Bất cập giữa nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ

author 07:23 13/05/2014

Các trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, kích thích cho sự phát triển này từ phía cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Ðó là thực trạng chung của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tại TP Hồ Chí Minh.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Nghiên cứu nhiều, ứng dụng ít

Sự kiện Trung tâm Nghiên cứu và triển khai R&D (Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) và Trung tâm Nghiên cứu và Ðào tạo thiết kế vi mạch ICDREC (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) công bố sản xuất thành công chip cảm biến áp suất được xem là một thành công lớn của ngành chế tạo vi mạch của thành phố cũng như của cả nước. Ðây là con chip cảm biến áp suất được sản xuất trên công nghệ vi cơ điện tử (MEMS) đầu tiên của Việt Nam. Sản phẩm này được Hội đồng Khoa học Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP Hồ Chí Minh nghiệm thu đạt loại khá vào tháng 7-2013.

Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải đề tài nghiên cứu, sản phẩm nào cũng có được thành công như chip cảm biến nói trên.

Nhóm kỹ sư thiết kế và chế tạo chíp cảm biến áp suất mô phỏng ứng dụng  trong việc đo mực nước.

Theo Sở KH-CN TP Hồ Chí Minh, trong năm 2013, Sở đã tổ chức xét duyệt 183 đề tài, dự án; nghiệm thu 125 đề tài, dự án về khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, số đề tài nghiên cứu sau nghiệm thu được Sở hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao ứng dụng hoặc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chỉ đạt khoảng 34%. Trong đó, chỉ tám sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa ra thị trường như thuốc Ruvintat - giảm cholesterol, hạ huyết áp; vắc-xin dại dùng cho thú y... Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà cho rằng: Với những kết quả đạt được như trên là rất đáng khích lệ, nhưng thời gian tới, các trung tâm, viện nghiên cứu cần chú trọng hơn nữa các công trình nhằm phục vụ cho thành phố giải quyết các vấn đề nhức nhối như kẹt xe, ngập nước hay trợ giá cho xe buýt. Ðây đang là những vấn đề gây lãng phí rất nhiều cho ngân sách thành phố thời gian qua. Thành phố đã chủ động đặt hàng với Sở KH-CN, nhưng đến nay thực hiện vẫn còn rất chậm.

Một thí dụ khác, Trung tâm Nghiên cứu và Ðào tạo thiết kế vi mạch ICDREC từ ngày thành lập (năm 2005) đến nay đã nghiên cứu thành công 30 sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ vi mạch. Tuy nhiên, chỉ mới có hai sản phẩm về thiết bị giám sát hành trình được thương mại hóa. Một sản phẩm khác là đồng hồ điện kế điện tử hiện đã hoàn tất khâu nghiên cứu, nhưng lại đang loay hoay trong việc tìm nhà đầu tư. Số còn lại vẫn nằm trong phòng thí nghiệm. Thậm chí, ngay cả đối với chíp cảm biến áp suất, sau khi đã đầu tư hơn hai tỷ đồng để nghiên cứu và công bố trước báo giới về những ứng dụng trong đời sống như: kiểm soát áp suất đường ống, khí ga; đo huyết áp; đo mực nước như máy giặt, máy rửa chén, bồn nước, trữ thông tin mực nước, phục vụ chương trình thủy lợi cũng như chống ngập úng... thì nhóm kỹ sư thiết kế và chế tạo ra con chip này vẫn chưa biết "gõ cửa" ở đâu để huy động thêm hai tỷ đồng nữa để đưa những ứng dụng trên vào cuộc sống. "Nếu không tìm được nguồn kinh phí này thì chúng tôi sẽ rất khó thực hiện những dự định của mình", Thạc sĩ Trương Hữu Lý, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Cần cơ chế hỗ trợ kịp thời

Giám đốc Trung tâm ICDREC Ngô Ðức Hoàng cho rằng: Khoảng cách của một sản phẩm công nghệ từ phòng nghiên cứu ra thị trường còn rất xa. Ðể thu ngắn khoảng cách này đòi hỏi rất nhiều thời gian cũng như nguồn kinh phí. Hiện nay, số doanh nghiệp dám "mạo hiểm" đầu tư cho các công trình khoa học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả việc đặt hàng sản phẩm cho các trung tâm nghiên cứu cũng không có nhiều doanh nghiệp mặn mà bởi tâm lý thích sử dụng các sản phẩm công nghệ có sẵn, hoàn thiện công nghệ ngoại nhập của các doanh nghiệp. Trong khi đó, các trung tâm nghiên cứu không thể cùng lúc vừa nghiên cứu vừa đi tìm doanh nghiệp. Ðể giải quyết bài toán này, cần có sự hỗ trợ, định hướng từ các cơ quan chức năng, nếu thực trạng này tiếp tục kéo dài sẽ tạo nên áp lực rất lớn đối với cán bộ nghiên cứu về vấn đề thu nhập, chất lượng công trình...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Mạnh Hà nhấn mạnh: UBND thành phố sẽ chỉ tập trung hỗ trợ, định hướng cho những công trình chiến lược, trọng điểm, thiết thực với đời sống xã hội, đồng thời đủ lực để thương mại hóa. Do vậy, cần tìm hiểu thật kỹ về công nghệ và khả năng ứng dụng trước khi đi vào nghiên cứu nhằm tránh lãng phí. Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn, cũng đề xuất thành phố nên thành lập một bộ phận chuyên nghiên cứu, khảo sát thị trường đối với các công trình khoa học, công nghệ từ khi phôi thai đến khi ra thị trường. Theo ông Tuấn, việc khảo sát này sẽ nắm bắt được nhu cầu của thị trường về sản phẩm, tránh việc đầu tư, nghiên cứu theo "phong trào" gây lãng phí như thời gian qua.

Theo Nhân dân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang