Sau khi 'mượn danh' Bộ Quốc phòng, Vietstar Airlines phải sửa sai

author 06:22 01/04/2016

(VietQ.vn) - Sau khi "tự nhận" là "đơn vị kinh tế thuộc quân đội", điều này gây dư luận tò mò. hãng hàng không mới Vietstar Airlines đã phải sửa sai vào ngày 31/3.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã gửi đề nghị Thủ tướng cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines – VSA). 

Theo đó, Vietstar Airlines sẽ tham gia thị trường hàng không trong nước với tư cách là nhà vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam. 

Cục Hàng không Việt Nam cũng nhấn mạnh: Cục sẽ tạo điều kiện để Vietstar Airlines tham gia khai thác vận chuyển hàng không nội địa và quốc tế, đồng thời hướng xây dựng 1 hãng hàng không vận chuyển hàng hóa.

Tuy nhiên, dư luận mấy ngày hôm nay lại đang hồ nghi về tư cách pháp nhân của công ty Vietstar Airlines, thậm chí, có tờ báo còn đặt dấu chấm hỏi rằng: “Vietstar Airlines đang mạo danh Bộ Quốc phòng?”

Bởi lẽ, trước ngày 31/3/2016, trên website chính thức Vietstarairlines.net, Công ty cổ phần Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt giới thiệu rằng: “Vietstar Airlines là đơn vị kinh tế thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc Phòng”, trong khi, trên thực tế, công ty này không phải là đơn vị kinh tế thuộc Quân chủng này mà chỉ là có liên quan tới hợp tác với một đơn vị quân đội kiểu liên doanh liên kết. 

Trong đó, Công ty sửa chữa máy bay A41 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) có tham gia góp vốn vào Vietstar với mức đầu tư là 25%.

Vietstar Airlines “tự nhận” là “đơn vị kinh tế" thuộc Bộ Quốc Phòng. (Ảnh chụp màn hình trước ngày 31/3/2016).

Tuy vậy, việc “tự nhận” là “đơn vị kinh tế thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc Phòng” khiến nhiều người hiểu lầm. Người tiêu dùng có thể nghĩ rằng: Công ty này hoàn toàn vốn do Bộ Quốc Phòng hoặc trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) cho rằng: “Thực ra nói Vietstar Airlines “mượn danh” quân đội là không đúng”.

Theo LS Cường: “Câu chữ tự giới thiệu trên của Vietstar Airlines có thể “gây hiểu lầm, không rõ nghĩa chứ không sai. Hơn nữa, thông tin đó cũng không quá quan trọng. Quân chủng Phòng không - Không quân cũng là cổ đông, họ cũng có tham gia góp vốn”.

Giấy đăng ký kinh doanh của Công ty cổ phần Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt năm 2014 có ghi rõ: Vietstar Airlines có 3 cổ đông là Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt (nắm 67%), Công ty sửa chữa máy bay A41 (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) nắm 25%, và CTCP Logistics Ngôi sao Việt nắm 8%.

Tuy vậy, để tránh những hiểu lầm không đáng có, sáng 31/3/2016, trên website chính thức của Vietstar Airlines, thông tin giới thiệu chung đã được điều chỉnh lại cho chính xác nhất. Theo đó, thay vì “tự nhận” như trước đây (“là đơn vị kinh tế thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc Phòng”), công ty này đã sửa thành: "Vietstar Airlines là doanh nghiệp Cổ Phần liên doanh, liên kết với Quân chủng Phòng không – Không quân, trong đó Công ty sửa chữa máy bay A41 là cổ đông của Công ty".

Phần giới thiệu của Vietstar Airlines trên website đã được chỉnh sửa. Ảnh chụp màn hình sáng 31/3/2016.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Vietstar Airlines 2 năm nay đã nỗ lực xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không “vì điều kiện cấp phép rất khắt khe và không phải ai cũng đạt được các điều kiện đó từ năng lực quản lý, điều hành và đội ngũ cán bộ chuyên ngành...”.

Đại diện của Bộ GTVT cũng đánh giá: Đầu tư vào ngành hàng không là một lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro vì cần nguồn vốn lớn, nhất là nguồn nhân lực từ bộ phận điều hành, quản lý, đội ngũ kỹ thuật, chuyên cơ cho tới đội ngũ sửa chữa đều đòi hỏi yêu cầu cao. Những doanh nghiệp đủ tiềm lực để đầu tư được vào hàng không thực chất không nhiều.

“Việt Nam đang mở cửa, đẩy mạnh hàng không, việc đầu tư là không cấm, tuy nhiên, việc này phụ thuộc vào quyền của doanh nghiệp. Về phía Bộ GTVT, chúng tôi luôn ủng hộ nếu doanh nghiệp đảm bảo tất cả các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, thêm một hãng hàng không nghĩa là tạo ra nhiều dịch vụ, đồng nghĩa với việc dân được sử dụng tốt hơn” – Vị đại diện Bộ GTVT này nhận xét.

Hiện tại, Công ty cổ phần Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt còn phải chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ mới được chấp thuận cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Dương Phương Ngọc


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang