Cuộc chiến chống hàng giả, hàng kém chất lượng: Báo chí tiên phong nơi tuyến đầu

author 16:21 21/06/2021

(VietQ.vn) - Ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa khẳng định, thời gian qua Báo chí đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc đấu tranh, phát hiện các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng.

Thưa ông, thời gian qua, công tác quản lý, kiểm soát các mặt hàng thuộc phạm vi Bộ KH&CN quản lý đã được thực hiện ra sao, đạt những kết quả nào?

Công tác quản lý, kiểm soát các mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN được thực hiện theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Nghị định 132/2008/NĐ-CP, Nghị định 74/2018/NĐ-CP, các Thông tư quy định kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục TCĐLCL, Cục QLCL đã đẩy mạnh công tác khảo sát chất lượng và nhãn hàng hóa đối với các loại hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN và kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Trong năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021, Cục QLCL đã chủ trì, phối hợp với Chi cục TĐC và Quản lý Thị trường các tỉnh, thành phố kiểm tra và khảo sát tại 771cơ sở (kiểm tra 183 cơ sở, khảo sát 588 cơ sở, bao gồm cả khảo sát thực tế và khảo sát online) kinh doanh các mặt hàng: XD, ĐCTE, ĐĐT, MBH, dầu nhờn động cơ đốt trong, vàng trang sức, mỹ nghệ,…; Thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu đối với xăng dầu, LPG, dầu nhờn động cơ.

Qua khảo sát 1.587 mẫu, Cục QLCL phát hiện 125 mẫu khảo sát có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa; 12/50 mẫu nghi ngờ không có dấu CR; 38/124 mẫu XD không đạt qua kiểm tra nhanh; 46 mẫu không đạt qua thử nghiệm (18/120 mẫu XD, 16/27 mẫu MBH, 09/27 mẫu ĐĐT, 03/04 mẫu thực phẩm). Kết quả khảo sát là căn cứ để Cục QLCL tiến hành kiểm tra trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường hoặc Cục QLCL sẽ chuyển thông tin về kết quả khảo sát để Chi cục TĐC các tỉnh, thành phố kiểm tra theo quy định.

Ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Qua công tác kiểm tra, Cục QLCL đã chuyển hồ sơ đề nghị Tổng cục TĐC xử lý 20 doanh nghiệp và chuyển hồ sơ cho Thanh tra Bộ KH&CN xử lý 01 doanh nghiệp theo quy định. Ngoài ra, Cục QLCL chuyển hồ sơ cho Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với 01 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

Tổng cục TĐC đã xử lý theo thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 20 cơ sở với tổng số tiền xử phạt hơn 3 tỷ đồng, đồng thời yêu cầu cơ sở thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Thanh tra Bộ KH&CN ra Quyết định xử phạt 01 doanh nghiệp (25 triệu đồng). Ngoài ra, Cục QLCL đã ra các thông báo tạm dừng lưu thông và yêu cầu cơ sở thực hiện các hành động khắc phục theo quy định.

Khi có thông tin liên quan đến vụ việc xăng giả tại Đồng Nai, Cục QLCL đã chỉ đạo Chi cục QLCL miền Nam tiến hành khảo sát các cơ sở kinh doanh xăng dầu tại các địa bàn có liên quan và cung cấp thông tin về kết quả khảo sát cho Chi cục TĐC địa phương tiếp tục kiểm tra, xử lý. Kết quả, có 01/20 mẫu khảo sát nghi ngờ không đạt về chất lượng. Chi Cục QLCL miền Nam đã gửi công văn tới Chi cục TĐC Bình Dương yêu cầu kiểm tra đột xuất đối với cơ sở có mẫu không đạt qua khảo sát.

Gần đây, hàng loạt vụ việc vi phạm trong kinh doanh xăng dầu với quy mô lớn được phát hiện, theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này? Để làm trong sạch thị trường xăng dầu, cần có những giải pháp như thế nào?

Theo quy định pháp luật, xăng dầu sản xuất, pha chế trước khi đưa vào lưu thông phải phải được chứng nhận, công bố phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; xăng dầu nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng, đánh giá sự phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước thông quan.

Xăng dầu nhập khẩu chính ngạch, xăng dầu sản xuất, pha chế (được đăng ký cơ sở pha chế theo quy định của pháp luật) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường đều được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng.

Từ năm 2017 đến nay, Tổng cục TĐC (Cục QLCL, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định) thực hiện kiểm tra về xăng dầu nhập khẩu mỗi năm hàng ngàn lô xăng dầu nhập khẩu, tổng khối lượng trên chục tỷ lít xăng dầu phù hợp QCVN được nhập khẩu đưa vào lưu thông.

Hằng năm qua kiểm tra trên thị trường các cơ quan kiểm tra, thanh tra của Ngành KH&CN từ TW- ĐP đã phát hiện các trường hợp vi phạm chất lương xăng dầu không phù hợp QCVN, tạm dừng lưu thông, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với hàng chục ngàn lít xăng dầu, phạt tiền thu nộp ngân sách hàng tỷ đồng. Thời gian gần đây, qua kiểm tra, kiểm soát lực lương chức năng đã phát hiện một số cơ sở thuộc đường dây nhập lậu, sản xuất, pha chế trái phép xăng dầu đã và đang được xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường không bảo đảm chất lượng là do xăng dầu nhập lậu hoặc do các cơ sở kinh doanh trái phép gian lận pha thêm dung môi, hóa chất vào xăng dầu.

Do đó, để đảm bảo chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và có hiệu quả của các Bộ, Ngành, Ban chỉ đạo 389 quốc gia về chống hàng giả và gian lận thương mại, Chính quyền địa phương …

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đơn vị theo chức năng nhiệm vụ tăng cường công tác khảo sát về chất lượng xăng dầu và tiến hành kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm về chất lượng xăng dầu; Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các VBQPPL liên quan quản lý  đo lường chất lượng xăng dầu. (Hiện đang sửa đổi bổ sung Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về TCĐLCL, sửa đổi bổ sung QCVN về xăng dầu,…).

Bộ Công thương siết chặt quản lý đối với dung môi, hoá chất trong nhập khẩu, lưu thông và  sử dụng để tránh việc gian lận sử dụng dung môi pha chế xăng dầu trái phép.

Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và chính quyền các địa phương tổ chức tốt công tác phòng chống buôn lậu, đặc biệt là xăng dầu; chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu về nguồn gốc hàng hóa, hóa đơn chứng từ, hợp đồng mua bán nhằm phát hiện kịp thời các cơ sở kinh doanh xăng dầu nhập lậu, xăng dầu giả…

Bộ Tài chính bố trí đủ kinh phí cho hoạt động khảo sát, kiểm tra chất lượng hàng hóa nói chung và chất lượng xăng dầu nói riêng.

Theo ông, báo chí đóng vai trò ra sao trong việc đấu tranh, phát hiện các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng?

Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí được quy định tại điều 4, Luật Báo chí năm 2016, đó là “…đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”. Thực hiện nội dung này, trong thời gian qua Báo chí đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc đấu tranh, phát hiện các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng.

 Ông Trần Quốc Tuấn tham gia tọa đàm trực tuyến 'Đảm bảo chất lượng dầu nhờn động cơ phù hợp Quy chuẩn QCVN14:2018/BKHCN' do Chất lượng Việt Nam tổ chức.

Chính từ vai trò như trên, trong Nghị quyết số 41/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới đã nêu lên vai trò của báo chí, cụ thể như sau:

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng xây dựng chương trình truyền thông phù hợp, tuyên truyền về pháp luật, về những nguy hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người dân trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; biểu dương những tấm gương tích cực, những địa phương, đơn vị làm tốt; phê phán những hành vi tiêu cực, tham nhũng, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề khác và các cơ quan thông tấn, báo chí cần tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Trong thời gian qua, các cơ quan thông tấn, báo chí đã đóng góp vai trò to lớn trong hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại thị trường Việt Nam, trong đó có những sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ

Thời gian qua, sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với cơ quan chức năng trong công cuộc chống hàng giả, hàng nhái đã thực sự hiệu quả hay chưa? Những hạn chế nào cần phải khắc phục?

Công tác phối hợp giữa cơ quan báo chí với cơ quan chức năng trong cuộc chống hàng giả, hàng nhái trong những năm qua đã đạt được hiệu quả nhất định, sự phối hợp trong công tác tuyên truyền đã giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ tác hại của hàng giả, hàng nhái, từ đó không tham gia, không tiếp tay cho những hành vi này; đồng thời tham gia phát hiện, thông tin cho các cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật. Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh và quần chúng nhân dân về công tác chống hàng giả, hàng nhái để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong công tác tuyên truyền cần phải khắc phục như bên cạnh tuyên truyền, đưa tin về các vụ việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng cũng cần đưa tin về các mặt tích cực như tình hình sản xuất kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng, vai trò của quản lý nhà nước để người dân không hoang mang về an toàn chất lượng hàng hóa, đảm bảo định hướng dư luận và thể hiện vai trò của Báo chí cách mạng Việt Nam.

Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra một cơ sở kinh doanh xăng dầu tại Bắc Giang.

 

Trong bối cảnh mới, theo ông, hoạt động tuyên truyền về chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cần đi theo hướng nào để đạt được hiệu quả cao nhất?

Thứ nhất, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm: Nâng cao ý thức trách nhiệm doanh nghiệp trong việc tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng,…; nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về quyền của người tiêu dùng, về các biện pháp bảo vệ bản thân trước vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Thứ hai, chủ động tìm kiếm, tiếp cận thông tin từ thị trường, người dân và các cơ quan quản lý về tình hình hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng từ đó có các chuyên đề đi sâu tìm hiểu, phân tích và điều tra, cung cấp cho cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Thứ ba, phối hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý thực hiện các hoạt động về khảo sát, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa theo quy định, từ đó có thông tin cảnh báo về chất lượng sản phẩm hàng hóa tới người tiêu dùng.

Hà My - Hán Hiển (thực hiện)

Tản mạn nghề báo(VietQ.vn) - Mỗi lần trong những cuộc gặp gỡ bạn bè, khi có người mới, mọi người thường giới thiệu nghề nghiệp của mình. Trong đám bạn thân của tôi có mình tôi làm nghề báo. Lúc đó, những người mới quen lại trầm trồ suýt xoa “làm phóng viên chắc cậu được đi nhiều nơi và đây là một công việc thú vị chứ không nhàm chán hàng ngày ngồi văn phòng như tụi mình nhỉ”. Trước mỗi lời trầm trồ ấy tôi thường cười trừ và khẽ gật đầu đồng tình.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang