Quản lý vàng trang sức: Không thể có thị trường "hơi" minh bạch

author 14:00 16/06/2014

(VietQ.vn) - "Chỉ có lộ trình từ không minh bạch tới minh bạch, chứ không thể có lộ trình từ không minh bạch tới “hơi” minh bạch rồi mới minh bạch!"

Sự kiện: GIÁ VÀNG HÔM NAY

Đó là quan điểm cơ quan quản lý khi triển khai Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường (Thông tư 22).

Tính tới thời điểm này, Thông tư 22 đã chính thức có hiệu lực được gần 20 ngày (từ 1/6)song theo ghi nhận trên thị trường, hầu hết các DN kinh doanh, sản xuất vàng trang sức, khi được hỏi đều trả lời chưa biết hoặc mới chỉ… “nghe nói ở đâu đó”!?

Thực trạng trên thật khó hiểu khi Thông tư 22 được ký ban hành từ ngày 26/9/2013 nhưng ngay từ khi xây dựng, Bộ KH-CN đã tính đến thời gian cần thiết và lộ trình thích hợp để các Doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ có đủ thời gian để thực hiện theo các quy định mới. Do đó, hiệu lực của Thông tư đã được xác định là sau khoảng 8 tháng kể từ khi ký ban hành.

Đó là chưa kể tinh thần của Thông tư trên đều đã được thể hiện tại Nghị định 24 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, được phê duyệt từ tháng 4/2012.

DN kinh doanh vàng trang sức chưa biết hay cố tình biết mà không thực hiện Thông tư 22?

Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam: Thông tư 22 là một bước đi tích cực, góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

“Từ khi Thông tư  22 có hiệu lực tới nay, thị trường vàng trang sức khá tĩnh lặng, chưa có thay đổi lớn về lượng giao dịch. Chúng tôi đang tổng hợp ý kiến phản hồi của đại diện DN kinh doanh vàng trang sức trên cả nước”, ông Đinh Nho Bảng cho biết.

Vị Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cũng kiến nghị Chi cục Tiêu chuẩn chất lượng tại các địa phương nên cử các đoàn điều tra thị trường, tiếp cận và lắng nghe ý kiến DN, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh vàng trang sức.

“Trước một văn bản quy phạm pháp luật bao giờ cũng có nhiều ý kiến phản hồi. Tuy nhiên ý kiến nào mang tính lợi ích cục bộ thì nhất định phải loại bỏ song ngược lại những kiến nghị giúp cho thị trường phát triển, giúp chính sách có sức sống đi vào thực tiễn thì chúng ta nên lắng nghe suy xét sửa đổi nếu thực sự cần thiết”, ông Đinh Nho Bảng nói.

Về phía cơ quan quản lý, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH-CN), khẳng định: Bản chất của Thông tư không phải siết chặt mà là để minh bạch thị trường kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, để người tiêu dùng dễ dàng xác định giá trị món hàng khi họ mua có đúng đồng tiền bỏ ra hay không.

Trước ý kiến, cần nới thêm thời gian xử phạt để DN thay đổi dần kịp đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng, đo lường vàng trang sức, ông Trần Văn Vinh bày tỏ quan điểm: “Chỉ có lộ trình từ không minh bạch tới minh bạch, chứ không thể có lộ trình từ không minh bạch tới “hơi” minh bạch rồi mới minh bạch!

Tôi khẳng định, Thông tư 22 ra đời về mặt tổng thể không hề ảnh hưởng, nếu có thì cũng chỉ thay đổi theo hướng DN sẽ phải trả lại giá trị chênh lệch từ tuổi vàng cho phía cho người tiêu dùng. Không thể để người tiêu dùng phải gánh thay DN phần thua thiệt trong khâu sản xuất”.

Theo ông Trần Văn Vinh,  trong thời gian tới công việc quan trọng của cơ quan quản lý là phải tiếp tục tuyên truyền để người tiêu dùng và cả DN biết, hiểu và thực thi theo quy định pháp luật. Mặt khác cũng cần tăng cường chấn chỉnh trường hợp biết nhưng vẫn cố tình không thực hiện.

“Sau một thời gian nhất định, chúng tôi sẽ tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra thị trường vàng trang sức. Nếu phát hiện sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh. Nhiệm vụ này đã được giao cho các chi cục quản lý địa phương thực hiện chủ động thường xuyên.

Một văn bản quy phạm được ban hành chắc chắn sẽ có 2 chiều tác động, nhưng phải thống nhất theo mục đích quản lý của Nhà nước. Một khi đã được phê duyệt, quy định của pháp luật đương nhiên có hiệu lực thực thi. Với trách nhiệm quản lý được giao, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến có liên quan, phân tích thêm tình hình không thể quá cứng nhắc nhưng cũng không thể nới lỏng. Trong trường hợp cần thiết, sẽ nghiên cứu thay đổi để văn bản pháp luật dễ đi vào đời sống thực tiễn”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng nói.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang