Sĩ tử mê muội bói toán trước mùa thi đại học 2014

author 15:55 12/06/2014

(VietQ.vn) - Mùa thi đại học 2014 sắp đến, bên cạnh việc miệt mài kinh sử, nhiều sĩ tử còn tin vào yếu tố tâm linh khi tìm đến các đền chùa nổi tiếng thiêng liêng trong việc thi cử, đỗ đạt hay thậm chí là những trò mê tín dị đoan.

Sự kiện:

Đền chùa tấp nập mùa thi đại học 2014

Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô đánh giá, cũng như mọi năm, Văn Miếu Quốc Tử Giám là nơi thí sinh đến nhiều nhất trong mùa thi đại học 2014 năm nay. Bởi lẽ, đây không chỉ là trường đại học đầu tiên của nước ta, nơi khắc bia ghi tên tuổi, thành tích của các vị khoa bảng xưa kia mà còn là nơi thờ “Vạn thế sư biểu” Khổng Tử và “Người thầy muôn đời” Chu Văn An. Ngoài ra, chùa Láng, nơi gần các trường đại học Ngoại thương, Học viện Quan hệ Quốc tế cũng thu hút rất nhiều các bạn trẻ đến cầu may được có tên trong danh sách tân sinh viên của các trường này năm nay. 

Trên các diễn đàn, nhiều sĩ tử mùa thi đại học 2014 lập hẳn chủ đề để hỏi xem nên đến đền, chùa nào cầu thì “hiệu quả nhất”. Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ Thủ Đô, một thí sinh cho biết, ở thôn Dương Tử, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, Hà Nội có một ngôi đền tên Quán Thi vô cùng thiêng liêng, thu hút đông đảo sĩ tử trong và ngoài vùng đến cầu xin đỗ đạt. Ngoài ra, theo tin tức truyền tai trong các bạn học sinh, chùa Hà, Tổ đình Phúc Khánh, (gần cầu vượt Ngã tư Sở) hay chùa Quán Sứ cũng nổi tiếng về cầu công danh học tập.

 

Sĩ tử mê muội bói toán trước kỳ thi đại học 2014

Thí sinh thi đại học 2014 thường đến Văn Miếu Quốc Tử Giám cầu đỗ đạt

Rất nhiều thí sinh học lực chỉ ở mức trung bình thường xuyên đến những ngôi đền, chùa này cầu khấn, thậm chí "mặc cả" với thánh thần rằng đỗ đạt sẽ cung tiến hậu hĩnh đã làm nhiễu loạn chốn cửa thiền. Đặc biệt, hành động sờ đầu rùa đến nhẵn bóng, chen chân, cầu khấn hỗn loạn ở Văn Miếu mỗi mùa thi đến còn gây nên sự phản cảm đáng báo động.

Tuy nhiên, xét theo một khái cạnh khác, việc sĩ tử thành tâm đến những nơi nổi tiếng thiêng liêng, đặc biệt trong việc thi cử đỗ đạt để cầu nguyện không chỉ là hình thức mê tín dị đoan. Nhìn rộng ra, đó là một hành động thể hiện quyết tâm thi đỗ, bõ công học hành đèn sách nhiều năm. Nhất là khi hướng tới những bậc hiền nhân, những bậc thầy khoa cử, đó còn là một cách "tôn sư trọng đạo", đề cao việc học hành, chữ nghĩa. 

Bói toán “ăn nên làm ra” mùa thi đại học 2014

Cứ đến gần mùa thi là những nơi xem bói lại được dịp nghi ngút khói hương và tấp nập phụ huynh học sinh và sĩ tử đến cầu khấn hay xem quẻ. Chỉ cần bỏ chút thời gian nghe ngóng thông tin từ các bà, các chị là các thí sinh hoàn toàn có thể tự tạo một danh sách “những chỗ bói linh nhất định phải đi” trước khi tham gia kỳ thi đại học 2014. Nhiều cô cậu học sinh tuy không mấy tin nhưng cũng tặc lưỡi theo bạn bè xem cho có hay bị cha mẹ ép phải đi.

Thí sinh đến cầu khấn ở nhà những “thầy bói cao tay” hầu hết đều nhận được lời phán như đinh đóng cột: “Tình hình này, không cẩn thận là trượt chắc! Tuy nhiên, nếu cố gắng thì vẫn có thể xoay chuyển tình thế.” Nghe vậy, phụ huynh và thí sinh đều toát mồ hôi hột mong thầy cứu giúp bất kể phải tốn kém bao nhiêu. Cách “biến trượt thành đỗ” của mỗi thầy lại khác, từ đặt lễ khấn “đấng thiêng liêng”, mua bùa về dán, đeo đến đốt bùa chú rồi hòa nước uống mỗi ngày. Tuy nhiên cách nào cũng phải cần đến khoản tiền không nhỏ từ vài trăm nghìn đến cả vài triệu bạc. Ấy vậy mà những nơi mê tín dị đoan này lại luôn đông nghịt bóng áo trắng đến đặt lễ và xem bói.

 

Sĩ tử mê muội bói toán trước kỳ thi đại học 2014

Nhiều sĩ tử kỳ thi đại học 2014 gửi trọn niềm tin vào những trò mê tín dị đoan với hy vọng “cá chép hóa rồng” thay vì tập trung vào học tập

Bên cạnh những sĩ tử sức học yếu kém, nhiều em học sinh tuy lực học chắc, thi thử luôn đạt điểm cao nhưng cũng mang tâm lý “học tài thi phận”, không tiếc thời gian và tiền bạc. Chia sẻ với báo Vietnamplus, một phụ huynh học sinh trải lòng: “Học hành là một chuyện, vận số lại là chuyện khác. Nếu đã không biết thì thôi, nhưng bây giờ nghe thầy nói thế rồi, nhất định phải làm để sau này, giả sử có gì không may xảy ra, mình cũng đỡ hối hận. Các cụ vẫn bảo "có thờ có thiêng" đấy thôi.” Ôm tâm lý này, thay vì bỏ thời gian học tập và có kế hoạch ôn thi hợp lý, nhiều sĩ tử chỉ chăm chăm đi xem bói ở khắp nơi và răm rắp làm theo lời thầy phán với hy vọng sẽ đỗ đạt trong kỳ thi đại học 2014

Phát biểu về vấn đề này trên Vietnamplus, nhiều giáo viên và chuyên gia giáo dục nhận định: Thí sinh đi xem bói về, phần lớn là lo lắng, mất tinh thần nếu bị phán không tốt hoặc sẽ chủ quan, lơ là học tập nếu nhận được những lời phán tốt. Dù thường xuyên nhắc nhở và kết hợp với gia đình nhằm định hướng tư tưởng cho các em nhưng cũng không thể kiểm soát được thực trạng này. Đáng buồn hơn, có những phụ huynh lại đặt nặng vấn đề mê tín này hơn là việc nhắc nhở, động viên các em học tập. Yếu tố cơ bản nhất quyết định đến kết quả thi vẫn là sự cố gắng, nỗ lực học tập của chính các em.

Minh Thùy (th)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang