Ông Khuất Việt Hùng: Không thể 'thả rông' kinh doanh mũ bảo hiểm

authorDương Phương Ngọc 11:50 08/07/2016

(VietQ.vn) - Theo PCT Ủy ban ATGT Quốc Gia ông Khuất Việt Hùng, cần xử lý những hành vi vi phạm sớm trước khi mũ bảo hiểm đưa ra bày bán tràn lan như hiện nay.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

LTS: Từ nhiều năm nay, dù lực lượng chức năng cùng vào cuộc tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử phạt hành vi sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng. Tuy nhiên, cho đến nay, thị trường MBH vẫn bát nháo, MBH biến tướng xuất hiện ngày càng phổ biến tại nhiều cơ sở sản xuất, trong các cửa hàng, thậm chí, ở cả người sử dụng xe máy.

Làm thế nào để “vấn nạn” mang tên “mũ bảo hiểm rởm” được ngăn chặn, phải có biện pháp gì để thắt chặt quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh và sản xuất MBH nhằm bảo vệ người tiêu dùng, PV Chất lượng Việt Nam đã có buổi phỏng vấn ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để giải đáp những vấn đề nổi cộm trên.

Những lời 'gan ruột' của doanh nghiệp chân chính sản xuất mũ bảo hiểm.(VietQ.vn) - Tình trạng mũ bảo hiểm dỏm xuất hiện tràn lan khiến nhiều doanh nghiệp chân chính điêu đứng, doanh số bị sụt giảm nghiêm trọng...

Cần có chế tài xử lý vi phạm trong kinh doanh mũ bảo hiểm

- Thưa ông, xin ông có thể cho biết tình hình tai nạn giao thông liên quan tới mũ bảo hiểm thời gian gần đây diễn biến như thế nào?

Ông Khuất Việt Hùng: Theo số liệu của Bộ Y tế thống kê từ 40 - 50 bệnh viện lớn trên cả nước, tỷ lệ phần trăm chấn thương sọ não liên quan đến tai nạn giao thông đang diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng. Năm 2010 là 17.8%, năm 2011 là 17.3%, năm 2012 là 22.3%, năm 2013 là 25.1%. Một trong lý do dẫn đến tình trạng này là do người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn hoặc mũ giải mạo mũ bảo hiểm.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, tỷ lệ người tham gia giao thông đội mũ giả mạo mũ bảo hiểm (mũ lưỡi trai nhựa) khá cao, trung bình khoảng 20% trên cả nước, 40% tại các thành phố lớn như Hà Nội (số liệu dựa trên 2,5 triệu quan sát thực tế người tham gia giao thông trên toàn quốc).

 Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Ảnh: Internet.

- Nhìn chung dư luận đều đồng tình với việc cần phải có một Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô – xe máy. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo sợ rằng Nghị định sẽ làm phát sinh các thủ tục hành chính, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh Mũ bảo hiểm. Về vấn đề này, xin ông cho biết quan điểm của ông thế nào?

Ông Khuất Việt Hùng: Trước hết, chúng ta cần nhận thức rõ Luật giao thông đường bộ đã quy định người đi mô tô, xe máy và các phương tiện tương tự như xe máy phải đội MBH nhằm nâng cao cả khả năng phòng vệ, giảm thiệt hại về sức khoẻ, đặc biệt là giảm chấn thương đầu, khi xảy ra tai nạn giao thông.

MBH cho người đi mô tô, xe máy phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - QCVN 02:2008/BKHCN về mũ bảo hiểm mới được phép cung cấp cho người sử dụng. Đồng thời, theo quy định tại Luật Đầu tư thì sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy thuộc loại ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, hiện nay đã và đang xuất hiện rất nhiều hành vi vi phạm trong sản xuất và kinh doanh MBH. Một số cơ sở sản xuất MBH mua phụ kiện từ nhiều nguồn khác nhau để lắp ráp thành MBH, lại có những cơ sở sản xuất sản xuất cả MBH phù hợp quy chuẩn lẫn những MBH không phù hợp quy chuẩn, mũ giả có hình dạng như MBH nhưng hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu nào của quy chuẩn.

Ngoài ra, một số cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm, chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, bầy bán vỉa hè, không kinh doanh cố định, bán mũ bảo hiểm lẫn với các loại hàng hóa khác, hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng rất phổ biến, lực lượng quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát.

Trong khi đó, chưa có quy định chặt chẽ về điều kiện sản xuất kinh doanh MBH; chế tài xử lý vi phạm chưa đồng bộ, hiệu lực răn đe thấp dẫn đến các cơ sở vi phạm sẵn sàng chịu xử phạt sau đó tiếp tục lại vi phạm.

Cho đến trước ngày 1/7/2016, các quy định về sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH được quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT đến nay đã hết hiệu lực thi hành. Hơn nữa, những quy định tại Thông tư này không những thiếu những điều kiện pháp lý cần thiết để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời những quy định trong thông tư này không đưa ra những điều kiện đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chỉ đơn thuần hướng vào các quy định về sự tuân thủ quy chuẩn về chất lượng của sản phẩm cuối cùng.

Chính vì vậy, để giải quyết các bất cập trên, cần sớm có một nghị định quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh MBH yên tâm hoạt động cũng như làm căn cứ để các cơ quan chức năng thực hiện chức năng quản lý và xử lý vi phạm.

“Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để bảo vệ chính mình!”

- Sau khi các chế tài xử phạt đối với người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn (dân gian gọi là mũ rởm) theoThông tư 06 bị dừng,thì vấn nạn mũ bảo hiểm rởm lại “hoành hành” trở lại. Theo ông, làm thế nào để giảm thiểu vấn nạn này?

Ông Khuất Việt Hùng: Như tôi đã nói ở trên, trước hết ta cần có một Nghị định của Chính phủ quy định đẩy đủ, chặt chẽ, về điều kiện kinh sản xuất, kinh doanh để tạo môi trường pháp lý nghiêm minh cho các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư và phát triển thị trường mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn, chất lượng tốt.

Đồng thời, làm căn cứ pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện và đặc biệt là để thực thi công tác quản lý nhà nước và xử lý vi phạm.

Cần xử lý những hành vi vi phạm sớm trước khi mũ bảo hiểm được đưa ra bày bán. 

- Hiện tại, theo khảo sát của PV, nhiều người tiêu dùng vẫn mang nặng tư tưởng đối phó “đội MBH cho có”, chứ không đề cao việc đảm bảo an toàn trên hết cho chính bản thân mình khi tham gia giao thông. Từng chứng kiến các các trường hợp tử vong hoặc thương tật đau lòng xảy ra khi người  đi mô tô, xe máy không đội hoặc đội MBH “rởm” gặp tai nạn giao thông, ông có lời cảnh báo gì nhằm ngăn ngừa và đẩy lùi những nỗi đau này?

Ông Khuất Việt Hùng: Đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, MBH có chức năng bảo vệ vùng đầu và gần như là dụng cụ bảo vệ duy nhất đối với cơ thể khi xảy ra tai nạn.

Khi đội các loại MBH không bảo đảm chất lượng sẽ không đủ khả năng bảo vệ đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, còn với các loại mũ giả mạo MBH, không những không có chức năng bảo vệ còn có thể gây ra một số bệnh đối với da đầu hoặc làm các chấn thương nặng hơn, ví dụ khi xảy ra tai nạn, mũ sẽ bị vỡ, các mảnh nhựa vỡ có thể đâm vào đầu, gây những chấn thương nghiêm trọng.

Bởi vậy, cần phải đội MBH đạt chuẩn và phải đội đúng quy cách. Thông điệp mà Ủy ban ATGT Quốc gia muốn gửi đến người tham gia giao thông là: “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để bảo vệ chính mình!”

Trân trọng cảm ơn ông về buổi phỏng vấn này!

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang