Đẩy mạnh tham gia các thể chế tài chính - tiền tệ - ngân hàng quốc tế

authorHòa Dương 19:49 14/11/2016

(VietQ.vn) - Đề án “Đẩy mạnh việc tham gia vào các thể chế tài chính - tiền tệ - ngân hàng khu vực và quốc tế” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện nay, Việt Nam đang là thành viên của 6 thể chế tài chính tiền tệ ngân hàng khu vực và quốc tế, bao gồm: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB), Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế (IBEC) và mới đây nhất là Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) với tư cách thành viên sáng lập.

Tham gia vào các thể chế tài chính tiền tệ ngân hàng khu vực và quốc tế sẽ góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sự phát triển sâu rộng của các quan hệ kinh tế tài chính quốc tế, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, thông tin, lao động… tạo cơ hội cho Việt Nam tận dụng được thị trường thế giới, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất – kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa khi Việt Nam tham gia hiệu quả các định chế, tổ chức kinh tế, tài chính khu vực cũng như toàn cầu sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường vốn và dịch vụ tài chính ngân hàng ở các thể chế và thị trường tài chính của các nước thành viên với điều kiện thuận lợi và giá cả phù hợp để xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội.

Tham gia vào các thể chế tài chính tiền tệ ngân hàng khu vực và quốc tế tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia tích cực hơn vào các quá trình hợp tác liên kết quốc tế, tham gia thiết lập trật tự kinh tế quốc tế công bằng hơn, hợp lý hơn, thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa và bình đẳng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay thông qua các diễn đàn tài chính tiền tệ quốc tế.

 Đẩy mạnh tham gia các thể chế tài chính - tiền tệ - ngân hàng quốc tế. Ảnh minh họa

 Đẩy mạnh tham gia các thể chế tài chính - tiền tệ - ngân hàng quốc tế. Ảnh minh họa

Việc tham gia các tổ chức, định chế khu vực và thế giới sẽ giúp Việt Nam có được vị thế bình đẳng như các thành viên khác trong việc hoạch định chính sách tài chính tiền tệ toàn cầu, có tiếng nói được tôn trọng hơn, có quyền thương lượng và khiếu nại công bằng hơn đối với các tranh chấp trong khuôn khổ tổ chức, định chế quốc tế, do đó có điều kiện để bảo vệ lợi ích của đất nước, của doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu quả tham gia các thể chế tài chính tiền tệ ngân hàng khu vực và quốc tế

Để tăng cường tham gia các thể chế tài chính tiền tệ ngân hàng khu vực và quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Đề án đưa ra 3 nhiệm vụ.

Nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao hiệu quả tham gia các thể chế tài chính tiền tệ ngân hàng khu vực và quốc tế. Trong đó, tham gia tích cực vào các hoạt động, xây dựng chính sách, sáng kiến, chương trình tăng vốn, cơ cấu lại và cải cách của các tổ chức này nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam tại các thể chế tài chính tiền tệ ngân hàng khu vực và quốc tế, tiến tới có được các vị trí chủ chốt như Giám đốc điều hành hoặc Giám đốc điều hành phụ khuyết tại các tổ chức này.

Tăng hiệu quả sử dụng các nguồn hỗ trợ từ các thể chế tài chính tiền tệ ngân hàng khu vực và quốc tế, đẩy mạnh tư vấn chính sách và tận dụng hợp tác kỹ thuật cho phát triển kinh tế. Có kế hoạch và chiến lược tiếp cận với các nguồn vốn kém ưu đãi, thương mại và khai thác các sản phẩm khác phù hợp với vị thế của Việt Nam là nước có thu nhập trung bình; tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển.

Không ngắm 'siêu trăng thế kỷ' hôm nay, 18 năm sau mới có(VietQ.vn) - Tối nay, những ai yêu thiên văn học Việt Nam có thể ngắm "siêu trăng thế kỷ" chỉ xuất hiện sau 18 năm nữa.

Xây dựng và phát triển năng lực hội nhập

Nhiệm vụ tiếp theo là tiếp cận, tham gia có chọn lọc vào các thể chế tài chính tiền tệ ngân hàng khu vực và quốc tế và sáng kiến thiết lập khuôn khổ hợp tác tài chính mới.

Cụ thể, nghiên cứu, tiếp cận và đề xuất tham gia có chọn lọc vào các thể chế tài chính tiền tệ ngân hàng khu vực và quốc tế quan trọng trong việc xây dựng khuôn khổ phát triển của khu vực và thế giới nhằm bổ sung nguồn tài chính, nguồn lực phát triển nhằm tăng cường năng lực thể chế và nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các thể chế tài chính tiền tệ ngân hàng khu vực và quốc tế khác, kể cả các sáng kiến, diễn đàn, hội nghị, nhóm công tác liên quan cũng như các hoạt động nghiên cứu phát triển, tạo điều kiện để Việt Nam tham gia vào việc xây dựng những thiết chế, khuôn khổ hợp tác quốc tế và khu vực.

Nhiệm vụ khác là xây dựng và phát triển năng lực hội nhập. Cụ thể, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để áp dụng, triển khai và thực hiện các cam kết, nghĩa vụ của Việt Nam tại các thể chế tài chính tiền tệ ngân hàng khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng tốt, có khả năng tham gia và có đóng góp tích cực vào hoạt động của các thể chế tài chính tiền tệ ngân hàng khu vực và quốc tế nhằm tăng cường sự tham gia, tiếng nói và vị thế của Việt Nam; nghiên cứu cơ chế, chính sách liên quan để đề xuất lộ trình, mức độ tham gia của Việt Nam với vai trò nhà tài trợ.

Hòa Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang