Tăng cường áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dệt may

author 06:36 25/11/2020

(VietQ.vn) - Trong những năm qua, ngành dệt may đã có những nỗ lực vượt bậc để vươn lên vị trí Top 3 của thị trường dệt may thế giới, trong đó không thể không kể đến các doanh nghiệp trong ngành đã đầu tư chiều sâu, áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

TS Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Ủy viên BCH Hiệp hội dệt may Việt Nam đã chia sẻ về những thành quả trong thực hiện Chương trình nâng cao NSCL cũng như định hướng của ngành dệt may trong giai đoạn tới.

Thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng (NSCL) là một trong những động lực đưa ngành dệt may phát triển với tốc độ cao trong những năm qua. Ông có thể cho bạn đọc rõ hơn về vấn đề này?

Dệt may Việt Nam là ngành sản xuất hướng về xuất khẩu là chủ yếu. Bên cạnh đó, dệt may cũng là ngành được xem là luôn phải cạnh tranh sòng phẳng với các nước có nền sản xuất dệt may lớn trên thế giới như Bangladesh, Ấn độ… Vì vậy yêu cầu bắt buộc đặt ra đối với các DN dệt may Việt Nam là phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường, an ninh, an toàn… của thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…

 TS Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

Trong vòng 10 năm trở lại đây, để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, ngành dệt may Việt Nam đã ứng dụng nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, từ đó tăng năng lực cạnh tranh. Để đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, các DN dệt may đã áp dụng phổ biến bộ tiêu chuẩn ISO9001 phiên bản 2000 và được phát triển hiện nay thành phiên bản 2015 để thiết kế hệ thống quản lý chất lượng.

Nhằm phát triển thị trường nội địa, các DN dệt may đã áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng formaldehyt; cùng những amin thơm chuyển hóa từ loại thuốc nhuộm azo trong ngành công nghiệp sản phẩm dệt may quy định tại Thông tư 21/2017/ TT-BCT và Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01:2017/BCT của Bộ Công Thương.

Bên cạnh các tiêu chuẩn trên, để khai thác thị trường châu Âu, DN dệt may Việt Nam còn phải đáp ứng Quy định Đăng ký, đánh giá, chứng nhận và hạn chế các chất hóa học (REACH) của Cộng đồng chung châu Âu - EU đang được áp dụng trong tất cả 27 nước thành viên.

Môi trường là chỉ tiêu đánh giá quan trọng của thị trường nhập khẩu, các DN dệt may Việt Nam đã áp dụng phổ biến bộ tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14000, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải QCVN 13:2008/BTNMT. Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2020, một số doanh nghiệp may Việt Nam còn sử dụng Chỉ số Higg của Hiệp hội may mặc bền vững như là công cụ tự đánh giá tác động môi trường và xã hội.

Các DN dệt may Việt Nam cũng đặc biệt chú ý tới việc áp dụng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội để đảm bảo hội nhập bền vững với các thị trường lớn trên thế giới. Các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội điển hình được áp dụng trong DN dệt may là SA8000; bộ tiêu chuẩn WRAP về chứng nhận tuân thủ trách nhiệm xã hội cho DN sản xuất trong lĩnh vực may mặc và xuất khẩu sang thị trường Mỹ; bộ tiêu chuẩn BSCI đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh của DN muốn xuất khẩu sang thị trường EU.

Tiêu chuẩn về an ninh hàng hóa (C-TPAT) khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng là một trong những tiêu chuẩn mà DN dệt may Việt Nam phải đáp ứng. Tiêu chuẩn này đòi hỏi các DN phải có hệ thống quản lý an ninh, bảo mật sản phẩm minh bạch, hiệu quả trong toàn bộ quá trình sản xuất.

Nhiều DN dệt may Việt Nam cũng đã ứng dụng hiệu quả các mô hình, kỹ thuật tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Điển hình trong số đó là mô hình sản xuất tinh gọn Lean, công cụ như cân bằng chuyền, bảo trì năng suất tổng thể (TPM), hệ thống cảnh bảo trực quan Andon, cải tiến liên tục (kaizen), tiêu chuẩn hóa thao tác (SW)…

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả thực sự mang lại cho ngành dệt may từ việc triển khai Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa?

Với việc áp dụng tích cực các kết quả từ dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ngành dệt may Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ ba trong nhóm các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã tăng 3,5 lần trong 10 năm (từ 11,2 tỷ USD vào 2010 lên 39,3 tỷ USD vào 2019). Năng suất lao động tính theo giá trị kim ngạch xuất khẩu đã tăng 1,57 lần trong giai đoạn 2010-2017 (từ 10.746 USD/người vào năm 2010 tăng lên 16.888 USD/người vào năm 2017).

Chất lượng sản phẩm dệt may Việt Nam được nhiều thị trường lớn trên thế giới như Mỹ và EU đánh giá là cao hơn đối thủ cạnh tranh chính hiện tại là Bangladesh. Chất lượng của sản phẩm dệt may Việt Nam được xếp vào mức 4 trong thang đo 5 cấp, trong khi đó Bangladesh chỉ được xếp ở mức 3 trong thang đo này. Quy mô sản xuất liên tục được mở rộng trong giai đoạn 2010-2019 với số lượng DN dệt may mới được thành lập hàng năm là 562, nâng tổng số DN dệt may từ 5.854 DN vào 2010 lên tới hơn 10.400 DN hiện tại.

Bên cạnh đó, mỗi năm trong giai đoạn 2010-2019, ngành dệt may tuyển dụng 60.000 đến 90.000 lao động mới, chủ yếu từ khu vực nông thôn, đưa tổng số lao động công nghiệp trong ngành dệt may tăng từ 1.043.039 người vào 2010 lên hơn 1,8 triệu vào năm 2019, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Theo ông, trong giai đoạn 2021 - 2030, ngành dệt may sẽ tập trung vào những giải pháp gì để tiếp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của ngành trên thị trường thế giới?

Trong thời gian tới của ngành dệt may tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu của CMCN4.0 song song với việc ứng dụng các mô hình sản xuất đã được chứng minh là hiệu quả như mô hình lean 4.0 tại các doanh nghiệp dệt may.

Nâng cao tính sẵn sàng của ngành dệt may với việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 từ 2,73/5 hiện nay lên mức 3,2 - 3,5/5, dần hình thành các nhà máy thông minh theo quy chuẩn quốc tế để thúc đẩy năng suất lao động và chất lượng sản phẩm có những đột phá trong giai đoạn tới. Thành lập các khu công nghiệp dệt may lớn trong cả nước để tập trung hình thành các chuỗi liên kết hoàn chỉnh trong ngành nhằm tận dụng lợi thế về quy mô để nâng cao năng suất lao động về giá trị trong toàn ngành.

Đặc biệt, ngành sẽ tập trung đầu tư trọng điểm cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành dệt may để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn ngành.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Kim Liên (Thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang