Lương, thưởng của doanh nghiệp Nhà nước chưa khuyến khích tăng năng suất lao động?

author 16:08 06/11/2018

(VietQ.vn) - "Chính sách tiền lương, thưởng của DNNN chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động...", ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiêp, Bộ Tài chính nhận định.

Liên quan đến vấn đề làm thế nào để thúc đẩy cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiêp đã có những đánh giá cũng như chia sẻ tại Diễn đàn "Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước".

 Ông Đặng Quyết Tiến đã có những chia sẻ thiết thực về vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Ảnh: MOF

DNNN là công cụ quan trọng bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách

Đối với hoạt động của các DNNN, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, cùng với việc đổi mới cơ chế, chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho NSNN; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội.

Các DNNN, DN có vốn góp nhà nước ngoài nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính đã thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo như: dịch vụ viễn thông, đầu tư kết cấu hạ tầng, vệ sinh môi trường, cấp thoát nước, thuỷ lợi, điện lực...

Đối với cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN tiếp tục khẳng định cổ phần hóa là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa DNNN tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản, nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng; đồng thời quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động. Kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN sau cổ phần hóa.

Chính sách tiền lương, thưởng của DNNN chưa tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động?

- Việc xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 05 năm còn thiếu tính dự báo, thiếu sự liên kết để đáp ứng yêu cầu phát triển chung.

- Nhìn chung, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DN nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn (12 dự án của ngành công thương).

- Cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Trách nhiệm của người quản lý DNNN chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng của DNNN còn chưa gắn với hiệu quả hoạt động của DN theo cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động.

- Chậm thực hiện việc tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DNNN. Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chưa thật rõ ràng và phù hợp.

- Nhiều DNNN chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, giám sát DN với cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính theo quy định; do đó việc tổng hợp báo cáo Chính phủ, Quốc hội về tình hình hoạt động của DN trong phạm vi cả nước gặp nhiều khó khăn.

- Việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc.

- Tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, có khả năng không đạt theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, còn nhiều trường hợp chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các DN cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần. Chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị DN sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các DN trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các DN này.

5 nhóm giải pháp cần thực hiện là gì?

Ông Tiến chia sẻ, để tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần tập trung các nhóm giải pháp cụ thể sau:

- Nhóm giải pháp về nhận thức: Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

- Nhóm giải pháp về thể chế: 

+ Trong năm 2019 và 2020, hoàn thành việc rà soát, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành các luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến DNNN như: Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; Luật Cán bộ, công chức; Luật Phá sản; Bộ luật Lao động;...

+ Các Bộ khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2018 như: Nghị định về hoạt động của DNNN (thay thế đồng thời các Nghị định số: 172/2013/NĐ-CP, 69/2014/NĐ-CP, 128/2014/NĐ-CP và các Quyết định số: 35/2013/QĐ-TTg, 74/2013/QĐ-TTg); Nghị định thay thế Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về quyền, trách nhiệmcủa cơ quan đại diện chủ sở hữu; Nghị định thay thế Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;...

- Nhóm về tổ chức thực hiện: 

 + Các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước trước ngày 31/12/2018 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm. Gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN.

+ Thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg; thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN, ngày 10/7/2017, Quyết định số 1232/ QĐ-TTg ngày 17/8/2017.

+ Các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày16/11/2017.

+ Cơ quan đại diện chủ sở hữu các cấp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành danh mục thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Quyết định phê duyệt phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng tiến độ trong năm 2018 – 2020. Các trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt (trong giai đoạn 2016-2018), cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chuyển giao về SCIC để tổ chức thoái vốn theo quy định trước ngày 31/12/2018.

+ Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa: Thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; Đối với các DN đã cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, đề nghị thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa và xác định số phải nộp về Quỹ (nếu có) và hoàn thành trước ngày 31/12/2018, trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này; Thực hiện đúng thời gian việc bàn giao các DN thuộc diện phải bàn giao về SCIC theo đúng quy định hiện hành. Đối với 37 doanh nghiệp thuộc danh mục bàn giao theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm điều chỉnh lại tiến độ bàn giao để hoàn thành bàn giao về SCIC trong năm 2018.

- Nhóm giải pháp về quản trị doanh nghiệp: Hội đồng thành viên, Chủ tịch, Ban lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, DNNN chịu trách nhiệm trong năm 2019 hoàn thành và thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Bổ sung hoặc xây dựng ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động của DN làm cơ sở để quản lý, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp.

+ Rà soát, xác định nhiệm vụ, tập trung vào kinh doanh những ngành nghề kinh doanh chính và ngành liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính.

+ Xây dựng phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, triển khai cơ cấu lại các DN thành viên để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực; tránh cạnh tranh nội bộ theo hướng sáp nhập, hợp nhất các DN thành viên kinh doanh cùng ngành nghề.

+ Tiếp tục đổi mới quản trị DN trên tất cả các mặt phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ.

+ Kiện toàn bộ máy quản lý, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu quản trị trong cơ chế thị trường. Bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện phần vốn nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn để làm tốt vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN.

+ Sắp xếp lại, nâng cao chất lượng lao động trong doanh nghiệp; trọng tâm là đội ngũ lao động kỹ thuật với số lượng hợp lý, cơ cấu ngành nghề và bậc thợ tối ưu đối với từng công nghệ, dây chuyền, công đoạn, công việc, trên cơ sở đó nâng cao năng suất của từng người lao động và năng suất lao động tổng hợp của DN.

+ Tích cực triển khai nghiên cứu ứng dụng, đầu tư đổi mới công nghệ, sản phẩm, dịch vụ; từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường; thay thế dần các thiết bị, công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng, nguyên, vật liệu; từng bước loại bỏ sản phẩm không thân thiện với môi trường để phát triển bền vững.

+ Thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ; trong ký kết và thực hiện các hợp đồng với những người có liên quan đến người quản lý DN theo quy định của pháp luật.

- Nhóm giải pháp về giám sát, kiểm tra, công khai, minh bạch: 

+ Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức, hoàn thành kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm. Bổ sung danh mục thanh tra đối với các doanh nghiệp chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ DNNN sang công ty cổ phần.

+ Định kỳ công bố công khai thông tin tiến độ và kết quả thực hiện về cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại DN (trong đó nêu rõ tên đơn vị hoàn thành, tên đơn vị còn chậm tiến độ) làm cơ sở để đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Áp dụng mô hình 5S trong tăng năng suất chất lượng: Có phải đơn thuần là giữ vệ sinh sạch sẽ?(VietQ.vn) - "Nhờ sự chia sẻ nhiệt tình của các chuyên gia từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, chúng tôi đã nhận thức sâu sắc hơn việc áp dụng 5S trong tăng NSCL một cách hiệu quả", ông Nguyễn Mạnh Đức khẳng định.

Phương Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang