Tai hại khi dùng ốp trang trí giá rẻ cho ô tô

author 06:57 12/06/2021

(VietQ.vn) - Hiện nay nhiều chủ xe dùng ốp trang trí cho xe ô tô tuy nhiên những phụ kiện gắn thêm này có thể âm thầm làm hư hại chiếc xe.

Sự kiện: Cảnh báo ô tô xe máy

Nhiều chủ xe hiện nay rục rịch đưa xe đến các cơ sở dịch vụ "làm đẹp" để độ thêm phụ kiện hoặc chế lại một số chi tiết. Để gắn thêm "đồ chơi" cho ô tô, phải can thiệp vào thiết kế ban đầu, có thể hỏng hóc cho xe, nguy hiểm cho người sử dụng.

Trong số đó, việc nẹp viền mạ crom, ốp trang trí để bảo vệ là việc được nhiều chủ xe làm, nhất là sau khi mua ô tô mới. Anh Lê Đức Hoàng, chủ chiếc Mazda6 tại Hà Nội, tá hỏa sau khi bóc bộ ốp hõm cửa đã lắp cách đây hơn nửa năm. Không thể ngờ là bề mặt sơn phía sau tấm ốp lại bẩn như vậy, lau thế nào cũng không sạch và lớp sơn xỉn bị màu. Nghĩ rằng ốp thêm phụ kiện này để bảo vệ cho xe mà ngờ đâu còn hại hơn.

 

Tương tự vậy, ông Chu Anh Tuấn (Hà Nội) cũng đã phải gỡ bộ ốp quây trang trí chiếc Honda CR-V mà đại lý tặng kèm khi mua xe. Những hôm đi mưa về, nước và bùn đất bắn vào các khe hở của ốp, lâu ngày tích tụ lại, rất mất vệ sinh. Chưa kể là phụ kiện gắn keo nên sau một thời gian bắt đầu bong.

Ngoài những phụ kiện trang trí bên ngoài, không ít chủ xe ốp carbon, ốp nhựa giả vân gỗ lên bệ tì tay, cánh cửa để làm đẹp nội thất chiếc xe của mình. Tuy nhiên nhiều loại phụ kiện giá rẻ sẽ để lại khoảng hở lớn sau khi lắp đặt, trở thành nơi chứa bụi bẩn. Chỉ sau khoảng vài tháng là lớp keo của những tấm ốp này giảm độ kết dính, ốp trở nên xộc xệch. Khi xe đi qua chỗ xóc thường phát ra tiếng kêu lạch cạch rất khó chịu.

Ngoài ra, nhiều chủ xe còn yêu cầu tạo hệ thống thông gió (hốc gió) làm mát động cơ và hệ thống phanh, hoặc thiết kế hốc giả cho xe "ngầu" hơn. Tuy nhiên, việc này buộc phải can thiệp vào thân vỏ xe, có thể gây bào mòn lớp sơn.

Bên cạnh đó, nhiều chủ xe cũng thường yêu cầu bọc trần bằng ni-lông, simili (chất liệu da nhân tạo) để giữ sạch trần nhưng sẽ phần nào làm giảm khoảng cao trần xe, gây ngột ngạt. Việc sử dụng ốp chén ở tay nắm cửa bằng inox để chống trầy xước cũng không cần thiết vì kim loại này cũng sẽ tác động vào lớp sơn.

Tương tự, việc gắn thêm ron viền cửa sẽ khiến lớp sơn viền cửa bị phá hủy. Hay như lót thảm chống nắng trên capo sẽ tạo điều kiện cho bụi bẩn bám vào gây mùi hôi, che lắp hộc máy lạnh, túi khí.

Đáng lưu ý, một số chủ xe yêu cầu gắn cánh gió vào cốp giúp xe lướt gió tốt hơn và tạo cảm giác như xe đua. Tuy nhiên, cánh gió lắp thêm đa phần không phù hợp với thiết kế của xe và vô tình trở thành vật cản gió, ảnh hưởng đến kết cấu cốp xe và tạo cảm giác cồng kềnh. Những chiếc xe có hiệu suất cao thường được áp dụng các giải pháp khí động học nhằm giữ cho xe bám trên mặt đất khi đang chạy ở tốc độ cao. Giải pháp đó bao gồm bộ giảm chấn không khí, ống gió đặc biệt và cánh gió. Đối với xe thông thường, gắn thêm cánh gió không giúp ích được gì mà còn gây hại.

Những hóa chất nguy hiểm 'ẩn mình' trong nước tẩy rửa nhà bếp(VietQ.vn) - Nước tẩy rửa nhà bếp hiện được nhiều chị em tin dùng tuy nhiên theo các bác sĩ, cần thận trọng trước hàng loạt hóa chất 'ẩn mình' bên trong sản phẩm này.

Các cơ sở độ xe cũng thường nhận được yêu cầu gắn thêm tủ lạnh mini để dự trữ đồ ăn, uống. Tuy nhiên, giới độ xe cho rằng thiết bị này làm xe tiêu hao nhiều nhiên liệu, tổn hại đến bình ắc quy.

Dịch vụ gắn thêm hoặc thay đổi đèn cũng được nhiều chủ xe lựa chọn. Rủi ro của việc này là nếu thợ có tay nghề yếu, đấu dây không chuẩn thì nguy cơ chập cháy có thể xảy ra, làm hư hại hệ thống điện trên xe, khiến xe báo lỗi không rõ nguyên nhân và khó khắc phục. Gắn thêm camera 360 độ, cảm biến, camera hành trình... cũng dễ gây chập điện nếu đấu nối điện không đúng kỹ thuật.

Theo chủ một trung tâm chăm sóc xe ở Hà Đông (Hà Nội), người dùng nên cân nhắc trước khi lắp các phụ kiện trang trí hay bảo vệ xe. Những món đồ giá rẻ có thể lợi bất cập hại. Trước mắt nó trông đẹp nhưng rất nhanh xuống cấp do dùng chất liệu kém chất lượng. Một số phụ kiện được các cửa hàng "vẽ" ra nhằm "moi tiền" khách hàng nhưng thực chất không có tác dụng bảo vệ.

Ông Tuấn cho rằng với những xe đã gắn mà muốn tháo ra nên sử dụng các loại dung dịch tẩy keo phù hợp, tránh dùng lực quá mức có thể làm hỏng thêm bề mặt vật liệu của xe. Nên kiểm tra những khu vực dễ đọng nước, bám bẩn sớm, tránh để lâu gây nguy cơ han gỉ, khi đó chi phí khắc phục sẽ không rẻ.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang