Dự thảo phương án thi 2017: Học sinh có còn bị coi là 'chuột bạch'?

author 08:35 15/09/2016

(VietQ.vn) - Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên chuyên Sử ở Nghệ An cho rằng, Dự thảo phương án thi 2017 đầy bất ổn, học trò lại tiếp tục là những mẻ “chuột bạch”.

Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 để lấy ý kiến góp ý từ dư luận. Theo đó, các môn thi Toán, Ngoại Ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp môn Lịch sử, Địa lý) sẽ được thi theo hình thức trắc nghiệm, phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh được chấm bằng phần mềm máy tính; chỉ riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Dù chỉ mới là “Dự thảo” nhưng vừa công bố trên báo chí đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội với nhiều quan điểm phản biện trái chiều. Chia sẻ với PV VietQ.vn, thầy Trần Trung Hiếu – Giáo viên chuyên Lịch Sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng: “Dự thảo chứa đựng nhiều sự bất ổn, được ra đời quá vội vàng và không hề có sự tham vấn. Hệ lụy trước mắt của Dự thảo này đã tác động trực tiếp đến 3 đối tượng: học sinh hoang mang, phụ huynh lo lắng và giáo viên phổ thông chán nản, thất vọng.

Với cách thức, hình thức và cấu trúc đề thi có 100% nội dung trắc nghiệm, trong đó có môn Sử là không hợp lý. Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện đổi mới dạy học theo hướng đánh giá năng lực và phát triển năng lực, tư duy của học sinh, nhưng chính việc thực hiện cấu trúc môn thi, bài thi, đề thi và hình thức thi trắc nghiệm như trong Dự thảo này là sự đi ngược lại với “đánh giá năng lực” và “phát triển năng lực” mà Bộ đang hướng tới”.

Thầy Hiếu cũng cho rằng: “Bộ GD&ĐT muốn thấy rõ thực trạng về những hệ lụy trước mắt của bản Dự thảo, xin hãy ‘vi hành’ về các trường THPT, trực tiếp gặp gỡ các thầy cô giáo và các em học sinh khối 12 sẽ rõ, một sự thất vọng không hề nhẹ xen lẫn tâm trang lo lắng, hoang mang, lúng túng.

Năm 2015, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã làm dư luận xã hội và giới Sử học “dậy sóng” bằng sự phản biện thẳng thắn, phản ứng quyết liệt vì “cuộc cưỡng hôn kỳ lạ”.

Theo thầy Hiếu, mọi việc cứ ngỡ là “hanh thông” và giáo viên Sử đã phần nào củng cố chút hy vọng sau nhiều tháng thất vọng. Tuy nhiên, nay lại thêm một “Dự thảo” nữa “ra lò” đã làm ông và rất nhiều đồng nghiệp thất vọng khi chính môn Sử đã bị “xé nát” bởi cấu trúc môn thi, các bài thi và hình thức thi trắc nghiệm.

Từ một môn thi tự luận 180 phút trở thành 1 bài thi trong một “tổ hợp” với 20 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian 30 phút! Dù chưa thi nhưng nếu môn Lịch sử là môn thi trắc nghiệm thì học sinh sẽ càng ít chọn Sử là môn thi tự chọn. Nếu chọn thì cũng chỉ là ‘ứng thi’.

Ông Hiếu bảo lưu quan điểm đối với thi môn Sử là hình thức tự luận và phản đối hình thức thi trắc nghiệm 100% với môn Sử. Nếu có sự “thỏa hiệp” để chọn ra phương án tương đối tối ưu: tự luận 70 % và trắc nghiệm 30%. Như vậy mới có thể phân hóa và đánh giá chính xác năng lực của học sinh ở nhiều cấp độ”.

Cũng theo thầy Hiếu, công cuộc đổi mới đang trải qua những bước thăng trầm, có “đổi” nhưng chưa thấy “mới” và có vẻ như càng đổi mới càng rơi vào sự lúng túng, bế tắc. Hệ lụy trước mắt là sự băn khoăn, lo lắng, hoang mang của học trò, của phụ huynh học sinh, của những thầy cô giáo khi liên tục thay đổi cách thi, hình thức thi. Hệ quả cuối cùng của cái vòng “luẩn quẩn” đó là các thế hệ học trò lại tiếp tục là những mẻ “chuột bạch” và chất lượng của những “mẻ” đó như thế nào thì chưa thể cân đong đo đếm được.

 Trần Hoàng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang