Doanh nghiệp khó phát triển nếu thiếu trụ cột Khoa học và Công nghệ

author 16:52 22/08/2014

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân nhận định: “các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện nay rất nhỏ hoặc siêu nhỏ, nếu như bản thân mỗi DN phải tự đổi mới công nghệ, tự tạo ra sản phẩm của mình mà không có sự giúp đỡ từ phía Nhà nước và xã hội thì đây là bài toán khó và hầu hết các DN Việt Nam không thể nào giải được bài toán này”.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Phóng viên Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân về vấn đề này.

Doanh nghiệp khó có thể phát triển

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân.

Các chuyên gia nhận định, với tình hình như hiện nay, doanh nghiệp khó có thể phát triển và trụ vững nếu thiếu đi một trụ cột là KH&CN. Hay nói cách khác đổi mới công nghệ được xem là chìa khóa, nhân tố quyết định những giá trị kinh doanh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Bộ trưởng nhận định như thế nào về điều này?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chắc chắn lời nhận định của chuyên gia là đúng vì thông qua 2 cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây, cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi có thể thấy DN nào không quan tầm đầu tư cho khoa học công nghệ (KH&CN), không quan tâm cho đổi mới công nghệ và xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân có trình độ công nghệ thì DN đó sẽ đứng trên bờ vực phá sản hoặc  rất khó khăn. Còn những DN vẫn phát triển ổn định là những DN quan tâm đến đổi mới công nghệ cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

Điều này cũng đã được Bộ KH&CN xác định ngay từ năm 2004 khi trình Chính phủ “Đề án về phát triển thị trường khoa học công nghệ” cũng như “Đề án về đổi mới quản lý hoạt động KH&CN”, trong đó coi DN là trung tâm đổi mới công nghệ quốc gia, đồng thời là địa chỉ ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các Viện, trường, là nguồn cầu quan trọng trong thị trường công nghệ.

Đặc biệt, trong Luật KH&CN 2013 mới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, đã xác định lại vai trò của DN cũng như hoạt động KH&CN trong DN một cách đúng đắn hơn và quan trọng hơn. Trong đó Bộ KH&CN rất coi trọng việc các DN đầu tư cho phát triển KH&CN thông qua Quỹ phát triển KH&CN của DN.

Hiện nay Chính phủ cũng sắp ban hành Nghị định quy định các DN nhà nước kể từ nay bắt buộc phải thành lập Quỹ phát triển DN KH&CN của DN và phải bắt buộc phải dành một tỷ lệ tối thiểu lợi nhuận trước thuế cho quỹ phát triển DN KH&CN của DN. Còn doanh nghiệp ngoài nhà nước được khuyến khích cũng làm như vậy.

Nếu điều này được thực hiện một cách nghiêm túc và tất cả các DN đều thực hiện quy định này thì chắc chắn chúng ta sẽ có nguồn lực rất lớn dành cho phát triển KH&CN của DN, DN sẽ đổi mới công nghệ một cách mạnh mẽ theo tiến độ mà Bộ KH&CN đề xuất trong chiến lược phát triển KH&CN, trong đó quy định tốc độ đổi mới công nghệ của DN phải ở mức trung bình hoặc từ 15-20% một năm trong giai đoạn từ nay đến 2020.

Hay nói khác đi, từ nay đến năm 2020 toàn bộ DN Việt Nam phải đổi mới công nghệ lên một mức mới, ở một thế hệ mới của công nghệ, thu hẹp khoảng cách về công nghệ với các nước đang phát triển.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu đổi mới nhưng lại không đủ tiềm lực (doanh nghiệp vừa và nhỏ), có một mâu thuẫn là khi doanh nghiệp đã kiệt sức, khó khăn về mặt tài chính nhưng để có sản phẩm công nghệ tốt, làm chủ công nghệ lại cần vốn để đầu tư, mua sắm công nghệ, thiết bị mới. Vậy làm thế nào để giải bài toán này, thưa Bộ trưởng

Ở đây có trách nhiệm cả hai phía, Nhà nước và DN.

Nhận thức được trách nhiệm của nhà nước đối với việc đổi mới công nghệ của DN, Bộ KH&CN đã trình với Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia, đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia với vốn điều lệ 1000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sẽ dành 1 phần ngân sách hỗ trợ DN có nhu cầu đổi mới công nghệ cũng như áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh.

Song hành với đó là việc hợp tác với các tổ chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế trong việc tìm kiếm các nguồn tài chính hỗ trợ cho DN Việt Nam. Vừa qua Bộ KH&CN đã ký với Ngân hàng thế giới (WB) dự án Dự án về thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN (Dự án FIRST), trong đó WB đã tài trợ cho vay với lãi suất ưu đãi, với nguồn vốn 100 triệu USD cùng vốn đối ứng 10 triệu USD từ phía Chính phủ Việt Nam, tổng cộng chúng ta sẽ có hơn 2300 tỷ dành cho dự án FIRST. Dự án có 3 hợp phần, trong đó có một hợp phần giúp cho một số DN KH&CN đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao để có thể phát triển sản xuất kinh doanh.

Còn đối với DN, chúng tôi kêu gọi DN Việt Nam quan tâm đến phát triển KH&CN. Bên cạnh việc hỗ trợ cho DN năng động, có tinh thần khoa học thông qua việc xây dựng một số chương trình quốc gia về KH&CN, thì DN cũng phải thấy trách nhiệm của mình đối với việc góp phần nâng cao tiềm lực KH&CN của Quốc gia.

Nếu DN thực hiện đúng quy định của luật pháp, dành 1 tỷ lệ nhất định lợi nhuận trước thuế cho KH&CN thì chắc chắn sẽ có nguồn vốn rất lớn cho DN đổi mới công nghệ, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi một số DN của Việt Nam đang rất khó khăn thì việc đổi mới công nghệ là yếu tố sống còn trong nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên làm thế nào để huy động vốn trong DN trước tình hình khó khăn của DN hiện nay? Bộ KH&CN đã yêu cầu tất cả các Bộ, ngành, địa phương thành lập Quỹ phát triển KH&CN, coi đây là một địa chỉ để cộng đồng DN đóng góp 1 phần kinh phí nhất định cho hoạt động KH&CN và Quỹ này đóng vai là cơ sở để điều tiết nguồn vốn này, ngoài việc doanh nghiệp tự thành lập quỹ phát triển KH&CN của chính mình. DN nào quá khó khăn mà chưa thu xếp được nguồn vốn có thể được ưu tiên sử dụng nguồn vốn của Quỹ phát triển KH&CN của các tỉnh, Bộ, Ngành.

Nếu tất cả các DN đều thực hiện một cách nghiêm túc với việc đóng góp một phần nhỏ kinh phí chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết của DN cho Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh, Bộ thì lần lượt các DN sẽ được Quỹ này đầu tư để có thể đổi mới công nghệ. Đây là 1 phương thức chúng tôi cho là hiệu quả, vấn đề ở đây là các DN có mong muốn, có quyết tâm, có tổ chức tốt việc này hay không và các quỹ phát triển KH&CN của các bộ ngành, địa phương có quản lý tốt nguồn vốn này hay không?

Doanh nghiệp khó có thể phát triển

Doanh nghiệp khó có thể phát triển nếu thiếu đi một trụ cột là KH&CN. Ảnh minh họa

Bộ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh ở nước ta đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực hạn chế, khó khăn trong huy động vốn để đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, trong khi, chúng ta đang mong muốn tăng mức đầu tư của doanh nghiệp, xã hội cho KH&CN?

Như tôi đã nói ở trên, các DN Việt Nam hiện nay rất nhỏ hoặc siêu nhỏ, doanh thu còn khiêm tốn và lợi nhuận trước thuế không nhiều, tức là phần kinh phí đóng góp cho quỹ phát triển KH&CN không nhiều, nếu như bản thân mỗi DN phải tự đổi mới công nghệ, tự tạo ra sản phẩm mới của mình mà không có sự giúp đỡ từ phía Nhà nước và xã hội thì đây là bài toán khó và hầu hết các DN Việt Nam không thể nào giải được bài toán này.

Tuy nhiên bằng những giải pháp như chúng tôi vừa trình bày, với một số DN có những sản phẩm chủ lực, sản phẩm mang thương hiệu Quốc gia thì Nhà nước hỗ trợ trực tiếp thông qua Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia, thông qua Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia hoặc thông qua các chương trình khác. Còn các DN còn lại chúng ta áp dụng cơ chế quỹ phát triển KH&CN, hoặc là DN có thể thành lập Quỹ, hoặc là DN có thể đóng góp vào Quỹ của các Bộ, ngành địa phương, khi đó sẽ có nguồn lực đủ lớn hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa, kể cả các DN đang rất khó khăn về mặt tài chính có thể vượt qua được khủng hoảng.

Vấn đề ở chỗ như tôi đã nói, các Bộ ngành có tổ chức tốt việc này hay không, các DN có nhiệt tình có đủ quyết tâm để đóng góp hàng năm lợi nhuận của mình vào Quỹ các Bộ, các địa phương hay không. Nếu chúng ta làm được điều đó tôi tin là DN sẽ thành công.

Trong một lần nói chuyện, Bộ trưởng có cho biết là từ trước tới nay, đầu tư cho khoa học của chúng ta vẫn chưa đến ngưỡng. Đây phải chăng cũng là một trong những nguyên do khiến Việt Nam không có được những sản phẩm đặc thù, cạnh tranh với thế giới. Và Bộ KH&CN có hướng giải quyết vấn đề này như thế nào?

Chắc chắn đầu tư cho KH&CN của Việt Nam còn ở mức rất thấp. Tuy về mặt tổng đầu tư cho KH&CN từ ngân sách nhà nước không phải là quá thấp. Bởi so về tỷ lệ tương đối thì hiện nay Quốc hội đã phê chuẩn dành 2% tổng chi ngân sách Quốc gia, tương đương với 0,5-0,6 % GDP  quốc gia cho KH&CN. Đây là 1 tỷ lệ không quá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới kể cả các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản (0,3-0,4 % GDP Quốc gia), nhưng tổng đầu tư của xã hội cho KH&CN của Việt Nam còn rất thấp so với khu vực và thế giới. Ví dụ như Trung Quốc năm 2011 đã đầu tư cho KH&CN là 2,3% GDP Quốc gia, Hàn Quốc 4,5% GDP Quốc gia, hay nói khác đi đầu tư KH&CN của DN và xã hội ở các nước khác lớn hơn đầu tư từ NSNN rất nhiều lần.

Tại Việt Nam đầu tư của xã hội cho KH&CN vẫn còn ít hơn từ NSNN, đây là điều bất cập cần phải nhanh chóng khắc phục. Chính vì thế trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh đầu tư xã hội cho KH&CN, trong Luật KH&CN và trong Nghị Quyết của Đảng cũng đã ghi rõ Nhà nước phải duy trì 2% tổng chi NSNN cho KH&CN, sau này tùy vào điều kiện phát triển KT-XH có thể  phải tăng thêm, nhưng quan trọng nhất là huy động được nguồn đầu tư từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp.

Một điểm mới trong Luật KH&CN vừa rồi cũng đã làm được, đó là buộc các DN Nhà nước phải dành 1 tỷ lệ tối thiểu lợi nhuận trước thuế cho KH&CN và thành lập Quỹ phát triển KH&CN của DN. Cụ thể hơn, Nghị định về đầu tư và cơ chế tài chính Bộ KH&CN đã trình Chính phủ đang chờ ký ban hành cũng quy định các DN nhà nước phải dành tối thiểu 5% lợi nhuận trước thuế cho KH&CN.

Như vậy sắp tới DN phải trích ít nhất 5% và nhiều nhất 10% lợi nhuận trước thuế của họ để phát triển DN, đây là giải pháp để tăng tổng đầu tư xã hội cho KH&CN và nếu như tất cả các DN Việt Nam đều trích tối đa 10% thì chắc chắn đầu tư của xã hội cho KH&CN sẽ nhiều gấp 2 lần đầu tư của NSNN. Chúng ta có thể đạt được mục tiêu vào khoảng 1,5-1,8 % GDP Quốc gia cho KH&CN, vẫn còn thấp hơn so với các nước khác nhưng đã gấp 3 lần mức đầu tư hiện nay của chúng ta.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Văn Văn (thực hiện)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang