaccine diễn ra với 28.000 tình nguyện viên, trong đó có 1.400 thanh, thiếu niên 12-18 tuổi. Trong tất cả thử nghiệm, nhóm nghiên cứu không phát hiện tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhà sản xuất chưa công bố hiệu quả cụ thể của vaccine trên trẻ em.

Việt Nam bao giờ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em?

Tại Việt Nam hiện chưa tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em vì số lượng vaccine còn hạn chế, cần nhắm đến đối tượng nguy cơ cao hơn.

Bên cạnh đó, trẻ em nếu mắc COVID-19 thường có triệu chứng, biến chứng nhẹ hơn rất nhiều so với người lớn mắc bệnh. Tại nước ta, tỷ lệ bệnh nhi mắc COVID-19 trở nặng và tử vong ở nước ta chưa có.

Giữa tháng 7/2021, Bộ Y tế đã đàm phán với hãng Pfizer và đang làm thủ tục ký cam kết mua thêm 20 triệu liều vaccine COVID-19 tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12-18 tuổi. Hiện theo thống kê, nước ta có khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này.

Trước đó, Bộ Y tế đã ký thoả thuận mua 31 triệu liều vaccine Pfizer phòng COVID-19. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, trong quý IV/2021, khoảng 47-50 triệu liều vaccine này sẽ về Việt Nam.

"Khi ấy chúng ta sẽ tiêm cho trẻ em. Vì nếu không tiêm cho trẻ em thì không thể hoàn thiện lá chắn phòng thủ với COVID-19 cho cộng đồng" - BS Phạm Quang Thái nói.

Liên quan đến vấn đề vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, Bộ Y tế đã có văn bản hoả tốc số 7355/BYT-DP gửi Văn phòng Chính phủ về việc trả lời đề xuất, kiến nghị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Thủ tướng tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021.

Theo đó, Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang tích cực tìm nguồn vaccine COVID-19. Nhưng hiện nay, do nguồn cung vaccine còn hạn chế, Việt Nam mới tập trung tiêm chủng cho nhóm ưu tiên theo nghị quyết 21 và người từ 18 tuổi trở lên.

Khi có vaccine, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn mới. Lúc đó, bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách đối tượng tiêm cụ thể, trong đó có đối tượng dưới 18 tuổi bao gồm học sinh.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang