Luật sư nói gì về đề nghị truy tặng danh hiệu Liệt sỹ cho 2 'hiệp sĩ’ tử vong ở TP. Hồ Chí Minh

author 06:14 16/05/2018

(VietQ.vn) - Theo Ths, Luật sư Đặng Văn Cường, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) phải là đơn vị đứng ra làm đề nghị truy tặng danh hiệu Liệt sỹ cho hai “hiệp sĩ” bắt cướp bị tử vong.

Liên quan đến vụ nhóm “hiệp sĩ” bị tấn công khi đang vây bắt tên trộm xe SH trên đường Cách Mạng Tháng 8 khiến anh Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định, tạm trú quận Tân Bình, TP.HCM) và anh Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) tử vong. Những hiệp sĩ bị thương là anh Trần Văn Hoàng (47 tuổi, tạm trú quận Tân Bình), anh Nguyễn Đức Huy (22 tuổi, ngụ quận Tân Phú) và anh Đinh Phú Quý (22 tuổi, ngụ huyện Củ Chi).

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn), Ths, Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp Hà Nội) cho rằng: Có thể nói các “hiệp sĩ” đã có hành động rất dũng cảm để cứu tài sản của nhân dân, đấu tranh phòng chống tội phạm, là nghĩa cử cao đẹp đáng được tôn vinh.

“Xét theo quy định pháp luật thì có cơ sở công nhận 'hiệp sĩ’ tử vong khi bắt cướp là Liệt sỹ. Cụ thể, điểm đ, và điểm e, Khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng quy định: Liệt sỹ là người đã hy sinh vì sự nghiệp Cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng bằng "Tổ quốc ghi công” thuộc một trong các trường hợp sau đây: “…Đấu tranh chống tội phạm; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân…”, Luật sư Cường cho biết.

TP.HCM phải là đơn vị đứng ra làm đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sỹ cho 2 'hiệp sĩ’ tử vong

 Ths, Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp Hà Nội).

Theo luật sư Cường, cũng theo điều 17, Nghị định 31/2013/NĐ-CP hướng dẫn pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng thì: Người hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là Liệt sỹ:Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;

Như vậy, theo Điều 11, Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng và theo điều 17, Nghị định 31/2013 thì những trường hợp người dân xả thân cứu người, truy bắt tội phạm đều có thể được công nhận là Liệt sỹ.

Về hồ sơ, thủ tục công nhận liệt sĩ thì Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh có trách nhiệm xác lập, hoàn thiện các giấy tờ theo quy định gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử.

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử trong thời gian 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm: Kiểm tra, xác minh, cấp giấy báo tử và chuyển hồ sơ xác nhận liệt sĩ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra và có văn bản đề nghị kèm hồ sơ gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.

Khi nhận Bằng “Tổ quốc ghi công”, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) có trách nhiệm chuyển hồ sơ kèm Bằng “Tổ quốc ghi công” đến cơ quan đề nghị thẩm định để trả về cơ quan, đơn vị cấp giấy báo tử.

Cơ quan, đơn vị cấp giấy báo tử có trách nhiệm thông báo cho thân nhân Liệt sỹ và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thân nhân liệt sĩ cư trú tổ chức lễ truy điệu Liệt sỹ, trao Bằng “Tổ quốc ghi công”, sau đó bàn giao hồ sơ xác nhận liệt sĩ về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi gia đình Liệt sỹ cư trú để thực hiện chế độ.

Như vậy, nơi xảy ra vụ việc phải là đơn vị đứng ra làm đề nghị truy tặng danh hiệu Liệt sỹ cho các hiệp sĩ bắt cướp bị tử vong. Sau khi có xác nhận và văn bản đề nghị của cơ quan chức năng ở TP.HCM, Bộ LĐTB&XH sẽ thẩm định hồ sơ và làm các thủ tục đề nghị Thủ tướng truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho 2 'hiệp sĩ’ tử vong khi bắt cướp tại TP.HCM.

“Có thể nói, hành động của những “hiệp sĩ” đường phố xứng đáng được tôn vinh, truy tặng danh hiệu Liệt sỹ. Đấu tranh, phòng chống, bắt tội phạm là trách nhiệm của cơ quan chức năng, nếu người dân có tinh thần xả thân trong việc phòng chống tội phạm thì nên được khen thưởng”, luật sư Cường nhấn mạnh. 

Hoàng Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang