Chỉ số GQII - đo lường mức độ phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia

author 11:12 06/07/2021

(VietQ.vn) - Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) được coi là nền tảng cơ bản của thương mại quốc tế, là tiền đề để các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia đang phát triển, tiếp cận thị trường quốc tế theo nguyên tắc hiện đại.

Sự kiện: CHUYÊN ĐỀ TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN 996

GQII là một chỉ số tổng hợp

Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) được coi là nền tảng cơ bản của thương mại quốc tế, là tiền đề để các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia đang phát triển, tiếp cận thị trường quốc tế theo nguyên tắc hiện đại. Mặc dù nhiều sản phẩm và dịch vụ được sản xuất ở các quốc gia đang phát triển đạt chất lượng cao nhưng vẫn rất khó để các quốc gia này có thể quảng bá sản phẩm và dịch vụ ra thế giới nếu NQI không hoạt động một cách hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tương tự như hạ tầng vật lý, phát triển NQI được coi là nhiệm vụ của mỗi Chính phủ trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ.

Trước đây, các thuật ngữ “đo lường học, tiêu chuẩn kỹ thuật, thử nghiệm và chất lượng” với “tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng, công nhận, đo lường học” thường được sử dụng để mô tả về NQI. Tuy nhiên, đến năm 2017, định nghĩa về NQI đã được xác nhận bởi các tổ chức quốc tế về đo lường (Văn phòng Cân đo quốc tế (BIPM), Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế (OIML)), tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn (ISO, IEC, ITU), tổ chức quốc tế về công nhận (Diễn đàn Công nhận quốc tế (IAF), Hiệp hội Công nhận phòng thí nghiệm quốc tế (ILAC)), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Ngân hàng Thế giới (WB)...

Theo đó, NQI được hiểu là một hệ thống bao gồm các tổ chức cùng với chính sách, khung pháp lý và chế định tương ứng, các hoạt động cần thiết nhằm hỗ trợ và nâng cao chất lượng, tính an toàn và lành mạnh của môi trường, các dịch vụ và quy trình của toàn bộ nền kinh tế.

Được xây dựng trên nền tảng của NQI, Chỉ số Hạ tầng chất lượng toàn cầu (Global Quality Infrastructure Index, GQII) là một chỉ số mới, cung cấp thông tin về sự phát triển của NQI trên toàn thế giới. GQII và cơ sở dữ liệu GQII cung cấp các thông tin có giá trị cho các nhà nghiên cứu về sản xuất và thương mại.

GQII cho phép xem xét dữ liệu NQI của một quốc gia, nền kinh tế trong bối cảnh đất nước và so sánh với các quốc gia, nền kinh tế khác. Đồng thời, GQII cũng có thể so sánh dữ liệu NQI với các bảng xếp hạng toàn cầu khác như Chỉ số mức độ phức tạp kinh tế (Economic Complexity Index, ECI).

GQII đo lường mức độ phát triển NQI tương đối của một quốc gia, nền kinh tế

GQII tuân theo cách thức tiếp cận có hệ thống và đo lường mức độ phát triển NQI ở các nước phát triển và các nước đang phát triển. GQII thể hiện dữ liệu từ các tổ chức NQI quốc gia, quốc tế về đo lường, tiêu chuẩn hóa, công nhận và hoạt động đánh giá sự phù hợp.

GQII xác định các chỉ số cho từng thành phần và mối liên hệ giữa các thành phần của NQI. Một số chỉ số thành phần đã được quốc tế công nhận. Một số chỉ số khác đề cập đến phạm vi hoặc nhu cầu đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp được công nhận đối hệ thống quản lý chứng nhận. Các chỉ số cùng nhau cung cấp thước đo về mức độ phát triển NQI trong một quốc gia, nền kinh tế nhất định.

Công thức của GQII bao gồm các chỉ số về đo lường, tiêu chuẩn và công nhận, tính toán mức độ phát triển NQI tương đối của một quốc gia, nền kinh tế. Công thức dựa trên giả định đơn giản hóa rằng ba thành phần, cụ thể là đo lường, tiêu chuẩn và công nhận, đóng góp như nhau vào hệ thống NQI cùng với chỉ số phụ thể hiện mức độ phát triển tương đối của đo lường, tiêu chuẩn và công nhận trong quốc gia, nền kinh tế.

GQII được xây dựng dựa trên dữ liệu công bố trên các trang web của các tổ chức NQI. Do đó, độ tin cậy của GQII được giới hạn bởi tính sẵn có và chất lượng của dữ liệu do các tổ chức NQI cung cấp. Các dữ liệu đều có sẵn, miễn phí và có thể tải xuống trên trang web GQII [https://gqii. org].

Trong công bố mới nhất, Ulrich Harmes-Liedtke và Juan José Oteiza đã xác định các chỉ số chính để đánh giá tình trạng phát triển NQI của các quốc gia, nền kinh tế. Từ đó, GQII cung cấp các số liệu về NQI và các thành phần cho 184 quốc gia, nền kinh tế trên toàn thế giới, qua đó cho phép đánh giá và xếp hạng sự phát triển của NQI tại từng quốc gia, nền kinh tế. Một “phát hiện” quan trọng là có mối tương quan chặt chẽ giữa sự phát triển NQI với hiệu quả kinh tế (GDP bình quân đầu người), xuất khẩu (Export) và năng lực cạnh tranh (Competitiveness). Trong một nghiên năm 2019, nhóm tác giả này đã chứng minh, làm rõ mối tương quan này đối với chỉ số ECI.

GQII cao hơn ở các quốc gia, nền kinh tế có hàm lượng tri thức cao trong các sản phẩm xuất khẩu. Các quốc gia, nền kinh tế này chiếm phần lớn tỷ trọng thương mại xuất khẩu của thế giới. NQI càng cao thì năng lực xuất khẩu càng cao, giá trị gia tăng của các sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng tri thức càng lớn.

Kết quả thực nghiệm, xếp hạng

GQII xếp hạng 184 quốc gia, nền kinh tế dựa theo sự phát triển NQI. Theo công thức, điểm được tính cho từng quốc gia, nền kinh tế dựa trên vị trí của họ trong ba thứ hạng phụ về đo lường, tiêu chuẩn và công nhận.

Một quốc gia, nền kinh tế đứng đầu trong tất cả các lĩnh vực sẽ đạt 100 điểm. Tại GQII 2020, quốc gia được xếp hạng đầu tiên (Đức) đạt số điểm 99,5, trong khi các quốc gia xếp hạng cuối (Nam Sudan và Timor Leste) có tổng điểm là 27.

Toàn cảnh thế giới cho thấy sự phân chia theo hướng bắc nam. Bắc Mỹ và Tây Âu có NQI rất phát triển. Ngược lại, một số khu vực lớn của châu Phi và một số khu vực của châu Mỹ Latinh và châu Á có quốc gia với NQI yếu hoặc hầu như không phát triển. NQI phát triển cao ở Úc, Nhật Bản và các quốc gia BRICS (Braxil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Đồng thời, tác giả nhận thấy một số quốc gia, nền kinh tế đi chệch khỏi mô hình chung trên lục địa của họ. Đây thường là các quốc gia, nền kinh tế tương đối nhỏ cung cấp nhiều dịch vụ NQI từ các quốc gia láng giềng lớn hơn của họ. Ví dụ có thể kể đến Belize, Iceland và Tajikistan. Trong những trường hợp này, xếp hạng thấp không có nghĩa là các doanh nghiệp địa phương sẽ không nhận được những dịch vụ NQI cần thiết. Các trường hợp ngoại lệ khác như Venezuela cho thấy hậu quả của các khủng hoảng về thể chế và chính trị địa phương đang diễn ra (Bảng 1).

Bảng 1: Bảng xếp hạng hoàn chỉnh có thể được xem như sau:

Quốc gia, nền kinh tế

GQII 2020

Xếp hạng Tổng GQII 2020

Xếp hạng GQII về

Đo lường

Xếp hạng GQII về Tiêu chuẩn

Xếp hạng GQII về Công nhận

Đức

99,5

1

2

2

2

Trung Quốc

99,4

2

3

1

3

Hoa Kỳ

98,9

3

1

10

1

Anh Quốc

98,8

4

6

3

5

Nhật Bản

98,0

5

4

4

13

Hàn Quốc

97,2

6

7

8

14

Ý

97,0

7

16

4

4

Pháp

97,0

8

4

6

20

Tây Ban Nha

96,4

9

12

8

10

Ấn Độ

95,6

10

19

7

9

Úc

95,4

11

8

19

6

Braxil

93,8

14

9

16

26

Nam Phi

92,3

20

11

30

22

Nga

90,5

24

31

18

23

Inđônêsia

89,2

26

35

36

18

Thái Lan

88,5

29

24

24

44

Singapore

88,0

31

25

44

31

Malaysia

86,3

40

37

21

50

Philippines

77,9

50

63

45

57

Việt Nam

76,8

54

60

64

36

Iceland

57,9

98

132

78

99

Campuchia

48,8

125

132

128

113

Venezuela

37,3

148

156

150

141

Fiji

34,4

149

157

129

160

Belize

33,5

155

104

173

148

Lào

32,1

162

157

146

160

Tajikistan

31,9

164

137

159

155

Nam Sudan

27,0

182

157

181

160

Timor-Leste

27,0

182

157

181

160

Nhìn vào bảng xếp hạng phụ, có thể thấy sự đồng đều rõ rệt ở các vị trí. Nếu một quốc gia phát triển đo lường tốt, các hoạt động tiêu chuẩn và công nhận cũng phát triển tương ứng. Điều tương tự cũng được quan sát ở các quốc gia trung bình và thấp phát triển. Có một số trường hợp ngoại lệ: đo lường tương đối yếu so với tiêu chuẩn và công nhận, một số quốc gia là thành viên của BIMP thì hoạt động đo lường được quan tâm hơn.

Triển vọng trong tương lai

GQII-Index 2020, tập hợp dữ liệu của 184 quốc gia, là một cột mốc trong việc đo lường tình trạng phát triển tương đối của NQI trên toàn thế giới. Các tổ chức hợp tác quốc tế hoạt động trong lĩnh vực này sẽ có được cái nhìn tổng quan cho các chương trình và dự án. Dữ liệu từ GQII có thể được sử dụng trong thiết kế chính sách phát triển kinh tế. Dữ liệu GQII cho phép đánh giá điểm chuẩn và học hỏi lẫn nhau.

 Hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam ngày càng được đổi mới.

Vị thế của một quốc gia, nền kinh tế trong GQII cung cấp tổng quan cơ bản về tình trạng phát triển NQI ở một nước. Để có một phân tích chi tiết, tất cả dữ liệu GQII cần được đánh giá chi tiết. Thông tin định tính và ý kiến của các đánh giá của chuyên gia sẽ được tham khảo khi phân tích NQI của một quốc gia, nền kinh tế gắn với hiện trạng phát triển của đo lường, tiêu chuẩn và công nhận.

Việc xếp hạng các quốc gia, nền kinh tế theo mức độ phát triển NQI không thể tránh khỏi “mâu thuẫn”. Một số các chuyên gia mà tác giả tham khảo ý kiến lo ngại rằng bảng xếp hạng có thể “bị chỉ trích” bởi các đại diện quốc gia, nền kinh tế có thứ hạng thấp hơn. Xếp hạng này không cho phép bất kỳ kết luận trực tiếp nào là “càng cao, càng tốt”. Các quốc gia, nền kinh tế có thương mại hạn chế thì việc GQII thấp là hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Việc lựa chọn các chỉ số đánh giá cũng có thể được đặt câu hỏi. Chắc chắn rằng việc đánh giá mức độ phát triển NQI của một quốc gia, nền kinh tế là không thể đảm bảo chính xác tuyệt đối.

Mặt khác, việc sử dụng các chỉ số phụ khác nhau đảm bảo rằng đánh giá tổng thể về NQI của một quốc gia mang tính chính xác tương đối. Vì vậy, các chuyên gia tập trung các nhóm về công nhận và đo lường về cơ bản đã khẳng định tính hợp lý của việc xếp hạng các quốc gia, nền kinh tế.

 Hạ tầng đo lường của Việt Nam ngày càng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Bảng xếp hạng GQII có thể được sử dụng để so sánh với các bảng xếp hạng khác. Mối tương quan của sự phát triển NQI với kết quả hoạt động xuất khẩu và sự phức tạp của các quốc gia, nền kinh tế là một minh chứng quan trọng cho việc hợp tác phát triển để tiếp tục đầu tư vào việc mở rộng NQI.

Cơ sở dữ liệu và xếp hạng GQII là một bước tiến quan trọng đối với hoạt động thúc đẩy NQI dựa trên bằng chứng, dữ liệu xác thực. Cơ sở dữ liệu cung cấp các dữ liệu có giá trị có thể được sử dụng cho các loại phân tích khác nhau. GQII cung cấp một nền tảng mở để thúc đẩy phát triển NQI theo hướng dữ liệu.

TS. Hà Minh Hiệp - Đoàn Anh Vũ - Nguyễn Doãn Trung

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang