Công ty Cao su Tân Biên: Hiệu quả trong sản xuất nhờ áp dụng TPM

author 06:20 13/10/2020

(VietQ.vn) - Nhờ áp dụng công cụ TPM vào trong quá trình sản xuất, trong thời gian qua, công ty Cao su Tân Biên đã đạt nhiều hiệu quả tích cực, nâng cao chất lượng trong từng khâu sản xuất.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Công ty Cổ phần Cao Su Tân Biên (xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu, Tây Ninh) là doanh nghiệp chuyên về trồng mới, chăm sóc, khai thác và chế biến sao su. Sản phẩm chính của công ty là cao su thiên nhiên dạng cốm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tham gia áp dụng Lean theo chương trình do Chính phủ hỗ trợ năm 2019, Công ty đã cùng với các chuyên gia tư vấn tập trung giải quyết các vấn đề sau:

  • Lãng phí liên quan đến lỗi sản phẩm do lỗi mủ sống (SVR10) gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của công ty và phát sinh chi phí tái chế;
  • Lãng phí do mất nhiều thời gian tìm kiếm vật tư, công cụ dụng cụ phục vụ cho sản xuất;
  • Lãng phí liên quan đến dừng máy do sự cố máy móc thiết bị.

Nhờ áp dụng TPM, công ty Cao su Tân Biên có thể cải thiện chất lượng, giảm thiểu lãng phí (Ảnh minh họa)

Thực hiện cải tiến giảm thiểu tỷ lệ mủ sống sản phẩm SVR10.

Năm 2018, tỷ lệ mủ sống sản phẩm SVR10 chiếm 2% khiến nhiều đơn hàng bị trả về, khách hàng phàn nàn, ảnh hướng tới uy tín của Công ty. Vì vậy, công ty đặt mục tiêu cải tiến để tỷ lệ mủ sống sản phẩm SVR10 chỉ còn 1% trong năm 2019.

Công ty đã thành lập nhóm cải tiến gồm các thành viên đến từ các bộ phận kỹ thuật, sản xuất, kiểm soát chất lượng, bao trì. Nhóm được trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề bằng phương pháp PDCA & kỹ năng làm việc nhóm. Sử dụng phương pháp 5 Why để truy tìm nguyên nhân gốc rễ và đưa ra giải pháp khắc phục. Sau 12 tháng, tỷ lệ mủ sống sản phẩm SVR10 chỉ còn 0,7%, không còn tình trạng sản phẩm bị khách hàng trả về do lỗi mủ sống.

Thực hiện 5S tại toàn bộ nhà xưởng;

Trước khi thực hiện 5S, phần lớn các công cụ, dụng cụ, nguyên vật liệu ở nhiều bộ phận rất bừa bộn; có nhiều thiết bị, đồ vật không cần thiết, không phục vụ cho công việc nhưng lại chiếm nhiều diện tích của nhà xưởng. Sau khi thực hiện 5S, diện mạo nhà xưởng đã thay đổi rõ rệt. Các công cụ dụng cụ được sắp xếp ngăn nắp, thuận tiện cho thao tác của người lao động, từ đó giảm được rất nhiều thời gian lãng phí do di chuyển, tìm kiếm, thao tác không hợp lý.

Thực hiện Bảo trì tự quản tại dây chuyền Mủ Cốm:

Trước đây, máy móc thiết bị thường dơ bẩn, rò rỉ, không an toàn, mất những chi tiết nhỏ; Thiếu dữ liệu về hoạt động của thiết bị nên không có cơ sở để đánh giá và cải tiến hiệu quả của thiết bị. Do vậy, tổ trưởng và công nhân vận hành dây chuyền Mủ Cốm đã được đào tạo về Bảo trì tự quản (AM). Họ đã nhận thức được rằng, chăm sóc thiết bị là công việc của cả công nhân vận hành và bộ phận bảo trì thiết bị. Kết quả thực hiện AM của Công ty như sau:

  • Nhiều sự cố nhỏ của máy móc thiết bị đã được khắc phục, thiết bị đã được đưa về điều kiện ban đầu;
  • Thiết bị luôn được chăm sóc nhờ sự phân công trách nhiệm rõ ràng: Làm gì? Ai làm? Khi nào làm? Làm như thế nào? Ai kiểm tra việc thực hiện?;
  • Công nhân vận hành phối hợp với Công nhân bảo trì nhịp nhàng hơn trong quá trình chăm sóc thiết bị;
  • Hiểu biết & kỹ năng xử lý sự cố nhỏ của công nhân vận hành được nâng cao.

Nhờ sự hỗ trợ và hướng dẫn tận tình từ các chuyên gia QUATEST 3, hoạt động Lean của Cổ phần Cao Su Tân Biên đã đạt vượt mục tiêu đặt ra. Ban lãnh đạo công ty đã quyết định đưa Lean vào áp dụng tại tất cả các quy trình sản xuất của công ty. 

Bảo Linh

Doanh nghiệp cải tiến đáng kể nhờ công cụ quản lý hiệu suất tổng thể TPM(VietQ.vn) - Tại Việt Nam, trong quá trình triển khai Chương trình quốc gia về “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng phương pháp TPM và chỉ sau thời gian ngắn đã có những cải tiến đáng kể.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang