Chủ tịch VCCI: 'Cần giải quyết ngay các nút thắt để tận dụng cơ hội từ các FTA'

author 16:37 22/12/2020

"Chính phủ cần giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các cơ hội hội nhập từ các FTA nói chung và từ EVFTA nói riêng để phục hồi từ những tác động tiêu cực do dịch COVID-19 gây ra và tiếp tục phát triển", Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại VBF 2020.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.  Ảnh: Internet

Sáng 22/12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 với chủ đề "Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới" chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết rằng, những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 tại Việt Nam đã được hạn chế một cách đáng kể so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Ngoại trừ một vài địa phương bị phong toả do tình hình dịch nguy hiểm, nhiều hoạt động trong đời sống thường ngày vẫn có thể được diễn ra trong điều kiện bình thường mới ở các tỉnh, thành phố còn lại trên cả nước.

Vì vậy, trong bối cảnh u ám của nền kinh tế thế giới do tác động của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được con số tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2020 ở mức +2,12%. Và Việt Nam là một trong số hiếm hoi các nước có mức tăng trưởng dương trên thế giới.

Đáng lưu ý, cả 3 khu vực công nghiệp, thương mại/dịch vụ và nông, lâm nghiệp thuỷ sản đều vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước đạt 73 tỷ USD, tăng 1,6%, chiếm 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 11 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD, vượt qua cả mốc xuất siêu 10,8 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định rằng những thành công về mặt kinh tế nói trên là kết quả của những nỗ lực của Nhà nước từ đầu năm đến nay trong công tác khống chế dịch COVID-19 và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Ngày 8/6/2020, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã nhanh chóng xây dựng và ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện EVFTA, đã mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường đầy tiềm năng này.

Tiếp tục một tín hiệu tích cực mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam, khi ngày 11/12/2020, Việt Nam và Vương quốc Anh đã ký biên bản ghi nhớ kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Trước đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết vào ngày 15/11/2020....

Quốc hội cũng đã thông qua một số luật quan trọng, theo hướng thông thoáng hơn, như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Xây dựng sửa đổi, Luật Đầu tư theo hình thức dối tác công tư. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực kinh doanh với nhiều giải pháp cụ thể.

Để vượt qua các thách thức do dịch COVID-19, các doanh nghiệp đang kỳ vọng rất lớn vào các giải pháp của Chính phủ. Điều tra của VCCI và Ngân hàng Thế giới cho thấy, các doanh nghiệp đặc biệt đánh giá cao một số biện pháp Chính phủ đã triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đó là vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, giãn thời gian các khoản vay hiện tại, giảm lãi suất, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, lùi thời hạn đóng phí công đoàn, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm và gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn đóng thuế VAT...

Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần điều chỉnh kịp thời về điều kiện áp dụng, phù hợp với thực tế và sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Những bài học từ việc khống chế thành công dịch COVID-19 hoàn toàn có thể áp dụng cho việc hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh.

Đó là sự điều hành linh hoạt, chủ động của Chính phủ liên tục bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp và kịp thời; chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, rộng rãi và kịp thời; lựa chọn và áp dụng các biện pháp xử lý dịch theo mức độ rủi ro; chú trọng hiệu quả phối hợp giữa các ngành, các cấp;...

“Bên cạnh những yêu cầu cấp bách về những hành động cụ thể nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp nhằm đối phó với khó khăn do COVID-19 gây ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các cơ hội hội nhập từ các FTA nói chung và từ EVFTA nói riêng để phục hồi từ những tác động tiêu cực do dịch COVID-19 gây ra và tiếp tục phát triển”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2020, VCCI đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm cải thiện nguồn nhân lực quốc gia, qua đó giúp Việt Nam tận dụng được sự dịch chuyển sản xuất trong khu vực.

Theo đó, Chính phủ cần xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo kỹ năng cụ thể, cho từng ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật phụ trợ cụ thể thuộc các chuỗi giá trị trọng điểm, và nằm trong chiến lược cụ thể thu hút các chuỗi FDI chuyển dịch.

Bên cạnh đó, thực hiện một nghiên cứu dự báo khoa học và hiệu quả về thị trường lao động việc làm trong 5-10 năm tới. Nghiên cứu phải trả lời được câu hỏi ngành nào, lĩnh vực nào sẽ phát triển và cần những lao động như thế nào trong thời gian tới. Từ đây, các chiến lược về đào tạo nhân lực (tại các cơ sở đào tạo đại học, trường dạy nghề....) sẽ có cơ sở để xây dựng và triển khai hiệu quả.

Về cơ sở hạ tầng, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ tập trung triển khai hiệu quả Luật PPP và Luật Đầu tư công với ưu tiên cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông và các dự án đang triển khai dở dang.

Triển khai ngay một nghiên cứu nhận diện các đường giao thông (đường bộ, thủy, sắt) cần thiết kết nối các khu vực sản xuất trọng điểm (nông nghiệp, công nghiệp) đến các cửa khẩu quốc tế. Trên cơ sở đó có Chương trình đầu tư phát triển, nâng cấp các hệ thống được nhận diện này.

Ở các cửa khẩu quốc tế trọng điểm, đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống logistics cần thiết, đặc biệt đối với các cửa khẩu đầu mối cho các hàng hóa đặc thù (dễ bị hư hỏng, cần bảo quản đặc biệt...).

“Cùng với đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Cụ thể, VCCI cho rằng cần tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính (TTHC) còn nhiều phiền hà. Những lĩnh vực mà doanh nghiệp phản ánh còn gặp nhiều phiền hà trong quá trình thực hiện TTHC bao gồm đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách quy định về điều kiện kinh doanh. Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh. Khi rà soát, bãi bỏ hàng ngàn điều kiện kinh doanh vốn được quy định tại hàng trăm thông tư của các bộ, ngành và chuyển đổi lên cấp Nghị định của Chính phủ.

Điều tra thường niên 10.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố của VCCI năm vừa qua cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép giảm còn 35%, từ con số từ 42% của năm 2018. Tuy nhiên, 35% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện vẫn là con số tương đối lớn.

Nghị quyết 68 do Chính phủ mới ban hành tháng 5/2020 đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách điều kiện kinh doanh trong năm 2020, khi đã giao nhiệm vụ cho các bộ ngành cần phải ban hành kế hoạch cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong thời hạn 20 ngày kể từ khi Nghị quyết được ban hành và phải rà soát, đánh giá, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hoá trước 1/10/2020.

Tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh việc nhanh chóng giải quyết các chồng chéo và thiếu rõ ràng trong hệ thống pháp luật kinh doanh. Trong thời gian qua, VCCI đã nhận được rất nhiều kiến nghị về các vướng mắc bất cập từ doanh nghiệp, hiệp hội, chính quyền địa phương về các quy định chồng chéo, mâu thuẫn trong pháp luật kinh doanh đang gây khó cho doanh nghiệp và đã báo cáo lên Quốc hội và Chính phủ.

Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư 2020, tháo gỡ khá nhiều các xung đột, chồng chéo mà VCCI đã chỉ ra. Chính phủ cũng thành lập Tổ Công tác rà soát chồng chéo do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng. Hiện nay đang dự thảo báo cáo lên Quốc hội. Tuy nhiên, về lâu dài để tránh trường hợp này, cần thay đổi quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo đó cần kiểm soát tốt hơn về tính thống nhất trong các quy định của luật.

Theo Nhà đầu tư

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang