video hot

Nón làng Chuông bán đâu hết đấy nhưng người dân vẫn chưa ‘đổi đời’

06:00 19/06/2017

Vietq.vn - (VietQ.vn) - Nón làng Chuông nổi tiếng gần xa, làm đến đâu đều bán hết nhưng nghề truyền thống này không mang lại nguồn thu nhập cao cho những người dân trong vùng.

Nón lá là một trong đồ vật không thể thiếu trong đời sống của người phụ nữ Việt Nam từ xa xưa, đặc biệt là những người phụ nữ nông dân. Chiếc nón lá che mưa che nắng theo người dân ra đồng cày cấy sớm hôm, chiếc nón cùng tà áo dài tôn vinh vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt.

Cứ thế, nón lá là một biểu tượng quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam, đến nay đã được nhiều nước trên thế giới biết đến và trở thành một trong những món đồ lưu niệm cho du khách nước ngoài.

Nón làng Chuông nổi tiếng xa gần

Ở miền Trung, nếu nón Huế nức tiếng một vùng rộng lớn thì ngoài Bắc, những chiếc nón làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội) cũng nổi tiếng chẳng kém. Người làng Chuông qua bao thế hệ đã gắn bó với nghề làm nón khéo léo và tỉ mẩn để che mưa che nắng cho biết bao người dân xứ Bắc.

Làng Chuông nổi tiếng với nghề làm nón lá truyền thống

Làng Chuông nổi tiếng với nghề làm nón lá truyền thống 

Tuy không phải là vùng duy nhất của miền Bắc làm nón nhưng nón làng Chuông nổi tiếng khắp nơi, thậm chí còn được giới thiệu ra thế giới vì nơi đây đã sản sinh ra nhiều thế hệ thợ thủ công khéo léo nhất. Bởi vậy, so với những chiếc nón xuất xứ từ các làng quê khác, nón làng Chuông vẫn nổi bật lên với những đường khâu đều tăm tắp, khung nón tròn đều và vô cùng chắc chắn. Đây chính là điều khiến người làng Chuông tự hào hàng thế kỉ nay.

Chính vì vậy, từ nửa sau thế kỉ XX, nón làng Chuông đã được các tiểu thương xa gần tìm đến để nhập về, bán tại các khu chợ nhỏ khắp các làng quê. Cô Dương Thị Quế (Vĩnh Phúc) kể rằng trong những năm 80 của thế kỉ trước, khi bán hàng trong mô hình hợp tác xã, cô thường đạp xe cả ngày để đến làng Chuông lấy nón về bán. Tuy lúc bấy giờ, cũng có người gợi ý cô đến Phúc Thọ (Hà Nội) để nhập hàng nhưng vì tin tưởng vào chất lượng ở nón làng Chuông nên cô vẫn duy trì việc đến đây lấy hàng cho đến tận bây giờ, sau nhiều năm mô hình hợp tác xã tan rã.

Nhiều người làm nón lâu năm tại ngôi làng ven sông Đáy này đều kể lại rằng, nghề làm nón có từ rất lâu rồi, không ai còn nhớ chính xác nữa nhưng nghề được phát triển mạnh mẽ nhờ nghệ nhân làm nón Hai Cát. Nhờ sự cần mẫn và những đôi bàn tay tài hoa, những chiếc nón làng Chuông được sản xuất ngày một nhiều hơn và được ưa chuộng hơn. Cứ thế, “tiếng lành đồn xa”, nón làng Chuông đã trở thành một thương hiệu khiến rất nhiều người dân ở vùng quê này tự hào.

Nón làng Chuông bền đẹp đã tạo nên thương hiệu cho sản sản phẩm này

Nón làng Chuông bền đẹp đã tạo nên thương hiệu cho sản sản phẩm này 

Giữ nghề truyền thống nhưng làm nón vẫn chỉ là ‘việc phụ’

Về thăm làng Chuông vào một ngày hè nắng chói, nhóm phóng viên Vietq.vn bắt gặp một vài người dân trong làng đang phơi lá nón trên đê. Dạo quanh một vòng xung quanh làng, rải rác khắp các con ngõ ngắn dài là một vài người có tuổi được lúc nông nhàn cùng các em nhỏ rảnh rỗi ngày hè đang cùng nhau đan nón, chiếc to chiếc nhỏ.

Hiện nay, nghề làm nón vẫn được duy trì và phát huy nhưng trung bình mỗi ngày, một người khâu nón thành thạo nghề chỉ làm được từ 1 – 2 chiếc nón hoàn chỉnh nên số lượng nón làm ra không nhiều. Các bà các mẹ dạy các em nhỏ, cùng phối hợp với nhau, làm xong đến đâu sẽ mang ra chợ đổ buôn cho một vài người chuyên thu mua nón để phân phối đến các vùng.

Là một nghề thủ công truyền thống lại có công đoạn cầu kì, phức tạp, giá của một chiếc nón tùy chất lượng khác nhau có mức giá dao động từ 30.000 - 150.000 đồng nên số tiền lãi thu được qua mỗi sản phẩm là không nhiều so với các ngành nghề khác. Vì thế, cả làng Chuông không còn làm nón nhiều như trước nữa khi có rất nhiều công việc mang lại mức thu nhập cao hơn cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Hoa – một người phụ nữ làng Chuông tâm sự: “Do không có việc làm ổn định như mọi người nên tôi vừa trông xe ở chợ vừa đan nón kiếm thêm. Làm nón không thể trở thành nghề chính được”.  

Người già và trẻ em là những người làm nón chủ yếu của làng Chuông

Người già và trẻ em là những người làm nón chủ yếu ở làng Chuông 

Hơn nữa, việc làm nón cũng phải “trông chờ” ở thời tiết. Ông Đoàn, một người làm nón Chuông lâu năm cho hay, trời phải nắng vàng ươm thì lá nón phơi mới đẹp để làm nón được, nắng to quá thì lá cháy mà nắng nhỏ hay râm mát thì lá không khô và trắng. Sự phụ thuộc này khiến cho công việc của người làng Chuông đang giữ nghề truyền thống không thể thực hiện liên tục được.

Vì thế, ngoài một vài gia đình xây dựng được mô hình làm nón có quy mô và thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm học làm nón thì đa phần, các hộ gia đình ở đây đều làm nón theo nếp nhà từ xưa để lại, vừa là cách để mua vui trong lúc nông nhàn, vừa là công việc phụ trợ giúp các bà các mẹ có thêm nguồn thu nhập nhỏ để phục vụ cho các sinh hoạt trong gia đình.

Tuy là làng nghề truyền thống nức tiếng gần xa, thu hút sự quan tâm của nhiều khách du lịch trong vài năm nay nhưng kinh tế của những người làng Chuông đang theo nghề làm nón vẫn không có sự thay đổi rõ rệt. Có thể nhận thấy, sự manh mún, nhỏ lẻ đã phần nào hạn chế sự phát triển của nón làng Chuông nói riêng và kinh tế của làng nói chung.

Chụp ảnh chân dung chủ SIM: Khách hàng phản ứng, nhà mạng 'méo mặt'(VietQ.vn) - Việc nhà mạng phải cập nhật ảnh chân dung của tất cả thuê bao di động đang sử dụng dịch vụ và thuê bao hòa mạng mới theo Nghị định số 49/2017 không hề dễ dàng.

Thùy Lăng 

video liên quan

Cảnh báo

Khoa học công nghệ

Khởi nghiệp

Đời sống

Pháp luật

Tiêu dùng

thương hiệu doanh nghiệp

Về đầu trang