Mới quản lý một chiều dịch vụ game online

author 08:22 16/01/2014

Những quy định từ dự thảo thông tư quy định hoạt động quản lý trò chơi điện tử trên mạng, cho thấy, trò chơi trực tuyến (game online) sẽ bị quản chặt hơn trong thời gian tới.

Không dễ để được cấp phép game online

Hầu hết các trò chơi trực tuyến mà các doanh nghiệp đang cung cấp trên thị trường Việt Nam hiện nay, đều đang được xếp vào trò chơi thuộc thể loại G1(đây là trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau, đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp).

Chính vì thế, quy định đầu tiên trong dự thảo đưa ra đối với các doanh nghiệp game là bắt buộc phải có giấy phép cung cấp trò chơi G1 mới được cung cấp các trò chơi thuộc thể loại này, đây là một thách thức không hề nhỏ. Bởi, để được cấp phép phải đáp ứng đủ rất nhiều điều kiện, trong đó đáng chú ý là phải có vốn pháp định 10 tỷ đồng (cơ quan chức năng vẫn đang cân nhắc), một con số đầy thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ, hay doanh nghiệp muốn khởi nghiệp bằng game online.

Thắt chặt quản lý dịch vụ game online

Thắt chặt quản lý dịch vụ game online. Ảnh minh họa

Và khi có giấy phép trò chơi G1 rồi, muốn cung cấp các trò chơi thuộc thể loại này, doanh nghiệp lại phải tiếp tục gửi hồ sơ lên xin phép phê duyệt về nội dung và kịch bản của trò chơi. Điều này có nghĩa là so với trước đây, doanh nghiệp phải tiến hành thêm một bước xin phép nữa.

Mặc dù, theo dự thảo đưa ra, thủ tục cấp phép khoảng 10 ngày và phê duyệt nội dung kịch bản khoảng 15 ngày, nhưng có thể nói rất khó để doanh nghiệp được cấp giấy phép đúng thời hạn như trên. Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, từng đi xin phép game online do mình cung cấp cho biết, nếu làm nhanh thì phải 45 ngày mới xin được một tờ giấy phép, chưa kể trong thành viên hội đồng thẩm định lỡ có ai đi công tác nước ngoài chẳng hạn, hay hồ sơ không đầy đủ…thế là lại phải chờ. Các doanh nghiệp cho biết, nhiều lúc, để xin được tờ giấy phép phải mất từ 3 tháng đến nửa năm và lúc đó nếu so với chu kỳ vòng đời một game online hiện nay, có phép xong game đã đóng cửa.

Xin được phép đã khó, nhưng nếu doanh nghiệp không cẩn thận cũng rất dễ bị thu hồi giấy phép, bởi chỉ cần 2 lần vi phạm liên tiếp trong 1 năm, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ game G1.

Bên cạnh đó, một yêu cầu cũng sẽ là “thách thức” không nhỏ cho các doanh nghiệp, khi họ phải lưu trữ đầy đủ thông tin cá nhân của người chơi bao gồm: Họ và tên, địa chỉ, số điện thoại, số, ngày cấp và nơi cấp chứng minh thư nhân dân trong thời gian tối thiểu 2 năm, kể từ ngày người chơi đăng kí.

Tiêu chí phân loại game chặt chẽ hơn

Sẽ không còn những tiêu chí mang tính ước chừng như trước đây, mà tiêu chí phân loại game trong dự thảo thông tư mới quy định về trò chơi điện tử trên mạng, cũng trở nên cụ thể và chặt chẽ hơn. Các tiêu chí về độ tuổi được đưa ra cụ thể và doanh nghiệp phải dựa vào tiêu chí đó để tự phân loại game của mình, sau đó bắt buộc phải gắn cảnh báo về độ tuổi chơi game vào ngay chính game để người chơi được biết.

Đáng chú ý, những trò chơi mang tính kích động bạo lực, xuyên tạc lịch sử, kích thích dâm ô, ghê rợn, hành động tự tử, sử dụng chất kích thích, khủng bố, ngược đãi, xâm hại trẻ em… cũng bị cấm hoàn toàn trong game online. Điều đó có nghĩa, một số trò chơi như game bắn súng hiện nay trên thị trường, sẽ rất khó được cấp phép, nếu không có những điều chỉnh về nội dung, hình ảnh trong thời gian tới.

Có một điều thực tế, tại dự thảo lần này, vẫn chưa đưa ra được các phương án để quản lý việc game thủ chơi được các game có máy chủ ở nước ngoài, của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp vào thị trường trong nước. Một điều đã được các doanh nghiệp trong nước đặt vấn đề từ lâu, nhưng đến nay vẫn bị bỏ ngỏ.

Điều này có nghĩa, doanh nghiệp trong nước vẫn bị thiệt, trong khi họ chịu rất nhiều chế tài trong việc kinh doanh game online của mình, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn vô tư cung cấp game cho người chơi mà không bị ràng buộc nào.

Về việc này nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã “hiến kế” phương án quản lý cho cơ quan chức năng, cụ thể họ cho rằng, cơ quan chức năng chỉ cần chặn các cổng thanh toán vào game, lúc đó doanh nghiệp nước ngoài không thu được lợi nhuận sẽ tự rút lui. Tuy nhiên, để thực hiện được vấn đề này cũng rất nhiều thách thức, bởi lúc đó trách nhiệm không chỉ còn một mình Bộ Thông tin và Truyền thông, mà còn liên quan đến rất nhiều cơ quan ban ngành khác.

Theo ICTnews

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang