‘Chào bán khống’ chứng nhận VietGAP, Vinacert có thể bị xử phạt thế nào?

authorDương Phương Ngọc 07:01 05/07/2016

(VietQ.vn) - Theo luật sư, ‘chào bán khống’ chứng nhận VietGAP, cả VinaCert và nhân viên có thể bị phạt với hành vi vi phạm làm giả các loại giấy tờ.

Sự kiện: Chứng nhận Hợp chuẩn Hợp Quy

VietGAP được coi là chứng chỉ niềm tin khi mua bán các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có nông sản. Tuy nhiên, mới đây, việc ngang nhiên kê khống, chào bán chứng nhận VietGap, quy trình "nhảy cóc" được tư vấn công khai đã bị phanh phui với mức giá từ 45 – 90 triệu (tùy mức độ "khai khống"), đã khiến dư luận hết sức hoang mang.

Cụ thể, chỉ cần chi tiền cùng với thủ thuật "nhảy cóc", nhân viên Công ty Cổ phần Giám định và Chứng nhận VinaCert do ông Nguyễn Hữu Dũng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, có địa chỉ tại Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội, nhân viên công ty này nói rằng sẽ có chứng nhận VietGap mà không cần tuân thủ đúng quy trình chuẩn mực của chính công ty này đưa ra.

Bị tạm dừng lưu thông 13 loại nước uống, Coca Cola nói gì?(VietQ.vn) - Coca Cola là 1 trong những ông lớn hàng đầu của làng giải khát, tuy nhiên, với những ai đam mê thích thứ nước uống này nên đọc những cảnh báo dưới đây.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho biết: VietGAP- Vietnamese Good Agricultural Practices là Quy trình (Quy phạm) thực hành sản xuất nông nghiệp tốt là các GAP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi đáp ứng tiêu chí bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe, an sinh xã hội cho người lao động.

Chứng nhận VietGAP là hoạt động đánh giá, xác nhận của tổ chức chứng nhận VietGAP đối với sản phẩm được sản xuất và/hoặc sơ chế (sản xuất/sơ chế) phù hợp với VietGAP.

Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định Vinacert trong vụ việc được phản ánh trên là một tổ chức chứng nhận VietGAP. Công ty này phải đáp ứng các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật và được cơ quan chỉ định có thẩm quyền chỉ định là tổ chức chứng nhận VietGAP.

LS Đặng Văn Cường: Hành vi của VinaCert có dấu hiệu vi phạm quy trình đánh giá sản phẩm để cấp giấy chứng nhận VietGAP. 

Việc cấp giấy chứng nhận VietGAP phải trải qua trình tự và nội dung đánh giá của tổ chức chứng nhận VietGAP. Cụ thể theo hướng dẫn tại Thông tư 48/2012- TT-BNN PTNT ngày 26 tháng 9 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất sơ chế phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt :

1. Đánh giá quá trình sản xuất theo các tiêu chí đánh giá và hướng dẫn đánh giá có trong VietGAP của từng loại sản phẩm.

Riêng đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực thủy sản; sản phẩm rau, quả, chè thuộc lĩnh vực trồng trọt; sản phẩm bò sữa, gia cầm, lợn, ong thuộc lĩnh vực chăn nuôi tiêu chí đánh giá theo Phụ lục IXA, Phụ lục IXB và Phụ lục IXC ban hành kèm theo Thông tư cho đến khi ban hành VietGAP phiên bản mới.

 2. Lấy mẫu môi trường (đất, nước, không khí), vật tư đầu vào, chất thải hoặc mẫu điển hình của sản phẩm và xác định chỉ tiêu phân tích theo quy định tại VietGAP (trong trường hợp cơ sở sản xuất không cung cấp được kết quả phân tích hoặc kết quả phân tích không phù hợp); phương pháp lấy mẫu, phương pháp thử theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định, trường hợp chưa có quy định thì theo phương pháp của phòng thử nghiệm được công nhận hoặc chỉ định.

3. Đối với cơ sở sản xuất nhiều thành viên:

a) Đánh giá hệ thống quản lý chất lượng nội bộ theo Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Đánh giá tài liệu lưu trữ;

c) Đánh giá thành viên đại diện nhóm: Số lượng thành viên đại diện nhóm được đánh giá do tổ chức chứng nhận quyết định theo từng trường hợp cụ thể nhưng tối thiểu bằng căn bậc 2 (đối với đánh giá lần đầu) hoặc tối thiểu 2/3 của căn bậc 2 (đối với đánh giá lại) hoặc tối thiểu ½ của căn bậc 2 (đối với đánh giá giám sát) của tổng số thành viên trong nhóm.

4. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 và Điều 17 của Thông tư này các tổ chức chứng nhận VietGAP xây dựng hướng dẫn chi tiết về hồ sơ đăng ký; trình tự và nội dung đánh giá, thời gian đánh giá, cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho từng sản phẩm cụ thể và thông báo cho tổ chức, cá nhân đăng ký chứng nhận VietGAP.

Tuy nhiên, theo thông tin báo chí đã đăng tải, nhân viên VinaCert cấp khống hồ sơ, có thể cấp chứng nhận khống hoàn toàn, nghĩa là không có lúa nhưng vẫn có thể được cấp chứng nhận lúa VietGap. 

Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh: Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy trình đánh giá sản phẩm để cấp giấy chứng nhận VietGAP. Theo quy định của Thông tư 48/2012- TT-BNN PTNT ngày 26 tháng 9 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất sơ chế phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt thì việc xử lý vi phạm của tổ chức chứng nhận VietGAP được quy định tại điều 20.

Theo đó, tổ chức chứng nhận VietGAP có thể bị cảnh cáo, đình chỉ hiệu lực của quyết định chỉ định, hoặc hủy bỏ quyết định chỉ định. Cụ thể:

Căn cứ kết quả giám sát hoặc kết quả kiểm tra, thanh tra, cơ quan chỉ định ra quyết định xử lý vi phạm đối với tổ chức chứng nhận VietGAP bằng các hình thức:

1. Cảnh cáo khi tổ chức chứng nhận được chỉ định có điểm không phù hợp nhưng chưa ảnh hưởng đến kết quả chứng nhận;

2. Đình chỉ hiệu lực của quyết định chỉ định trong trường hợp có điểm không phù hợp về kỹ thuật nhưng có thể khắc phục được và chưa gây hậu quả nghiêm trọng:

a) Các hành động khắc phục trong báo cáo giám sát không được thực hiện đầy đủ;

b) Không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 22 của Thông tư này;

c) Trong thời gian thực hiện các hành động khắc phục kể từ ngày quyết định đình chỉ quyết định chỉ định có hiệu lực tổ chức chứng nhận không được hoạt động chứng nhận VietGAP. Sau khi khắc phục xong phải gửi Báo cáo khắc phục về cơ quan chỉ định. Căn cứ báo cáo khắc phục cơ quan chỉ định ra quyết định cho phép tổ chức chứng nhận tiếp tục hoạt động chứng nhận; trường hợp cần thiết cơ quan chỉ định có thể tiến hành kiểm tra lại tại tổ chức chứng nhận.

3. Quyết định chỉ định bị hủy bỏ trong trường hợp sau:

a) Tổ chức chứng nhận không đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư này;

b) Tổ chức chứng nhận không trung thực, khách quan trong hoạt động đánh giá, chứng nhận.

c) Trong thời hạn ít nhất 01 (một) năm kể từ ngày Quyết định chỉ định bị hủy bỏ, tổ chức chứng nhận không được đăng ký hoạt động chứng nhận VietGAP. Tổ chức chứng nhận muốn hoạt động lại sau thời hạn trên phải thực hiện thủ tục đăng ký và đánh giá chỉ định lại theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này và phải có cam kết không tái phạm. Trường hợp tái phạm sẽ bị cấm hoạt động vĩnh viễn.

4. Trường hợp vi phạm của tổ chức chứng nhận do cơ quan kiểm tra, thanh tra phát hiện và yêu cầu xử lý thì cơ quan chỉ định phải thông báo cho cơ quan kiểm tra, thanh tra ngay sau khi ký quyết định xử lý”.

 Nếu làm khống giấy chứng nhận VietGAP, nhân viên có thể bị phạt từ 10  - 20 triệu đồng. Ảnh: Internet.

Ngoài ra, quy định tại khoản 3 điều 18 Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 6/5/2016 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, nhân viên Vinacert có thể bị xử phạt 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng hoặc Vinacert còn có thể bị xử phạt hành chính từ 20 triệu đến 40 triệu đồng (đối với tổ chức) với hành vi vi phạm làm giả các loại giấy tờ, hồ sơ xin cấp các loại giấy tờ quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu cá nhân nhân viên hoặc tổ chức này có dấu hiệu làm “khống” hồ sơ để cấp giấy chứng nhận lúa VietGAP cho khách hàng. 

Về cơ quan chỉ định và giám sát hoạt động của tổ chức chứng nhận VietGAP được quy định như sau: Tổng cục Thuỷ sản là cơ quan chỉ định và giám sát hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAP lĩnh vực thuỷ sản, Cục Trồng trọt là cơ quan chỉ định và giám sát hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAP lĩnh vực trồng trọt, Cục Chăn nuôi là cơ cơ quan chỉ định và giám sát hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAP lĩnh vực chăn nuôi.

“Trong trường hợp trên khi có thông tin cho rằng Vinacert có vi phạm trong quy trình đánh giá, cấp giấy chứng nhận lúa VietGAP thì Cục Trồng trọt cần giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động đánh giá, cấp giấy chứng nhận của Vinacert, nếu có sai phạm thì có trách nhiệm xử lý vi phạm theo quy định và thông báo cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và công bố trên website hoặc phương tiện thông tin đại chúng danh sách tổ chức chứng nhận VietGAP bị cảnh cáo, đình chỉ, hủy bỏ Quyết định chỉ định và danh sách cơ sở sản xuất bị cảnh cáo, đình chỉ, hủy bỏ Giấy chứng nhận VietGAP trong phạm vi cả nước” – LS Cường nhấn mạnh. 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang