Bé 3 tháng tuổi viêm phổi, suy hô hấp nặng vì thói quen nhiều cha mẹ vẫn làm

authorHòa Lê 10:05 03/11/2019

(VietQ.vn) - Mới đây, một bé trai 3 tháng tuổi (quê Phú Thọ) đã rơi vào tình trạng nguy kịch, nguy cơ tử vong cao do gia đình dùng thuốc nam cho bé uống để chữa tiêu chảy.

Vừa qua khoa Hồi sức tích cực – Chống độc - Trung tâm Sản Nhi - BVĐK Phú Thọ tiếp nhận một bệnh nhi 03 tháng tuổi từ TTYT huyện Tân Sơn, Phú Thọ chuyển đến trong tình trạng trẻ khó thở, suy hô hấp, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, ý thức lơ mơ, da vàng xạm toàn thân, niêm mạc nhợt, tiểu màu đỏ sậm, rốn lồi thoát vị, bụng chướng, gan to.

Gia đình cho biết cháu bé sinh thường, lúc sinh nặng 3500 gram, chưa được xét nghiệm sàng lọc để phát hiện các bệnh lý bẩm sinh. Sau sinh thỉnh thoảng trẻ bị tiêu chảy, phân có bọt và đỏ xung quanh hậu môn, gia đình đã cho trẻ uống và đắp thuốc nam. Trước khi vào viện 3 ngày trẻ ho, sốt, ho có đờm, khó thở khò khè.

Gia đình chưa đi khám khám ở các cơ sở y tế mà đã dùng thuốc nam của thầy lang nấu cho mẹ và con uống, nhưng tình trạng bệnh ngày càng nặng, trẻ khó thở, tím tái toàn thân.

Gia đình đưa trẻ vào Trung tâm y tế huyện Tân Sơn, sau khi khám xét, phát hiện trẻ trong tình trạng viêm phổi suy hô hấp nặng đã được các bác sĩ cấp cứu và chuyển gấp đến Trung tâm Sản Nhi – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Bé 3 tuổi viêm phổi, suy hô hấp nặng vì thói quen nhiều cha mẹ vẫn làm

 Các bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc luôn theo dõi sát sao tình trạng của bé

Thạc sỹ y học, bác sĩ Cao Việt Hưng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết: Kết quả chụp X-quang phổi cho thấy tổn thương dạng nốt mờ, đông đặc khắp hai phế trường, tổn thương gan nặng, men gan tăng cao gấp 5 lần bình thường, tình trạng ứ mật bilirubin tăng gấp 10 lần bình thường.

Theo đó bệnh nhân được cho thở máy qua nội khí quản với phương thức thở mới nhất áp dụng cho trẻ bị suy hô hấp nặng, dùng các thuốc trợ tim mạch để duy trì huyết áp.

Rất may, sau 6 ngày cấp cứu tích cực, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch và được ra viện sau 24 ngày điều trị.

Trường hợp này một lần nữa là hồi chuông cảnh báo đối với những gia đình có thói quen lạm dụng thuốc nam hay các bài thuốc dân gian truyền miệng để chữa bệnh cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh.

Dù đã có những hậu quả đau lòng từ những sai lầm trong điều trị tiêu chảy cho trẻ, song nhiều câu chuyện tương tự vẫn tiếp tục diễn ra. Ngay trước đó không lâu, một bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh cũng rơi vào hôn mê sau khi bố mẹ cho uống nước lá ổi và lá hồng xiêm để trị tiêu chảy.

Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin, Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), việc chữa tiêu chảy bằng lá ổi hay lá hồng xiêm gần như không có tác dụng mà còn có thể khiến tình trạng trẻ bị nặng thêm.

Chẳng hạn, như trong búp ổi có có chứa chất tanin, có tác dụng làm săn niêm mạc ruột ngay tức khắc, do đó có thể làm ngưng tình trạng đi ngoài phân lỏng. Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng thuyên giảm chỉ là giả tạo. Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy (vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng) vẫn tồn đọng trong lòng ruột khiến bệnh dễ tái phát và trầm trọng hơn.

Ngoài việc lạm dụng các bài thuốc dân gian, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, một sai lầm nữa mà bố mẹ hay mắc khi điều trị tiêu chảy cho con là vội vàng sử dụng kháng sinh, dù chưa biết nguyên nhân gây bệnh là gì. Nếu tiêu chảy do virus, việc sử dụng kháng sinh không hề có tác dụng trong trường hợp này.

Ngược lại, việc tự ý dùng kháng sinh có thể làm rối loạn hệ vi khuẩn có ích trong đường tiêu hóa khiến tình trạng tiêu chảy càng kéo dài và gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng của trẻ.

Bên cạnh đó, nhiều bố mẹ khi thấy con bị tiêu chảy đã lập tức cho con uống thuốc "cầm" tiêu chảy ngay. Theo PGS Dũng, đây cũng là một sai lầm rất hay gặp. Việc dùng các thuốc "cầm" tiêu chảy sẽ làm cho thời gian lưu trú của các virus, vi khuẩn trong đường tiêu hóa kéo dài hơn làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy của trẻ và làm cho tiêu chảy kéo dài hơn.

Mặt khác, bù nước sai cách, pha oresol không đúng tỷ lệ hoặc dùng oresol dạng thực phẩm chức năng để chữa tiêu chảy cho con cũng khiến tình trạng tiêu chảy của trẻ nặng hơn. Thực tế, đã từng có bệnh nhi tử vong vì mất nước quá nặng do bố mẹ bù nước sai.

Hòa Lê (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang