Tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt

author 12:31 17/10/2014

(VietQ.vn) - Việc sản xuất dầu dừa ở nhiệt độ cao đã làm mất đi một lượng đáng kể thành phần dinh dưỡng có trong dầu, công nghệ tách dầu dừa tinh khiết không gia nhiệt có thể khắc phục nhược điểm này.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Tính ưu việt của công nghệ không gia nhiệt

Trong các dòng sản phẩm chế biến từ quả dừa, dầu dừa là một trong những sản phẩm được sản xuất và lưu thông phổ biến trên thị trường để phục vụ cho việc nấu ăn và chăm sóc sắc đẹp. Công nghệ sản xuất dầu dừa ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là từ nguồn nguyên liệu cùi dừa khô theo một số phương pháp khác nhau như ép biên, ép trục hay ép thủy lực. Sau quá trình tinh chế, loại màu và khử mùi (quá trình RBD) sẽ thu được dầu dừa thành phẩm.

 

tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt

Dầu dừa nguyên chất rất giàu các axit béo, chất chống oxy hóa và kháng các loại virus. Ảnh minh họa

Trong quá trình RBD, việc xử lý ở nhiệt độ cao (trên 200 độ C) đã làm mất đi một lượng đáng kể thành phần dinh dưỡng trong dầu như các loại vitamin, axit béo (axit lauric, palmitic, oleic...) Dầu dừa thành phẩm có màu vàng sáng, không mùi, dễ bị oxy hóa nên giá trị gia tăng của sản phẩm không cao, khả năng tiêu thụ hạn chế, chủ yếu chỉ dùng để nấu ăn.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật đã tạo ra nhiều cải tiến trong công nghệ chiết, tách dầu dừa theo hướng không sử dụng hoặc sử dụng ở giải nhiệt độ thấp để giữ được giá trị dinh dưỡng của dầu dừa. Theo đó, dầu dừa được tách trực tiếp từ cùi dừa sấy khô (sấy ở nhiệt độ thấp) và được ép ở áp suất thấp hoặc có thể được tách trực tiếp từ cùi dừa tươi, qua quá trình: Nghiền, ép, ly tâm (Công nghệ không gia nhiệt).

Dầu dừa được sản xuất theo công nghệ ly tâm được gọi là dầu dừa nguyên chất hay dầu dừa tinh khiết (VCO). Công nghệ sản xuất VCO theo phương pháp không gia nhiệt đã và đang được áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia có sản lượng dầu dừa lớn trên thế giới như Philippine, Indonesia...

Các công trình nghiên cứu khoa học đã khẳng định dầu dừa nguyên chất rất giàu các axit béo có khối lượng phân tử trung bình, điển hình là axit lauric và là nguồn cung cấp dồi dào nhiều khoáng chất, vitamin, các chất chống oxy hóa... Trong thành phần các axit béo có trong CVO, axit lauric chiếm hơn 50%, có chất lượng tương đương với sữa mẹ nên có khả năng hấp thu và tăng cường hệ miễn dịch cao. Khi vào cơ thể, axit lauric có khả năng chuyển hóa thành monolaurrin có tác dụng chống một số loại virus như SARS và HIV.

Công đoạn tách pha của công nghệ không gia nhiệt cho dầu dừa siêu hạng

Nhóm tác giả của công trình nghiên cứu đến từ Viện Ứng dụng công nghệ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết: "Trong công nghệ sản xuất dầu dừa nguyên chất bằng công nghệ không gia nhiệt, công đoạn tách pha (pha nước, pha dầu, pha rắn) có vai trò rất quan trọng quyết định tới chất lượng và hiệu suất thu nhận dầu dừa, do vậy, mục đích của nghiên cứu này nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố trong giai đoạn tách pha trên thiết bị ly tâm 3 pha để vừa thu hồi được lượng dầu lớn, vừa đảm bảo dầu dừa có được chất lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn cho phép.

Chọn giống dừa trồng tại Bến Tre, tuổi quả từ 11 - 12 tháng tuổi, thời gian lưu trữ không quá 15 ngày sau khi thu hái. Dừa nguyên liệu được tách bỏ xơ, gáo thu cơm dừa, cơm dừa được loại bỏ vỏ nâu, tiếp theo là các quá trình: rửa, băm, nghiền thô, nghiền mịn, sau đó cho qua máy ép trục xoắn để thu dịch sữa dừa. Dịch sữa dừa được lọc qua lưới lọc có kích thước lỗ từ 125 mesh thu dịch sữa dừa tinh (hàm lượng chất baoe 22%) sử dụng cho nghiên cứu.

Quá trình nghiên cứu: Sữa dừa thu được sau khi ép cùi dừa tươi từ quả dừa sẽ được tách pha đầu tiên trên thiết bị ly tâm 3 pha. Ảnh hưởng của các thông số gồm độ hòa loãng của dịch sữa, nhiệt độ dịch sữa trước khi ly tâm, tốc độ vòng quay ly tâm đã được xem xét đến.

Kết quả cho thấy, các thông số kỹ thuật của quá trình tách pha nêu trên có tác động trực tiếp đến tỷ lệ thu hồi dầu, đặc biệt là hàm ẩm của dầu. Theo đó, dịch sữa dừa được pha loãng 1,5 lần, sau đó được điều chỉnh đến nhiệt độ 45 độ C rồi cho qua thiết bị ly tâm lần 1 với tốc độ ly tâm 15.000 v/ph, lần 2 là 21.000 v/ph và lần 3 là 24.000 v/ph sẽ thu được dầu dừa.

Tỷ lệ thu hồi dầu đạt 99,92% hàm ẩm của dầu đạt 0,08%. Dầu dừa thu được sau 3 lần ly tâm được loại nước trên thiết bị cô chân không, ở độ chân không 40 mbar, thời gian 13 phút, nhiệt độ 50 độ C, sau khi lọc chân không sẽ thu được dầu dừa tinh khiết có hàm lượng tương đương với tiêu chuẩn cho phép.

Hương Giang

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang