Tăng cường ngăn chặn và xử lý nghiêm vận chuyển gia cầm trái phép

author 05:57 05/07/2023

(VietQ.vn) - Trước tình trạng vận chuyển gia cầm qua các tuyến biên giới ngày càng gia tăng và phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, cần ngăn chặn quyết liệt hơn nữa.

Vận chuyển gia cầm trái phép diễn biến phức tạp tại tuyến biên giới

Thời gian qua, tình hình vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào nước ta diễn ra phức tạp, nhất là tuyến biên giới đường bộ giáp với Trung Quốc, Lào.

Theo Tổng cục Hải quan, xác định hành vi nhập lậu gia cầm không chỉ gây ảnh hưởng đến thị trường nội địa, mà còn mang nguồn bệnh nguy hiểm nên cơ quan chức năng kiểm soát rất chặt chẽ, liên tục triển khai các đợt quét gia cầm nhập lậu.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. VIPA cho biết, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Đây không những là một trong các nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm thể độc cực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác vào Việt Nam, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.

Trong khi đó, theo VIPA, tỷ suất lợi nhuận chăn nuôi gia cầm ngày càng giảm khi giá bán gà ta suốt cả năm 2022 và quý I/2023 đều thấp hơn giá thành sản xuất từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Thậm chí, tháng 2 và tháng 3/2023, giá bán thấp hơn từ 13.000 - 16.000 đồng/kg. Còn giá thành sản xuất gà công nghiệp khoảng 29.000 đồng/kg nhưng chỉ bán ra 23.000 - 24.000 đồng/kg.

Hiện ngành chăn nuôi gia cầm nước ta đang đối diện với khó khăn, hàng ngàn cơ sở chăn nuôi gà đang đối mặt với nguy cơ phá sản, nhẹ hơn thì giảm quy mô sản xuất, phải tạm ngừng hoạt động...

 Tình hình vận chuyển gia cầm trái phép qua tuyến biên giới ngày càng tăng và phức tạp. Ảnh minh họa

Mặt khác thời gian qua có rất nhiều phụ phẩm chăn nuôi có giá rất rẻ như chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm, đặc biệt gà đẻ thải loại đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng (gà dai) vẫn được nhập khẩu với khối lượng rất lớn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm cho người. Nếu tình trạng này không được kiểm soát thì không những sản xuất gia cầm trong nước ngày càng khó khăn hơn mà còn có thể gây hậu quả cho sức khỏe của người tiêu dùng. Thực tế đã không ít vụ việc nhập lậu gia cầm bị lực lượng QLTT các tỉnh thành phát hiện và thu giữ.

Vụ việc điển hình mới đây nhất vào đầu tháng 6, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp kiểm tra và bắt giữ gần 3,3 tấn chân gà đông lạnh được đóng kín trong các thùng các-tông, bên ngoài các thùng hàng có in chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ ghi bằng tiếng Việt. Giữa tháng 6, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phát hiện và bắt giữ gần 1 tấn cánh gà được đóng gói trong 65 bao tải dứa, là hàng đông lạnh, không rõ nguồn gốc, đã biến đổi màu sắc tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Tiếp đến, Đội Quản lý thị trường số 24 phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm là chân, cánh, đùi gà đóng gói sẵn gồm: 750 gói cánh gà (25 gram/gói); 240 gói đùi gà (35 gram/gói); 2.400 gói chân gà (32 gram/gói). Tổng số lượng là hơn 2.500 chân, cánh gà nhập lậu. Tổng trị giá trên 20 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, trên hàng hóa có nhãn ghi bằng chữ nước ngoài, nhưng không có tem phụ bằng chữ Việt Nam. 

Tổ công tác Đội Cảnh sát chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an tỉnh) phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục quản lý thị trường) tỉnh Lào Cai tiến hành kiểm tra, lô hàng gồm 105 thùng bìa giấy, bên trong có 37.800 gói cánh gia cầm đã được tẩm ướp không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nhiều ban ngành chỉ đạo tăng cường ngăn chặn và xử lý nghiêm vận chuyển gia cầm trái phép

Thực hiện Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam (Công điện số 426/CĐ-TTg) và Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025” (Quyết định số 172/QĐ-TTg). Để bảo đảm thực thi nghiêm việc kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị: các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng và đơn vị có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các lực lượng chức năng trong Ngành tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công điện số 426/CĐ-TTg và Quyết định số 172/QĐ-TTg trên địa bàn, lĩnh vực đơn vị mình phụ trách, quản lý.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không; đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và các cơ quan chức năng có liên quan khi có yêu cầu; Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam; Có phương án cụ thể để triển khai và phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức tới các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật, chính sách không vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025".

Bộ cũng đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông... để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Nam.

Trường hợp bắt các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã giao giao Cục Thú y và đơn vị liên quan tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc phòng, chống dịch bệnh; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay, việc quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật còn nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập. Đó là chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến quản lý vận chuyển và kiểm soát giết mổ động vật, chưa ban hành kế hoạch xây dựng mạng lưới giết mổ động vật theo quy định của Luật Thú y.

Hiện cả nước có 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung và trên 24.000 nhỏ lẻ giết mổ động động vật, cơ sở vật chất cơ sở giết mổ chưa bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và bố trí nguồn lực tài chính cho quản lý giết mổ, an toàn thực phẩm còn rất nhiều hạn chế…

Liên quan tới tình trạng buôn bán vận chuyển gia cầm trái phép gia tăng, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ký Công văn số 57/BCĐ389-VPTT chỉ đạo việc kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình; phối hợp tổ chức triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi tập kết, buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển vào Việt Nam và các hành vi giết mổ, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường nội địa; thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam.

Tổng cục Hải quan cũng vừa chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm tại các cửa khẩu, nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, cơ quan hải quan phải tập trung kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch động vật do cơ quan thú y cấp cho lô hàng nhập khẩu; kiên quyết không cho nhập khẩu, buộc tái xuất, tịch thu hoặc tiêu hủy đối với lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, nhất là những nơi có đường mòn, lối mở, sông suối, địa bàn thuận lợi cho việc tập kết việc vận chuyển gia súc, gia cầm.

Đồng thời, các đơn vị xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, tăng cường kiểm soát đối với phương tiện xuất nhập cảnh; phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong việc tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hành vi vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới, người dân xuất nhập cảnh về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot