Hãng hàng không Vietstar Airlines muốn được cấp phép buộc phải phong tỏa tài sản

author 12:33 04/04/2016

(VietQ.vn) - Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Để được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không thì Vietstar Airlines buộc phong tỏa tài sản để xác nhận vốn.

Điều kiện nguồn vốn của Vietstar Airlines không minh bạch

Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Công ty cổ phần Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines – VSA) 2 năm nay đang nỗ lực xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không “vì điều kiện cấp phép rất khắt khe và không phải ai cũng đạt được các điều kiện đó từ năng lực quản lý, điều hành và đội ngũ cán bộ chuyên ngành...”.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã gửi đề nghị Thủ tướng cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines, theo đó, công ty này sẽ tham gia thị trường hàng không trong nước với tư cách là nhà vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, hồ sơ xin cấp phép của Vietstar Airlines đang có một số điểm bất thường.

Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) cho biết: Để được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vietstar Airlines phải đáp ứng 5 điều kiện gồm: Ngành nghề kinh doanh; phương án đảm bảo tàu bay khai thác; tổ chức bộ máy; vốn; phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm.

Nhưng theo các thông tin đã đưa ra, trong 5 điều kiện này, điều kiện nguồn vốn của Vietstar Airlines lại không thể hiện minh bạch.

Theo LS Cường, điều kiện nguồn vốn của Vietstar Airlines không thể hiện minh bạch.

Cụ thể, trong Hồ sơ cấp phép, thay vì nộp văn bản xác nhận vốn theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP, Vietstar Airlines đã thay thế bằng Báo cáo tài chính đã kiểm toán đến ngày 31/12/2015.

Theo quy định tại điều 8 Nghị định 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính Phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, thì vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không có khai thác đến 10 tàu bay là 700 tỷ đồng Việt nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế và vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại là 100 tỷ đồng Việt Nam.

Điều 9 Nghị định trên cũng quy định về văn bản xác nhận vốn:  
1. Đối với vốn góp bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tự do chuyển đổi: Văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép; việc giải phóng khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện sau khi tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép hoặc khi tổ chức, cá nhân nhận được văn bản thông báo từ chối cấp Giấy phép.

2. Đối với vốn góp bằng tài sản, bất động sản trực tiếp phục vụ cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại: Văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản…

Như vậy, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh: “Doanh nghiệp xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không phải có nguồn vốn (tiền mặt) được xác định bằng văn bản bởi tổ chức tín dụng hoặc nguồn vồn bằng tài sản, bất động sản phải có văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản”.

Nghị định trên không hề quy định việc doanh nghiệp đang hoạt động có thể sử dụng các loại giấy tờ khác hay cụ thể là sử dụng báo cáo tài chính của doanh nghiệp có kiểm toán tại thời điểm đề nghị cấp giấy phép để thay thế văn bản xác nhận vốn từ tổ chức tín dụng hoặc văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản.

“Nghị định quy định như vậy, do đó doanh nghiệp buộc phải đưa ra văn bản xác nhận vốn mà không thể thay thế bằng văn bản, giấy tờ khác” – LS Cường khẳng định.

Vietstar Airlines buộc phải phong tỏa nếu muốn cấp phép

Báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho đến ngày 31/12/2015 của Vietstar Airlines cho biết, hiện vốn chủ sở hữu đạt 652.7 tỷ đồng.Tại thời điểm này, công ty còn thiếu 47,3 tỷ đồng so với yêu cầu vốn tối thiểu đối với hãng hàng không vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế và nội địa quy định tại Điều 8 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP.

Thế nhưng, trong văn bản trình Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải cho rằng hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietstar Airlines phù hợp với quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP “về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung”.

Nói cách khác, theo Bộ Giao thông vận tải, Báo cáo tài chính kiểm toán 2015 của Vietstar Airlines có thể thay thế được văn bản xác nhận vốn của các tổ chức tín dụng.

Công ty Vietstar Airlines nếu muốn cấp phép buộc phải phong tỏa tài sản.

Tuy nhiên, trao đổi với Chất lượng Việt Nam về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh: Dựa vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp thì có thể chứng minh doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu, nhưng dòng tiền đó đang nằm ở tài sản doanh nghiệp, ở các dự án ,….chứ không được thể hiện ở tiền mặt. 

Theo LS Cường: Nếu muốn có văn bản xác nhận vốn từ các tổ chức tín dụng hoặc văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản ra tiền mặt, Vietstar Airlines buộc phải phong tỏa tài sản để xác nhận vốn. Dù việc phong tỏa tài sản để xác nhận vốn này sẽ gây khó khăn cho Vietstar Airlines trong hoạt động của doanh nghiệp nhưng yêu cầu này là nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp có đủ vốn đầu tư cho hoạt động hàng không nên là một yêu cầu rất hợp lý.

“Hiện Vietstar Airlines muốn hoàn thiện thủ tục hồ sơ để được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không thì Vietstar Airlines buộc phải đáp ứng yêu cầu có văn bản xác nhận vốn, ngoài việc phong tỏa tài sản để xác nhận vốn, e rằng chưa có biện pháp nào hợp lý hơn cho Vietstar trong tình thế này” – LS Cường nói.

Dương Phương Ngọc


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang