Năng suất chất lượng: Chìa khóa vượt qua khủng hoảng

author 14:42 20/12/2012

(VietQ.vn) - Tăng năng suất và chất lượng chỉ có được khi doanh nghiệp sử dụng hiệu quả các nguồn lực, giảm lãng phí và giảm giá thành sản phẩm.

Cải tiến năng suất chất lượng để nâng cao hoạt động kinh doanh

Theo ông Ngô Quý Việt – Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), năng suất và chất lượng là một trong các yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng nền kinh tế của nước ta. Tăng năng suất và chất lượng chỉ có được khi doanh nghiệp sử dụng hiệu quả các nguồn lực, giảm lãng phí và giảm giá thành sản phẩm. Đây là những yếu tố cấu thành quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Trước những khó khăn và thách thức do tác động của khủng hoảng kinh tế trong thời gian gần đây, vấn đề cải tiến năng suất chất lượng càng trở nên cần thiết và cấp bách đối với doanh nghiệp trong việc thúc đẩy đổi mới quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ, tập trung nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng để có thể duy trì và tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ đã triển khai hàng loạt các chính sách và các biện pháp cần thiết. Trong đó các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến và công cụ cải tiến năng suất chất lượng là một trong những giải pháp cần thiết và mang lại hiệu quả thiết thực đối doanh nghiệp trong tình hình hiện này.

Nhiều doanh nghiệp đã biết coi trọng công tác năng suất chất lượng

Yếu tố lãnh đạo quyết định sự thành công

Tại Diễn đàn Năng suất Chất lượng lần thứ 17 (P&Q 17) vừa diễn ra tại Hà Nội, lấy ví dụ về sự tăng trưởng hiệu quả và thành công, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Năng suất Việt Nam (VPC) cho biết, vào thời điểm 1998, hãng máy bay Boeing cần tới 71 ngày để lắp ráp máy bay Boeing 777, nhưng đến nay, hãng này chỉ mất có 37 ngày để lắp ráp loại máy bay này. Thời gian lắp ráo máy bay 737 của hãng cũng đã được rút ngắn, từ 20 ngày xuống còn 11 ngày như hiện nay.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao doanh nghiệp có thể rút ngắn được quãng thời gian sản xuất? Sản xuất tinh gọn, năng suất lao động cao, giảm lãng phí thời gian, công sức đáng kể như vậy? Đó là nỗ lực trong sáng tạo, năng động trong quản lý, năng động trong cải tiến các biện pháp năng suất, chất lượng sản phẩm hay hãng Boeing đã được “ăn lộc” của trời để có thể hóa phép, rút ngắn thời gian, công sức trong sản xuất đến vậy?

“Bí quyết của hãng này là ra khỏi nơi làm việc, nghĩ khác về những điều đã biết và thử cách mới khi giải quyết các nút thắt cổ chai và các vấn đề gặp phải. Khai thác từ các ý tưởng hay những khái niệm xa vời va thảo luận nhóm cho đến khi chúng trở thành có ý nghĩa. Kiên trì đến cùng cho đến khi vấn đề được giải quyết. Đặc biệt, trong các quá trình loay hoay, tìm tòi sự phát triển đó, lãnh đão đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy và tạo điều kiện để tìm kiếm và thực hiện các ý tưởng cải tiến” ông Nguyễn Anh Tuấn nói. 

Các công cụ nâng cao năng suất chất lượng đang được tăng cường đưa vào áp dụng trong doanh nghiệp Việt Nam
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc VPC, thời gian qua, các công cụ nâng cao năng suất chất lượng đang được tăng cường đưa vào áp dụng trong doanh nghiệp Việt Nam

Ở một quy mô rộng hơn, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa – Giám đốc Chiến lược của Tập đoàn FBT cho biết, trên thế giới có những trung tâm kinh tế, chính trị toàn cầu như Hong Kong, Dubai (United Arab Emirates), Jerusalem (Israel), Geneva (Thụy Sỹ), Singapore… không hẳn đã có nhiều lợi thế về địa chính trị, lịch sử, xã hội hơn Sài Gòn, Hà Nội của Việt Nam mà chủ yếu là do họ có những chiến lược định vị trung tâm rất đúng đắn, tầm nhìn dài hạn.

"Khi tất cả các vec - tơ tương tác trong các mối quan hệ toàn cầu từ các dòng tiền của giới đầu tư vào những vấn đề kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như khoa học công nghệ, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, chuỗi phân phối, du lịch, dịch vụ, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, sáng tạo… cho đến cả các đầu mối quan hệ trong những vấn đề toàn cầu như khủng hoảng năng lượng, lương thực, chiến tranh, hòa bình, y tế, biến đổi khí hậu, môi trường đều ảnh hưởng đến Việt Nam. Khi đó Việt Nam sẽ hùng mạnh và an toàn hơn bao giờ hết. Chỉ khi nào chúng ta ý thức được điều đó và dám đề ra một chiến lược cụ thể để định vị Việt Nam trở thành một trung tâm quan trọng của thế giới, khi đó đất nước mới có thể ngẩng cao đầu và thật sự thoải mái ra khỏi kiếp nô lệ từ trong tư duy, tiềm thức của dân tộc", ông Hòa nói.

Trên thực tế, những vấn đề năng suất, chất lượng ở Việt Nam đang chịu rất nhiều sức ép từ khủng hoảng kinh tế chung và những hạn chế trong nội tại nền kinh tế.

PGS. TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, chỉ trong 2 năm 2011 – 2012, nước ta đã có khoảng 100.000 doanh nghiệp đóng cửa và phá sản, chiếm 50% số doanh nghiệp đóng cửa và phá sản kể từ bắt đầu đổi mới đến nay. Số doanh nghiệp còn hoạt động khoảng 470.000, giảm 20 – 30% công suất tương đương đóng cửa 90.000 – 150.000 doanh nghiệp. Số lao động mất việc làm từ số doanh nghiệp đóng cửa “quy đổi” lên tới con số hàng triệu người.

Một điều cũng đáng chú ý nữa đối với nền kinh tế Việt Nam là sự tụt hạng về năng lực cạnh tranh. Lạm phát, tiền tệ, sức sản xuất sa sút đã khiến điểm số 12 chỉ tiêu của Việt Nam giảm từ 4,3 năm 2010 xuống 4,2 rồi 4,1 năm 2011 và 2012. Chỉ trong 2 năm qua, thứ hạng của Việt Nam giảm 16 bậc, xuống hạng 75. Trong 8 nước Đông Nam Á được khảo sát, Việt Nam chỉ đứng trên Campuchia.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang