Ngăn chặn nạn vận chuyển khẩu trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ

author 15:13 11/08/2020

(VietQ.vn) - Ngày 11/8, Phòng CSGT - Công an tỉnh Đắk Lắk đã bàn giao hơn 67.000 khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ cho Cục Quản lý thị trường tỉnh này để xử lý đúng thẩm quyền.

Trước đó, khoảng 21h ngày 10/8, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột, một tổ công tác của Phòng CSGT phát hiện chiếc xe ô tải BKS 47K-7077 (do tài xế Võ Duy An, 32 tuổi, trú tại xã Cư Huê, huyện Ea Kar) chạy hướng Đắk Lắk đi Đắk Nông có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã ra tín hiệu dừng. Kiểm tra thùng xe, lực lượng chức năng phát hiện có 27 thùng cát tông, bên trong chứa 67.450 chiếc khẩu trang y tế. Tài xế An không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc của số khẩu trang trên.

Vụ vận chuyển hơn 67.000 khẩu trang không hóa đơn chứng từ. 

Bước đầu tài xế An khai nhận vận chuyển giúp số khẩu trang này cho một người em từ huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đến tỉnh Đắk Nông để tiêu thụ.

Cùng ngày, ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục QLTT Đắk Lắk xác nhận, hơn 67.000 khẩu trang nói trên đều không có nguồn gốc, xuất xứ. “Chúng tôi đã làm việc với tài xế và các đơn vị liên quan sẽ xử lý hành vi vận chuyển hàng hóa không hóa đơn chứng từ, tiêu hủy toàn bộ số khẩu trang này”, ông Toàn nói.

Trước đó, ngày 4/8, Công an thị xã Buôn Hồ phát hiện xe ô tô BKS 47B-020.04 do tài xế Nguyễn Minh Chiến (SN 1981, trú tại phường Tự An, TP.Buôn Ma Thuột) chở 50 thùng khẩu trang y tế (tương đương 2.500 hộp với 125.000 khẩu trang) được thể hiện trên bao bì nhãn hiệu FUJI MASK. Tài xế Chiến không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Lợi dụng việc giá khẩu trang và các thiết bị y tế phục vụ cho việc phòng, chống dịch bệnh tăng cao, một số đối tượng đã thu gom khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay... vận chuyển, buôn lậu qua biên giới để kiếm lời. Hành vi này của các đối tượng đã trực tiếp tác động đến mục tiêu ổn định giá cả thị trường và đời sống của nhân dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Cường - Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, trong bối cảnh hiện nay, để xuất lậu khẩu trang y tế qua cửa khẩu chính không hề đơn giản. Lý do bởi cả Việt Nam và Campuchia đã siết chặt quản lý nhằm chống dịch, tuy nhiên, tình trạng vận chuyển hàng lậu qua đường mòn, lối mở vẫn có thể xảy ra do mức phạt xử hành chính cho trường hợp xuất lậu khẩu trang y tế tối đa chỉ 60 triệu đồng.

Theo quy định, khi lô hàng buôn lậu có trị giá 100-300 triệu đồng mới xem xét xử lý hình sự nhưng cái khó hiện nay là không dễ để xác định giá trị hàng bởi nếu theo giá quy định thì rất thấp, còn theo giá thị trường thì không dễ.

Chính vì điều này, người dân nên bình tĩnh, cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội của một số đối tượng nhằm mục đích tạo ra tình trạng khan hiếm giả, phục vụ việc đầu cơ, găm hàng, trục lợi. Người dân nên chọn mua bán các sản phẩm y tế tại các cơ sở, cửa hàng được cấp phép, có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Hà My

Cảnh báo hiện tượng nhập lậu hương nhang vào thị trường Ấn Độ(VietQ.vn) - Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cảnh báo các doanh nghiệp trên địa bàn có quan hệ thương mại với Ấn Độ trong lĩnh vực hương nhang cần cẩn trọng trong giao dịch...
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang