Viên uống vỏ nho Nano Resveratrol 'thổi phồng' công dụng, dấu hiệu lừa dối người dùng?

author 08:31 05/12/2021

(VietQ.vn) - Là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) thế nhưng Viên uống vỏ nho Nano Resveratrol lại được quảng cáo để hiểu là công dụng như thuốc chữa bệnh máu nhiễm mỡ, dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.

Máu nhiễm mỡ là một trong những căn bệnh phổ biến nhất hiện nay. Trong đó, chế độ ăn uống không hợp lý, thừa chất, ít vận động là nguyên nhân hàng đầu gây béo phì, mỡ máu cao. Rối loạn mỡ máu hay máu nhiễm mỡ nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Bởi vậy, khi được chẩn đoán máu nhiễm mỡ, người bệnh thường lo lắng, tìm mọi phương pháp chữa trị. Nắm bắt tâm lý này, nhiều thương nhân đã lợi dụng lòng tin, sự lo lắng của người tiêu dùng, đưa ra các sản phẩm giới thiệu nguyên liệu từ thiên nhiên dưới dạng thực phẩm chức năng (TPCN) hay thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) nhưng quảng cáo có công dụng như thuốc điều trị bệnh gây hoang mang cho người dùng.

Qua tìm hiểu được biết, trên thị trường xuất hiện rất nhiều TPCN hay TPBVSK với thành phần từ thảo dược với chức năng hỗ trợ giảm mỡ máu đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người mắc bệnh máu nhiễm mỡ. Đáng chú ý, Viên uống vỏ nho Nano Resveratrol của Công ty CP Dược Mỹ phẩm thiên nhiên True Natural Việt Nam phân phối đang được quảng cáo rầm rộ trên một số nền tảng Internet là "vũ khí hạ mỡ máu của người Pháp từ nho đỏ". 

 Quảng cáo sản phẩm viên uống vỏ nho Nano Resveratrol tại fanpage trên mạng xã hội Facebook. Ảnh chụp màn hình

Theo tìm hiểu của phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), tại fanpage có tên "Herbslim - Cốm Detox" trên mạng xã hội Facebook, viên uống vỏ nho Nano Resveratrol được quảng cáo với các công dụng nổi bật "Giảm lượng Cholesterol trong cơ thể, đặc biệt là LDL-Cholesterol; Hạn chế sự hình thành LDL-Cholesterol và giảm sự thoái biến HDL-Cholesterol; Hạn chế quá trình lắng đọng LDL-Cholesterol vào thành mạch và hạn chế quá trình xơ vữa động mạch; Giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra tình trạng mỡ máu cao và các bệnh lý khác; Không có tác dụng phụ nào khi sử dụng Resveratrol dài ngày để hạ mỡ máu". Đối tượng sử dụng sản phẩm này là người mỡ máu cao, người có nguy cơ xơ vữa động mạch, người huyết áp cao, tiểu đường, mắc bệnh về tim mạch. 

Tại fanpage "True Natural - Tinh hoa Đông y Việt", Viên uống vỏ nho Nano Resveratrol được quảng cáo có tác dụng "Hỗ trợ chống oxy hóa, giúp giảm cholesterol máu, giảm mỡ tích tụ trong mạch máu giúp phòng tránh việc hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ; Hỗ trợ giảm nguy cơ xơ vữa động mạch do cholesterol máu cao; Tốt cho người mỡ máu cao, hỗ trợ giảm nguy cơ các biến chứng của mỡ máu cao như biến chứng bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, biến chứng tai biến mạch máu não, tắc động mạch ngoại biên; Tốt cho những người huyết áp cao, bằng cách tạo ra nhiều oxit nitric hơn, khiến các mạch máu thư giãn nhờ đó hỗ trợ đưa huyết áp về mức ổn định". Đáng chú ý, tại fanpage này, Viên uống vỏ nho Nano Resveratro được khuyến cáo "dùng tốt khi kết hợp kèm với thuốc tây và dùng đồng thời với một số loại thuốc khác" bởi thành phần chiết xuất từ thiên nhiên có độ lành tính cao. Hơn thế nữa, sản phẩm này dùng được cho người bị bệnh tiểu đường hay thậm chí là ung thư. 

Còn trên website https://truenatural.com.vn đã được đăng ký với Bộ Công Thương, sản phẩm Viên uống vỏ nho Nano Resveratrol chỉ được biết đến với vỏn vẹn hai công dụng "Hỗ trợ chống oxy hóa, giúp giảm cholesterol máu; Hỗ trợ giảm nguy cơ xơ vữa động mạch do cholesterol máu cao". Tương tự như 2 fanpage trên, đối tượng đích sử dụng sản phẩm này là người mỡ máu cao. 

 Viên uống vỏ nho Nano Resveratrol chỉ được phân phối qua kênh bán hàng online để đem đến tay người tiêu dùng?
Một trong các nội dung quảng cáo về sản phẩm Viên uống vỏ nho Nano Resveratrol được người tiêu dùng phản ánh

 Một trong các nội dung quảng cáo về sản phẩm Viên uống vỏ nho Nano Resveratrol được người tiêu dùng phản ánh

Được biết, Công ty CP Dược Mỹ phẩm thiên nhiên True Natural Việt Nam có địa chỉ tại tầng 2, số 14 BT4 (76) khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội. Trên trang web truenatural.com.vn đưa hình ảnh nghệ sĩ Trấn Thành là giám đốc điều hành.

Có thể thấy, với tất cả những thông tin quảng cáo về Viên uống vỏ nho Nano Resveratrol được đăng tải trên các website hay nền tảng Internet đều hướng đến mục đích 'thổi phồng' chất lượng của sản phẩm này. Mặc dù có đăng tải thông tin sản phẩm không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh thế nhưng cơ sở kinh doanh vẫn ngang nhiên sử dụng những câu từ, hình ảnh bác sĩ nói về sản phẩm khiến người tiêu dùng lầm tưởng Viên uống vỏ nho Nano Resveratrol như là một loại thuốc chữa bệnh máu nhiễm mỡ. 

Theo phản ánh của người tiêu dùng, khi liên hệ để mua Viên uống vỏ nho Nano Resveratrol, sản phẩm này chỉ bán qua kênh bán hàng online. Khách hàng mua sẽ để lại số điện thoại, sau đó có người liên hệ lại. Người liên hệ đó tự xưng là bác sỹ, dược sỹ (chuyên gia) gọi điện tư vấn, giới thiệu với rất nhiều địa chỉ khác nhau. Tuy nhiên, thực chất người gọi lại tư vấn chỉ là nhân viên bán hàng chứ không phải là chuyên gia. 

Sử dụng hình ảnh của bác sĩ quảng cáo, giới thiệu về sản phẩm. Hình ảnh trên web: truenatural.com.vn/chuyen-gia/

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị cơ quan Thanh tra Bộ Y tế cần xem xét, xử lý các quảng cáo trá hình, lừa dối người tiêu dùng, có dấu hiệu sai phạm như sản phẩm viên uống quảng cáo giảm được mỡ máu khi dùng.

Theo Mục b, Khoản 3, và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012, các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về sự việc này!

Nhóm PV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang