Phá vườn bưởi Diễn để... xây nhà trọ

author 07:31 08/02/2013

(VietQ.vn) - Chỉ vì thu nhập thấp, không ít hộ gia đình trước đây nổi tiếng nghề trồng bưởi diễn đã phải chặt bỏ cây để xây nhà trọ cho thuê.

Bưởi Diễn có từ năm 920, do cụ Lý Năm, xóm Đông, thôn Đức Diễn, xã Phú Diễn(Từ Liêm, Hà Nội) trồng, từ đó, bưởi được nhân rộng trong toàn xã. Bưởi có hương vị rất thơm mát, quả hơi dẹt, màu vàng đồng và chỉ to bằng bát ăn cơm.

Mấy năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh, ngập úng, sâu bệnh, mất mùa nên diện tích bưởi bị thu hẹp và đứng trước nguy cơ “vang bóng một thời”.

Vườn bưởi Diễn xơ xác, cành khẳng khiu, khô quắt, cây còn, cây chết, cỏ dại ngập đầu người, đứng trơ trọi bên những dãy nhà trọ san sát. Khu đất trồng bưởi trước kia trên cánh đồng làng Đình Quán, Đức Diễn, Phú Diễn đang được các đơn vị thi công san lấp để xây dựng khu đô thị mới, làm cho vùng bưởi hẹp dần. Các vườn bưởi xóm Chùa, xóm Đản cũng được người dân phá bỏ thay thế vào đó là những dãy nhà trọ cho thuê mọc nên khắp nơi.
Người trồng bưởi Diễn cần sự hỗ trợ của các cấp chức năng
Người trồng bưởi Diễn cần sự hỗ trợ của các cấp chức năng
 
Ông Nguyễn Văn Vượng, làng Đình Quán (Phú Diễn, Từ Liêm) thổ lộ, trước đây nhà tôi trồng hai sào bưởi, nhưng thu hoạch từ bưởi thấp, gia đình phá vườn bưởi để kinh doanh nhà trọ, thu nhập cao hơn bưởi rất nhiều. Nhiều người có vườn bưởi nằm trong khu quy hoạch, kệ cho bưởi “ngấp ngoải” chờ nhà nước đền bù.
 
Dọc cánh đồng trồng bưởi từ Đức Diễn sang Đình Quán thi thoảng mới thấy vài người dân ở cánh đồng. Những vườn bưởi thưa thớt quả như tìm sao trời mưa. 
 
Bà Nguyễn Thị Lan, xóm Chùa, thôn Phú Diễn (Từ Liêm), chua xót, gia đình tôi trồng, gắn bó với bưởi từ những năm 1950, cả gia đình sống nhờ cây bưởi. Nay nhà nước thu hồi đất để xây khu đô thị mới, nhìn mà ngậm ngùi, tiếc quá.
 
Không chỉ có vậy, hệ thống tưới tiêu, mương máng thoát nước của xã  bị phá vỡ, san nấp, tình trạng úng ngập xảy ra thường xuyên mỗi khi mưa dào.
 
Ông Lê Duy Tân, xóm Đản, thôn Đức Diễn (Từ Liêm), thổn thức, mấy năm gần đây, hệ thống tưới tiêu trên những cánh đồng của xã rất kém, tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra, làm cho bưởi thối gốc chết dần mà cây còn sống cũng không có quả. Bưởi Diễn trồng trong làng sẽ ngon hơn bưởi trồng trên đất hai lúa.
 
Theo ông Nguyễn Văn Cương, Chủ nhiệm hợp tác xã Phú Diễn, gần đây bưởi mắc nhiều bệnh lạ, chưa có thuốc để xử lý, một phần do thời tiết thay đổi, hoa rất nhiều, tỷ lệ đậu quả kém. Trước kia, một sào bưởi thu được từ 50 – 60 triệu đồng/ sào, mấy năm nay một sào thu cao nhất chỉ gần 10 triệu đồng/sào/năm.
 
“Để trồng một sào bưởi, người dân phải chờ ít nhất ba năm mới có thu hoạch, mỗi năm một vụ. Hiệu quả thu nhập từ trồng bưởi kém, người dân chuyển sang nghề khác hoặc xây nhà trọ cho thuê”, ông Cương nói.
 
Nổi tiếng về chuyên kinh doanh giống và trồng bưởi Diễn, ông Nguyễn Xuân Ngọ (Phú Diễn), vừa phá một sào bưởi để xây 15 phòng trọ cho thuê.
 
Ông Ngọ bảo, thu nhập từ bưởi hiện nay, 10 triệu đồng/sào/năm, tính ra mỗi tháng chưa kể công chăm sóc chỉ được hơn 800 nghìn đồng.
 
Hiện nay, thương lái thu gom bưởi từ Hoài Đức, Đan Phượng (những địa phương này mua giống bưởi Diễn về trồng, nhưng đặc trưng bưởi Diễn thơm, ngon là do chất đất và kỹ thuật chăm bón tạo ra bưởi đặc sản),mang về đây, để lẫn với bưởi Phú Diễn để bán (cũng là giống bưởi Diễn nhưng trồng nơi khác sẽ không ngon bằng, bưởi được trồng tại đất Phú Diễn), càng làm cho thương hiệu bưởi Diễn phai mờ.
 
Ông  Nguyễn Đức Đường, Phó chủ tịch UBND xã Phú Diễn, cho hay, do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa của Hà Nội, đất trồng bưởi dần bị thu hẹp, từ 65 ha nay giảm còn gần 30 ha. Trước đây, xã đã có chủ trương xây dựng vùng chuyên canh trồng bưởi 50 ha và đăng ký thương hiệu độc quyền bưởi Diễn nhưng đất không còn.
 
"Chúng tôi sợ, một ngày không xa bưởi Diễn sẽ có số phận giống như húng Láng, đào Nhật Tân sẽ chỉ còn là dĩ vãng", ông Đường trăn trở.

Dương Vũ
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang