TPCN Tamino 'nổ' là thuốc tăng cân: Đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm

author 09:44 16/11/2021

(VietQ.vn) - Như Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã phản ánh, thực phẩm chức năng Tamino ngang nhiên "nổ" là thuốc tăng cân lừa dối người tiêu dùng, đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm.

Thực phẩm chức năng Tamino 'nổ' là thuốc tăng cân lừa dối người tiêu dùng

 Thực phẩm chức năng Tamino ngang nhiên 'nổ' là thuốc tăng cân lừa dối người tiêu dùng.

Theo ghi nhận của PV, tại các website bán hàng có địa chỉ như: https://www.tamino.com.vn, https://tamino.vn, https://vivita.vn... ghi rõ thuốc tăng cân TAMINO- Whey Proterin nhập khẩu từ Mỹ. Thế nhưng, đây chỉ là thực phẩm chức năng chứ không phải thuốc chữa bệnh.

Được biết, cuối tháng 6/2019, Cục trưởng Cục ATTP cấp giấy tiếp nhận công bố thực phẩm chức năng Tamino cho Công ty TNHH Dược phẩm Sanora. Ngày 18/7/2019, Cục An toàn thực phẩm cấp giấy phép quảng cáo số 01389/2019/ATTP-XNQC cho sản phẩm chức năng này.

Điều bất ngờ, Công ty TNHH Dược phẩm Sanora chỉ mới thành lập ngày 15/ 5/2019 - tức chưa đầy 1 tháng trước khi thực phẩm chức năng Tamino được tung ra thị trường.

Công ty này có địa chỉ trụ sở chính đăng ký tại 5/6 Tân Thới Hiệp 13, khu phố 3A, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM. Người đại diện theo pháp luật là bà Thiều Thị Kim Ngân. Ngành nghề chính là bán buôn thực phẩm.

Trong giấy tiếp nhận công bố ghi rõ, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tamino và doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm tính phù hợp của sản phẩm. Thế nhưng trên thực tế, trên nhiều website thực phẩm chức năng này ngang nhiên nổ công dụng và xưng tên là thuốc tăng cân.

giấy phép quảng cáo số 01389/2019/ATTP-XNQC

 Giấy phép quảng cáo số 01389/2019/ATTP-XNQC ghi rõ thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Chưa kể, tại giấy phép quảng cáo số 01389/2019/ATTP-XNQC về phần công dụng ghi rõ: Sản phẩm này hỗ trợ cung cấp các enzyme và các chất thiết yếu cho cơ thể, hỗ trợ kích thích tiêu hóa, tăng cường sức khỏe, giảm căng thẳng, giúp ăn ngủ ngon. Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Thế nhưng, trên các website quảng cáo, sản phẩm này được “nổ” thêm hàng loạt công cụng như: "Thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố, giúp giảm tình trạng nóng trong. Cải thiện các vấn đề hệ tiêu hoá đang gặp phải, tăng cường khả năng hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn. Kích thích cảm giác thèm ăn, ăn ngon và ăn được nhiều hơn. An thần, ngủ ngon và sâu giấc hơn, giúp tính thần sảng khoái tràn đầy năng lượng. Tăng cường thể trạng, bồi bổ khí huyết giúp giảm tình trạng ốm vặt. Tổng hợp Protein, nuôi dưỡng cơ bắp giúp tăng cân, tăng cơ chắc khoẻ và được quảng cáo là thuốc tăng cân hiệu quả số 1 hiện nay".

Với việc sử dụng ngôn ngữ phóng đại, gây hiểu lầm như thuốc tăng cân, phải chăng tổ chức kinh doanh đang cố tình lừa dối người tiêu dùng?

Trên các website quảng cáo sản phẩm này còn sử dụng hàng loạt hình ảnh khách hàng, bệnh nhân chia sẻ về công dụng và hiệu quả của sản phẩm bằng hình thức đăng tải bài: “Nhân vật chia sẻ kinh nghiệm chữa khỏi bệnh”, dạng tin nhắn cảm ơn, nhận xét về sản phẩm trước và sau khi dùng lên website khiến nhiều người tin rằng loại thực phẩm chức năng được nói đến có công dụng chữa bệnh và được dùng rộng rãi.

Cũng giống như hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo trá hình là thuốc, thực phẩm chức năng Tamino được phân phối qua kênh bán hàng online. Khách hàng chỉ cần để lại số điện thoại sẽ có người tự xưng là bác sỹ, dược sỹ (chuyên gia) gọi điện tư vấn, giới thiệu với rất nhiều địa chỉ khác nhau. Tuy nhiên, khi để lại thông tin, người gọi lại tư vấn chỉ là chuyên viên bán hàng chứ không phải chuyên gia.

Vắng khách ‘Tây’ chợ Đồng Xuân và Bến Thành đìu hiu

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, hiện nay, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng cũng rất phổ biến. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định pháp luật.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi sau: Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế. Gọi điện thoại tự xưng là bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Người dân cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. 

Đồng thời, đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang