Các nhà khoa học 'thâu đêm, suốt sáng' để tìm nguyên nhân cá chết ở miền Trung

authorNguyễn Nam 09:03 06/07/2016

(VietQ.vn) - Các nhà khoa học đã vào cuộc với những nỗ lực và cố gắng cao nhất, không kể ngày đêm trong suốt thời gian qua để tìm nguyên nhân cá chết ở Miền Trung.

Tin tức mới nhất hôm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) không được thẩm định công nghệ sản xuất mà Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sử dụng. Thông tin được đưa ra trong buổi họp báo thường kỳ Quý II của Bộ KH&CN tổ chức sáng nay ngày 5/7 tại Hà Nội.

 Bộ KH&CN giải đáp các thắc mắc của báo chí về vấn đề cá chết ở miền Trung

Vấn đề báo chí quan tâm tại cuộc họp báo do Bộ KH&CN tổ chức chính là nguyên nhân làm thủy sản chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung. Đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng đã trả lời rất thẳng thắn về các vấn đề báo chí quan tâm và khẳng định, các thông tin đã được công bố tại chính họp báo thường kỳ chính phủ được tổ chức mới đây vào 30/6 vừa qua. Sau khi có kết luận thì Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị tham gia khắc phục sự cố môi trường trong phạm vi quản lý của mình.

Để tăng thêm sự thuyết phục trong các trả lời và thẳng thắn, chính xác dưới góc độ khoa học, họp báo thường kỳ lần này, Bộ KH&CN cũng mời Phó Giáo sư – Tiến sỹ Vũ Đức Lợi – Phó Viện trưởng Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) – Phó Chủ tịch Hội đồng điều tra nguyên nhân cá chết ở miền Trung.

 

Trả lời câu hỏi của báo chí về phương án khắc phục sự cố sẽ phải mất thời gian bao nhiêu lâu, kinh phí thế nào, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhận định rằng ,đây là vấn đề rất rộng lớn.

“Chức năng quản lý chính thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong bộ máy Nhà nước, mỗi cơ quan, đơn vị có một chức năng nhất định, không thể làm thay được. Việc kiểm soát chất thải ở Formosa là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường. Còn chúng tôi lập hội đồng các nhà khoa học để hỗ trợ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, hỗ trợ cho các cơ quan điều tra có chứng cứ trong việc tìm nguyên nhân, thủ phạm gây ra tình trạng cá chết”- Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói.

 Phó Giáo sư – TS Vũ Đức Lợi : Giới khoa học đã làm khách quan, công tâm, chính xác nhất để tìm ra nguyên nhân cá chết

Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Vũ Đức Lợi – Phó Viện trưởng Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) – Phó Chủ tịch Hội đồng điều tra nguyên nhân cá chết ở miền Trung, việc xây dựng phương án phục hồi và khắc phục sự cố môi trường sau khi xác định Formosa xả thải gây ô nhiễm, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng khắc phục sự cố này do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân là Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Tổng Cục môi trường là Phó Chủ tịch. Hội đồng còn có sự tham gia của đại diện của 4 tỉnh miền Trung và đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ.

Vai trò to lớn của giới khoa học trong tìm ra nguyên nhân cá chết ở miền Trung 

Ngay khi xảy ra sự cố môi trường làm hải sản chết bất thường tại 04 tỉnh ven biển miền Trung, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trong việc xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và các Bộ, ngành thành lập Hội đồng chuyên gia KH&CN quốc gia, huy động hơn 100 nhà khoa học trong nước với những chuyên ngành có liên quan từ 30 đơn vị khác nhau.

Thêm vào đó, Hội đồng cũng đã hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học nước ngoài (Australia, Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel) để bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, tính chính xác, khách quan. Qua phân tích trong các mẫu cá chết, thử nghiệm, phân tích các mẫu nước dị thường thu được, phân tích ảnh vệ tinh, cùng với kết quả mô phỏng lan truyền ô nhiễm đã chứng minh có một nguồn thải từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh), được kết hợp với Hydroxit Sắt, tạo thành một dạng phức sắt dạng keo chứa độc tố như Phenol, Xyanua,… có tỉ trọng lớn hơn nước biển di chuyển theo dòng hải lưu từ Bắc vào Nam và gây ra hải sản chết hàng loạt bởi độc tố và thiếu ô-xy, nhất là các loài cá tầng đáy. Tại phiên họp báo Chính phủ chuyên đề diễn ra chiều 30/6/2016, thông tin về nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường tại 04 tỉnh miền Trung đã được công bố.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhận định, các nhà khoa học đã vào cuộc với những nỗ lực và cố gắng cao nhất, không kể ngày đêm trong suốt thời gian qua. Kết quả và bằng chứng đó thể hiện nỗ lực, cố gắng của các nhà khoa học trong nước, đồng thời là minh chứng về trình độ, năng lực của nhà khoa học trong việc tiếp cận và xử lý những vấn đề khoa học hết sức phức tạp như diễn biến của sự cố này.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang