Khuyến mại: Doanh nghiệp 'quên' nộp lại một nửa khi không ai trúng thưởng

authorDương Phương Ngọc 07:06 29/10/2016

(VietQ.vn) - Thực hiện khuyến mại cho người tiêu dùng nhưng không ai trúng giải, doanh nghiệp phải nộp vào công quỹ một nửa, điều này gần như doanh nghiệp "quên".

Đua nhau giảm giá trong Tháng Khuyến mại 2016

Năm nay, tháng khyến mại 2016 của TP. HCM thực hiện từ ngày 1/9 đến ngày 31/12/2016 với nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia: Siêu thị Big C tham gia với chương trình giảm đến 49% cho hơn 800 mặt hàng; siêu thị Lotte Mart giảm giá 5-49% đối với hơn 1.000 mặt hàng; siêu thị Coop Mart dành hơn 200 tỷ đồng để khuyến mại giảm giá trên 1000 mặt hàng thiết yếu từ 5-49% trên toàn hệ thống.

Trong buổi lễ khai mạc Tháng khuyến mại 2016 đã được Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh tổ chức, tại gian hàng của Satra, người tiêu dùng mua hàng với hóa đơn 200.000 đồng sẽ được tham gia bốc thăm trúng thưởng 100%; Công ty Vissan áp dựng  chương trình khuyến mại mua 4 gói xúc xích tiệt trùng Hola được tặng 1 gói vào giờ vàng từ 10 đến 11 giờ trưa, từ 16 đến 17 giờ chiều; Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn thực hiện bốc thăm 100% với quà tặng là chai nước mắm, giỏ quà, cá hộp…cho khách hàng có hóa đơn 200.000 đồng.

Đồ chơi Halloween độc, dị không nhãn mác tràn ngập phố cổ Hà Nội(VietQ.vn) - Những đồ chơi Halloween ma quái, không nhãn mác, thông tin rõ ràng nguồn gốc xuất xứ lại là những mặt hàng được ưa chuộng trước dịp Halloween năm nay.

Các loại quần áo, giày dép, đồ dùng học sinh nhiều sạp hàng trưng bảng giảm giá 50%, thậm chí mua một tặng một và tặng thêm cho khách hàng mua với số lượng lớn.

Đại diện của một siêu thị lớn cho biết, Tháng khuyến mại là dịp để nhà bán lẻ hỗ trợ nhà sản xuất gia tăng tiêu thụ hàng hóa, tri ân khách hàng và hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Dự kiến trong Tháng khuyến mại 2016, doanh số bán hàng của hệ thống siêu thị này sẽ tăng 30-50% so với ngày thường.

Tại Hà Nội, trong các Ngày Vàng khuyến mại, bên cạnh việc giảm giá 20 – 50% các mặt hàng như những năm trước, năm nay Ban tổ chức cũng khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các khu vực bán hàng đồng giá nhằm tạo cơ hội mua sắm tốt cho người tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ cuối năm cho các doanh nghiệp tham gia điểm Vàng.

 Người dùng cần tỉnh táo khi mua hàng khuyến mại. Ảnh minh họa.

Mặc dù vậy, bên cạnh các doanh nghiệp uy tín “làm thật, khuyến mại thật” thì ngoài thị trường, vào mùa cuối năm, không ít các đơn vị, các cửa hàng vẫn lợi dụng sự cả tin của người dùng, đánh vào lòng tham, ham giá rẻ của người Việt để dùng các “chiêu trò” lừa gạt người mua.

"Dở khóc dở cười" khi mua hàng khuyến mại

Chị Vũ Thu Hòe (28 tuổi ở phố Hoàng Ngân, Hà Nội) thấy cửa hàng sữa bột giảm giá tới vài chục nghìn đồng/hộp. Chưa khi nào thấy khuyến mại "khủng" như vậy trong khi đây là loại sữa con chị vẫn hay dùng nên chị đã mua thêm 1 thùng (gồm 6 lon sữa) dù ở nhà vẫn còn vài hộp. Nhưng về đến nhà, quan sát kỹ, chị mới thấy trên bao bì có ghi hạn sử dụng chỉ còn một tháng trong khi nếu dùng hết chỗ sữa này, con chị uống nhanh thì cũng phải mất 2 tháng.

Mới đây, chị Mai Lan (37 tuổi, phố Trung Kính, Hà Nội) mua chiếc áo đã được giảm giá 30%, còn 200 nghìn đồng. Nhưng khi mang khoe với cô em gái, chị mới biết giá chiếc áo này tại một cửa hàng khác chỉ 180 nghìn đồng. Từ đó trở đi, chị tự nhủ, mỗi lần mua quần áo nên tham khảo giá ở nhiều cửa hàng, xem hàng đó có bị đội giá lên không.

Với hàng mỹ phẩm khuyến mãi tặng kèm sản phẩm, chị Minh Tâm (phố Kim Hoa, Hà Nội) cho hay, mọi người nên tinh mắt xem liệu sản phẩm đó có phù hợp với mình không. Chị Minh Tâm kể, có lần mua chai sữa tắm đính kèm dầu gội đầu của một thương hiệu khác, cứ thấy tặng kèm sản phẩm là thích nên chị không để ý xem sản phẩm này có hợp với da đầu mình hay không. Kết quả sau mấy lần gội loại dầu khuyến mãi, đầu chị ngứa, gàu nhiều và tóc rụng trông thấy.

 Có nhiều "chiêu trò" khuyến mại để "bịt mắt" người dùng, vì vậy, hãy luôn cảnh giác!

Chuyên gia truyền thông Phạm Hùng Thắng cho rằng: “Nếu doanh nghiệp nào đó coi chiến lược giá rẻ là để bán cho nhanh hết hàng thì tôi lại coi nó là chiến lược duy trì đội ngũ, bôi trơn hệ thống và xây dựng uy tín thương hiệu”.

Ông Thắng cho hay: Ở Việt Nam với chiến lược giá rẻ thường gặp nhất là: Loại thứ nhất: Giảm giá sản phẩm, giảm luôn cả chất lượng sản phẩm và hỗ trợ dịch vụ. Loại thứ 2: Giảm giá sản phẩm, tặng kèm với phụ kiện vớ vẩn rẻ rúm, giảm chất lượng sản phẩm và hỗ trợ dịch vụ .Loại thứ 3: Bán giá cao, dùng lời hoa mỹ, chăm sóc khách hàng tốt như chăm người thân. Nhưng kỳ thực chất lượng sản phẩm không ra gì và “thủ đoạn vô biên”.

3 giải pháp trên, ông Thắng đánh giá chỉ thực sự là hình thức “bán vội, ăn sổi”. Còn loại thứ 4: Sẽ rất tốt nếu doanh nghiệp làm được đó là nâng cao chất lượng sản phẩm và hỗ trợ tốt dịch vụ. Đồng thời, bán sản phẩm ở mức giá được cho là "rẻ" hoặc bán sản phẩm với giá cao hơn đôi chút nhưng cung cấp sản phẩm chất lượng cao, chăm sóc dịch vụ tốt. Đặc biệt có thể kèm theo "quà tặng có giá trị cao" cho khách hàng.

Theo các chuyên gia marketing online: Chương trình khuyến mại là tốt, giúp người tiêu dùng tiết kiệm được chi phí bỏ ra, nhưng xác suất lại rất nhỏ. Hiện nay, khuyến mại gần như là trào lưu giúp doanh nghiệp tăng sức mua, có thêm lợi nhuận nên đôi khi đã làm cho chương trình sinh ra nhiều biến tướng. Vì thế, người tiêu dùng phải hết sức tỉnh táo.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết: Theo quy định, các cơ quan nhà nước cho phép khuyến mại như Sở Công thương, Bộ Công Thương phải duyệt chương trình khuyến mại khi doanh nghiệp đăng ký, kiểm soát từ hàng hóa, giá cả, chương trình khuyến mại đến số lượng hàng bán ra, tính toán giá trị thật mà doanh nghiệp bán rẻ cho người tiêu dùng được bao nhiêu…

“Và theo nguyên tắc, sau đợt khuyến mại, định kỳ trong 1 tháng phải báo cáo xem chương trình có ưu khuyết điểm gì, mang lại lợi ích cho người dùng ra sao, khuyến mại được cho người mua bao nhiêu tiền, bao nhiêu hiện vật. Nhưng qua theo dõi, tôi được biết, các doanh nghiệp chỉ thực hiện điều này được khoảng 50% còn lại phần lớn không thông báo” – ông Phú nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phú, để các chương trình khuyến mại đảm bảo "Khuyến mại tốt - giá trị thật" thì các cơ quan quản lý thị trường phải tích cực đi kiểm tra xem doanh nghiệp làm khuyến mại thật hay ảo, chất lượng khuyến mại, giá cả ra sao và có khiếu nại gì từ người dùng hay không.

Đặc biệt, “với những khuyến mại rủi ro có giá trị cao như ô tô, xe máy thì theo quy định của nghị định chính phủ, anh phải nộp giá tiền tương đương với giá trị quà tặng đó vào kho bạc trước khi khuyến mại. Ví dụ ô tô matiz là 400 triệu đồng thì doanh nghiệp phải nộp vào kho bạc 400 triệu, khi có người trúng khuyến mại thì anh trao công khai và lấy tiền từ kho bạc ra mua ô tô trả người trúng thưởng.

Tuy nhiên, nếu hết tháng khuyến mại không có ai được giải thì doanh nghiệp chỉ được thu về 1 nửa (tức 200 triệu đồng), số còn lại phải nhập vào công quỹ Nhà nước để nộp vào quỹ khuyến mại chung” – ông Phú nói.

Tuy vậy, ông Phú cũng buồn bã nêu rõ thực trạng hiện nay: “Mấy năm nay, tôi không hề thấy có báo cáo khuyến mại rủi ro là bao nhiêu, người tiêu dùng được bao nhiêu và thu về bao nhiêu, nộp ngân sách nhà nước bao nhiêu. Thông tin này rất mù mờ và đây là trách nhiệm của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố”.

“Tôi hi vọng Tháng Khuyến mại lần này, Sở Công Thương phải công khai xem hiện vật được khuyến mại bao nhiêu, bao nhiêu người được khuyến mại, giá trị bao nhiêu, số lượng người khiếu nại, chứ đừng công bố một cách chung chung” – ông Phú mong mỏi.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang