C2, Rồng Đỏ nghi nhiễm chì nặng: ‘Lúc vượt ngưỡng, lúc không là có vấn đề’

authorDương Phương Ngọc 06:50 17/05/2016

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, kết quả hàm lượng chì trong C2, Rồng Đỏ “nhảy múa” chứng tỏ URC “có vấn đề” về công tác quản lý, công tác bảo quản, ý thức trách nhiệm…

“Chất lượng của C2 không ổn định”

Trong những ngày vừa qua, trước thông tin nguyên liệu axit citric và sản phẩm: Trà xanh hương chanh C2 và Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ của Công ty TNHH URC Việt Nam có hàm lượng chì vượt giới hạn cho phép, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã chỉ đạo Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội lấy ngẫu nhiên 5 mẫu Trà xanh hương chanh C2 và 5 mẫu Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ đang lưu thông trên thị trường. Tất cả các mẫu này đã được gửi tới Viện Dinh dưỡng để kiểm nghiệm hàm lượng chì.

Điều đáng nói, kết quả của kiểm nghiệm của Viện Dinh dưỡng lại trái ngược so với kết quả kiểm nghiệm trước đó của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (NIFC). Trong khi theo Viện Dinh dưỡng, tất cả 5 mẫu lấy ngẫu nhiên trên (10/10) đều có hàm lượng chì nằm trong giới hạn quy định thì 3 lần kiểm tra của NIFC (2 lần kiểm tra đối với sản phẩm và 1 lần kiểm tra nguyên liệu) đều có kết quả hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.

Các kết quả “nhảy múa” này khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi băn khoăn: Sản phẩm của URC Việt Nam có thực sự an toàn?

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, một chuyên gia về kiểm nghiệm thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng: Người dùng băn khoăn về chất lượng của C2, Rồng Đỏ là điều đương nhiên.

“Khi ra các kết quả khác nhau kiểu gì người dùng cũng nghi ngờ, như tôi, tôi cũng băn khoăn: Có sự trung thực trong các kết quả kiểm nghiệm hay không? Công tác quản lý của URC có vấn đề hay không? Tại sao để xảy ra tình trạng: sản phẩm lúc tốt, lúc không đạt, anh có kiểm tra định kỳ để có điều chỉnh cho phù hợp hay không? Không thể để xảy ra tình trạng ngày nay đạt, ngày mai không đạt được…

Tôi nghĩ: Sai phạm của URC ở đây có thể là vấn đề về công tác quản lý, công tác bảo quản, ý thức trách nhiệm…”.

Chất lượng của C2, Rồng Đỏ không ổn định, lúc đạt, lúc không. Ảnh: Internet.

Theo chuyên gia kiểm định này: Với việc lấy 5 mẫu ngẫu nhiên đang lưu thông trên thị trường của Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, phải xem xét kỹ người đi lấy mẫu, tính trung thực của người đi lấy mẫu.

Hơn nữa, nếu lấy ngẫu nhiên trên thị trường (giả dụ gặp là lấy) thì mẫu này chỉ cho giá trị trong phạm vi kho hàng (hay một lô hàng hóa) - nơi cơ sở bán, lưu trữ hàng hóa đó thôi. Vì mỗi kho hàng (hay một lô hàng hóa) đều có cách bảo quản khác nhau và chỉ có giá trị trong một lô đó.

Chuyên gia kiểm định đặt ra 2 giả thuyết:

Thứ nhất, nếu 5 mẫu của Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội lấy có cùng sản xuất với bên NIFC nhưng kết quả lại trái ngược nhau thì cần xem xét tính trung thực của người lấy mẫu vì cùng một lô hàng, cùng một mẫu, vẫn trong hạn sử dụng thì không thể có kết quả quá khác biệt nhau, trừ khi phương pháp bảo quản có vấn đề.

Thứ hai, nếu 5 mẫu của Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội lấy ngẫu nhiên không cùng sản xuất với bên NIFC, tức là mỗi đơn vị lấy một mẫu khác nhau, kết quả khác nhau là… chuyện bình thường.

“Điều đó chỉ phản ánh được là: URC kém trong công tác quản lý, cho ra sản phẩm không đồng đều. Chất lượng của C2 không ổn định, lúc đạt chuẩn, lúc không” – vị chuyên gia kiểm định trên nhấn mạnh.

C2, Rồng Đỏ nhiễm độc chì vượt ngưỡng: Phải thu hồi

Trước đó, riêng NIFC cũng đã tiến hành 3 lần kiểm nghiệm đối với 2 thành phẩm là trà xanh hương chanh C2, nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ, mặc dù các sản phẩm cùng một lô sản xuất, cùng đơn vị kiểm định, sản phẩm vẫn trong hạn sử dụng nhưng các kết quả lại khác nhau.

Cụ thể, 2 giấy kết quả kiểm nghiệm đối với 2 thành phẩm là trà xanh hương chanh C2, nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ được ký vào ngày 16/3/2016 và ngày 5/4/2016 đều cho ra kết quả: Hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên, phiếu kết quả kiểm nghiệm đối với 2 thành phẩm trên ký vào ngày 21/4/2016 lại “đẹp mỹ mãn”, hàm lượng chì về mức trong giới hạn cho phép.

Trên thực tế, một lô (tức cùng một mẻ) thông thường khi kiểm định, các kết quả sẽ phải đồng nhất (nếu có sai lệch cũng không nhiều). Trong trường hợp trên, cùng một lô nhưng kết quả khác nhau, theo chuyên gia kiểm định, có thể dự đoán 2 khả năng: Một là: phương pháp bảo quản của URC có vấn đề (cần xem xét điều kiện bảo quản có đúng chế độ hay không bởi trong vòng 1 tháng, nếu bảo quản không cẩn thận cũng có thể dẫn tới kết quả khác đi).

Hai là, khi kết quả không đồng nhất, chúng ta có thể đặt ngược lại vấn đề: C2 quản lý có chặt chẽ và chính xác hay không? Việc dán nhãn mác, in lô có đúng theo quy trình hay không? Hay C2 quản lý rất lộn xộn bởi nhiều trường hợp, các công ty thường in sẵn trước ngày sản xuất, sản phẩm ra tới đâu chỉ việc dán nhãn tới đó?

Theo chuyên gia kiểm định: Về nguyên tắc phải thu hồi đối với những sản phẩm vượt ngưỡng chì cho phép.

Cũng theo vị chuyên gia kiểm định trên: Đối với những lô sản phẩm C2, Rồng Đỏ mà NIFC đã đưa ra kết quả vượt ngưỡng chì cho phép, về nguyên tắc: Khi thấy những sản phẩm không an toàn, công ty URC Việt Nam phải ra thông báo thu hồi lại ngay vì nó không đảm bảo tới sức khỏe người dùng. Đồng thời, URC phải kiểm tra, rà soát lại chất lượng toàn bộ lô đó, ngoài ra, còn rà soát xem sản phẩm đó đã cung cấp ra thị trường bao nhiêu, ở những đâu, phải có kết hoạch thu hồi lại hết số sản phẩm không đảm bảo này.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao URC không làm việc đó ngay sau khi có kết quả “xấu” từ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia?

Việc chủ động kiểm nghiệm nguyên liệu, sản phẩm trước khi sản xuất, kinh doanh là quyền của các nhà sản xuất, vì trên thực tế nhiều nhà sản xuất, kinh doanh chủ động kiểm soát, kiểm nghiệm sản phẩm, nguyên liệu trước khi sản xuất hoặc nhập khẩu.

Nếu những lô C2, Rồng Đỏ vượt ngưỡng chì cho phép kia là sản phẩm test của URC, khi không đạt chất lượng, họ phải có thể chủ động không sản xuất hoặc không ký kết hợp đồng nhập khẩu.

Doanh nghiệp phải tự kiểm tra, phải có trách nhiệm trong việc thu hồi nhưng trước câu hỏi của PV Tuổi trẻ về việc thu hồi sản phẩm và trách nhiệm với cộng đồng khi sản phẩm có hàm lượng chì vượt mức, bà Nguyễn Thiên Hương, Phụ trách truyền thông của công ty URC Việt Nam cho biết: Dù hai lần bị xác định có hàm lượng chì nhưng thực tế mẫu kiểm nghiệm mà URC VN gửi lại tới năm trung tâm kiểm nghiệm (cùng lô với mẫu bị phát hiện chì vượt ngưỡng)... đều không phát hiện chì.

Đặc biệt, sau lần kiểm tra thứ hai của NIFC phát hiện hàm lượng chì, bà Hương nói Bộ Y tế không lấy mẫu của URC mà trực tiếp đi lấy mẫu ngẫu nhiên để đảm bảo khách quan, kết quả (ngày 10-5) lại cho thấy không vượt ngưỡng an toàn.

Mẫu mới nhất gồm cả sản phẩm lẫn nguyên liệu mà URC VN gửi sang Trung tâm SETSCO (Singapore) cũng cho kết quả (ngày 11-5) không nhiễm chì. Từ những tình tiết này, bà Hương cho biết phải chờ kết luận cuối cùng của Bộ Y tế, URC mới xác định được việc có thu hồi hay không và trách nhiệm với cộng đồng như thế nào.

Trước đó, như Chất lượng Việt Nam đã đưa tin: kết quả kiểm nghiệm của NIFC đối với mẫu trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ sản xuất đã phát hiện hàm lượng chì vượt mức cho phép. Cụ thể, kết quả kiểm nghiệm số 2379 ngày 16/3/2016 của NIFC cho biết mẫu nước trà xanh C2 có hàm lượng chì 0,079 mg/l. Kết quả kiểm nghiệm số 2380 ngày 16/3/2016 cho thấy mẫu nước Rồng Đỏ có hàm lượng chì 0,08 mg/l. Công ty TNHH URC VN cho biết các sản phẩm này nằm trong lô hàng sản xuất vào ngày 4 và 19/2/2016.

Không những thế, mẫu nguyên liệu để sản xuất nước giải khát C2 và Rồng Đỏ do Công ty TNHH URC VN gửi đến NIFC kiểm nghiệm cũng đã cho ra kết quả có hàm lượng chì với 0,084 mg/kg.

Sau lần gửi mẫu vào tháng 2/2016 trên, URC tiếp tục gửi lại mẫu để NIFC kiểm tra thêm một lần nữa cho chính xác vào ngày 24/03/2016. Kết quả kiểm nghiệm ký ngày 05/04/2016 cho thấy hàm lượng chì trong các sản phẩm này còn cao hơn lần trước. Cụ thể, hàm lượng chì trong trà xanh hương chanh C2 là 0,087, nước tăng lực Rồng Đỏ là 0,085.

Theo chuyên gia về kiểm định: Các kiểm nghiệm cho ra kết quả có khác nhau hay không phụ thuộc vào các điều kiện sau: Thứ nhất là vấn đề bảo quản, thứ hai là lô và ngày tháng sản xuất, thứ ba là trách nhiệm của người đi lấy mẫu (có đúng quy trình hay không) và thứ tư là độ đồng đều của các thiết bị kiểm nghiệm.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh: Phương pháp thử thông thường đều giống nhau nhưng mỗi một máy móc thiết bị ở mỗi một nơi kiểm định sẽ khác nhau, độ chính xác không thể giống nhau 100% và thao tác của người thực hiện không thể ai cũng giống ai nhưng sự chênh lệch, thay đổi của các kết quả đó không lớn. 

 >> Nếu 'đút lót' 1 tỷ đồng làm sai lệch kết quả C2, Rồng Đỏ, người liên quan sẽ bị phạt tù

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang