Làm thế nào để thúc đẩy quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp?

author 15:25 08/11/2018

(VietQ.vn) - Những năm gần đây, quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp diễn ra chậm và kết quả đạt được còn hết sức khiêm tốn.

Nói về quá trình thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần ở Việt Nam, ông Lê Song Lai - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã có những chia sẻ thẳng thắn tại Diễn đàn Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

 Ông Lê Song Lai chia sẻ về quá trình thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần tại Việt Nam hiện nay. 

Thoái vốn thành công gần 1.000 doanh nghiệp

Trong 11 năm qua, SCIC đã tiến hành cổ phần hóa thành công tại hơn 30 doanh nghiệp (DN), thoái vốn thành công tại gần 1.000 DN, thu về cho nhà nước gần 40.000 tỷ đồng, gấp 4,6 lần giá vốn. Dưới góc nhìn của một tổ chức bán vốn chuyên nghiệp, SCIC nhận thấy mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, nhưng do nhiều nguyên nhân, nhìn chung, quá trình thoái vốn nhà nước những năm gần đây có xu hướng diễn ra chậm, kết quả đạt được còn khiêm tốn. Tuy nhiên, mặc dù không đạt kế hoạch về số lượng nhưng thoái vốn nhà nước đã đi vào thực chất và có chiều sâu.

Trong năm 2017, cả nước đã thoái được 8.915 tỷ đồng theo giá trị sổ sách, thu về 139.385 tỷ đồng với sự đóng góp lớn từ thành công của những thương vụ thoái vốn tại Sabeco và Vinamilk. Sau 9 tháng năm 2018, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã thoái vốn được khoảng 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 18 đơn vị theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg, ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 1.308 tỷ đồng, thu về 2.511 tỷ đồng; các tập đoàn và tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 3.758 tỷ đồng, thu về 7.987 tỷ đồng.

Pháp luật quy định chồng chéo tại một văn bản?

Ông Lai chia sẻ thẳng thắn về việc nhìn chung pháp luật còn quy định chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì một văn bản duy nhất, cho dù chỉ ở cấp Thông tư. Điều này làm cho việc vận dụng, giải thích gặp không ít khó khăn. Lý do có thể nằm ở sự chồng chéo trong phân công chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số bộ, ngành có liên quan, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)... hoặc do những hạn chế về chuyên môn trong công tác pháp điển hóa...

Hơn nữa, việc áp dụng nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước chưa thật sự nhất quán. Một mặt, Chính phủ chủ trương giảm dần tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối, thông qua việc chào bán cho các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước thì cũng đồng thời yêu cầu bố trí nguồn vốn để đảm bảo tỷ lệ sở hữu của Nhà nước khi các ngân hàng này tăng vốn điều lệ, thay vì chấp nhận pha loãng đến tỷ lệ mà Nhà nước mong muốn nắm giữ.

Điều quan trọng, công tác lập kế hoạch hóa thoái vốn không thực sự gắn với yêu cầu thị trường khi đặt ra những thời hạn chót để hoàn thành.

Chưa có biện pháp giải quyết triệt để?

Ông Lai cũng nhận định, những tồn tại, vướng mắc nêu trên do nhiều nguyên nhân (bao gồm cả những yếu tố khách quan) và chưa có biện pháp giải quyết triệt để. SCIC trước hết đưa ra một số kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình thoái vốn nhà nước trong thời gian tới.

Một là, kiến nghị cơ quan chức năng bổ sung, sửa đổi một số quy định Nghị định 32/2018/NĐ-CP và Thông tư 59/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 32 theo hướng như sau:

- Hạ giá khởi điểm bán vốn: đề nghị cơ quan chức năng xem xét bổ sung quy định về cơ chế hạ giá khởi điểm trong trường hợp đã thực hiện các phương thức bán theo trình tự đấu giá/chào bán cạnh tranh/ thỏa thuận nhưng không thành công; bổ sung quy định về việc được hạ giá khởi điểm thấp hơn mệnh giá trong trường hợp DN sản xuất kinh doanh thua lỗ và đã thực hiện đấu giá công khai nhưng không có người mua cao hơn hoặc bằng mệnh giá.

- Bổ sung hướng dẫn trong trường hợp đấu giá cả lô có nhiều nhà đầu tư trả giá cao nhất bằng nhau thì sẽ chào giá cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, nếu vẫn tiếp tục trả giá cao nhất bằng nhau sẽ cho bốc thăm để lựa chọn nhà đầu tư nhằm đảm bảo quyền lợi mua trọn lô cổ phần của nhà đầu tư thay vì chia đều số cổ phần bán cho các nhà đầu tư như quy định hiện nay.

- Bổ sung trường hợp được bán cả lô cổ phần nhằm bán hết cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp, tránh tình trạng nhà đầu tư chỉ mua một phần dẫn đến số cổ phần còn lại khó bán hoặc không bán được ở giá hợp lý.

Hai là, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật DN ngày 26/11/2014 theo hướng: Trường hợp bán đấu giá hoặc chào bán cạnh tranh cổ phần thì không cần thiết phải lập thành hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; Đồng thời, quy định thời hạn cụ thể để công ty cổ phần phải thực hiện việc “ghi vào sổ đăng ký cổ đông” của công ty và quá thời hạn này nếu công ty cổ phần không thực hiện việc “ghi vào sổ đăng ký cổ đông” của công ty thì người nhận chuyển nhượng cổ phần vẫn đương nhiên được coi là cổ đông của công ty... để không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Ba là, cần tiếp tục tách bạch quá trình bán vốn việc thu hồi nợ theo hướng việc theo dõi và thu hồi nợ cần được coi là công việc thường xuyên cả trước, trong và sau khi bán cổ phần đối với các DN. Cụ thể pháp luật cần quy định đối với DN gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, nếu không bán vốn có nguy cơ mất vốn và DN đã có xác nhận và cam kết trả nợ, thì cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có thể dựa trên phân tích, đánh giá khả năng trả nợ để quyết định việc bán vốn trước khi thu hồi hết nợ.

Bốn là, cho phép SCIC thiết lập cơ chế hợp tác mua bán nợ giữa SCIC và các tổ chức mua bán nợ trên thị trường (như DATC hay VAMC). 

Năm là, đối với những DN lâm vào tình trạng giải thể, phá sản, việc tham gia của DATC/VAMC vào quá trình mua nợ từ SCIC và tái cơ cấu DN là hết sức cần thiết, nhằm giúp DN sớm vượt qua khủng hoảng, từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2019 sẽ cổ phần hóa bao nhiêu doanh nghiệp Nhà nước?(VietQ.vn) - Trong năm 2019 sẽ có hàng loạt đơn vị phải triển khai cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp với giá trị lớn.

 Phương Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang