Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế

author 18:34 19/04/2019

(VietQ.vn) - Chiều 19/4, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Diễn đàn phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, để triển khai Quyết định 996 của Thủ tướng nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Ngày 10/8/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu định hướng phát triển cho hạ tầng đo lường, để nâng cao, đổi mới hơn nữa trong hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam.

 Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. Ảnh: Doãn Trung

Nhằm triển khai Đề án, Bộ KH&CN tổ chức “Diễn đàn phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với sự tham dự của hơn 200 đại biểu gồm lãnh đạo Bộ KH&CN, Văn phòng Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, tập đoàn, cùng đại diện của các Sở KH&CN trong cả nước.

 
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước của ngành KH&CN, thời gian qua, Bộ KH&CN đã hoàn thiện Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo lường, gồm Luật Đo lường, 02 Nghị định, 08 Thông tư và ban hành Hệ thống 298 văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam tương thích với các tổ chức đo lường quốc tế như Tổ chức đo lường pháp định quốc tế (OIML), Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), ...
 

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, đo lường là một lĩnh vực khoa học - kỹ thuật chính xác, là hoạt động không thể thiếu, có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng - Điều này đã trở thành chuẩn mực quốc tế và ở Việt Nam ta được khẳng định tại Sắc lệnh số 186/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký năm 1950.

Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; và là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. 

Diễn đàn phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: Doãn Trung

Việt Nam đã là thành viên của 04 tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường, đã tham gia một số Ban kỹ thuật/tiểu ban kỹ thuật của các tổ chức đo lường quốc tế và được quốc tế thừa nhận khả năng đo và hiệu chuẩn đối với nhiều phép đo (31) ... Đây là cơ sở pháp lý và kỹ thuật để thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Hệ thống các cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương (ở Trung ương là Bộ KH&CN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; ở địa phương là 63 Sở KH&CN và Chi cục TCĐLCL). Hệ thống các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường trên địa bàn cả nước đã được xác lập và phát triển với hơn 350 tổ chức được cấp giấy chứng nhận, trên 3000 kiểm định viên đã và đang kiểm định khoảng 32 triệu phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 bắt buộc phải kiểm định, hiệu chuẩn trên phạm vi cả nước. Những số liệu nêu trên minh chứng cho tầm quan trọng cũng như tiềm lực đã có của lĩnh vực Đo lường đối với đời sống kinh tế - xã hội của nước ta.

Cũng theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, mặc dù có nhiều tiềm lực nhưng thời gian qua, đã nêu ra những khó khăn, việc phát triển hạ tầng đo lường quốc gia còn gặp nhiều khó khăn.

 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Doãn Trung

"Mặc dù đã đạt được những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực đo lường trong những năm qua như nêu trên, chúng ta vẫn phải nhận thức hạ tầng đo lường quốc gia của Việt Nam vẫn chỉ ở mức trung bình của khu vực ASEAN; chưa bắt kịp xu thế thế giới là phát triển hạ tầng đo lường quốc gia như là một công cụ mạnh để tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; chưa đáp ứng được những yêu cầu cao của một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới, quan trong như công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông, trang thiết bị y tế công nghệ cao, logistics, …

 
Như là một giải pháp khắc phục những bất cập nêu trên, Bộ KH&CN đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996). Nhiệm vụ chính của Đề án 996 là hướng tới mục tiêu phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động của doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp; Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; Tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp.
 

Hệ thống các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 70% đến 75% yêu cầu kiểm định; một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống các hoạt động tự bảo đảm đo lường cho chính hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Năng lực sản xuất phương tiện đo, chuẩn đo lường ở trong nước còn rất hạn chế (chỉ chiếm khoảng 15% tổng số phương tiện đo, chuẩn đo lường đang sử dụng tại Việt Nam)", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay

Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng khẳng định, thời gian qua, với trọng trách là tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành những cơ chế chính sách mới thiết thực với mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, Ngành KH&CN nhận thức sâu sắc rằng doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là đối tượng chuyển hóa kết quả, thành tựu KH,CN và ĐMST thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của nền kinh tế. Chúng tôi đã và đang tập trung cải tiến, nâng cao chất lượng, năng lực đối với các công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu phục vụ doanh nghiệp như là tiểu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; công nghệ và đổi mới sáng tạo, … để phù hợp với điều kiện phát triển trong nước và tương thích với chuẩn mực quốc tế, trong đó chú trọng đến lĩnh vực Đo lường.

Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam ông Cao Xuân Quân phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Doãn Trung

"Tại diễn đàn ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phát triển hạ tầng đo lường quốc gia, từ góc nhìn thực tế về hiện trạng, cách tiếp cận vấn đề một cách khoa học; đề ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án 996 cũng như tăng cường huy động các nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng đo lường quốc gia và doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc sâu rộng hiện nay, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã chia sẻ, bàn luận về những nội dung liên quan đến các chính sách tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường phát triển hạ tầng đo lường quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, ... Các bên cũng đưa ra các nhận định về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường từ cấp quốc gia đến cấp Bộ ngành, địa phương theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.


Doãn Trung - Hán Hiển

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang