Trước đại hội cổ đông Maritime Bank: Tài sản giảm 1.000 tỷ sau kiểm toán, nóng về sở hữu cổ phần

author 16:14 17/04/2019

(VietQ.vn) - Một điểm đáng lưu ý, Maritime Bank (MSB) tới cuối năm 2018 đã dành gần 22.300 tỷ cho vay lĩnh vực bất động sản, xây dựng, chiếm tới 45,7% tổng dư nợ. Tài sản MSB cũng giảm 1.000 tỷ đồng sau kiểm toán.

Sự kiện: Góc khuất tại Ngân hàng Maritime Bank

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank, MSB) vừa công bố cáo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018. Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp theo báo cáo tự lập là 199 tỷ đồng, cao hơn 15 tỷ đồng so với báo cáo kiểm toán, dẫn tới lãi sau thuế đã kiểm toán tăng 12 tỷ đồng so với báo cáo trước đó. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) là 762 đồng.

Báo cáo tài chính được KPMG kiểm toán cũng thể hiện tổng tài sản MSB giảm 1.005 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, chủ yếu do chênh lệch ở mục "Các khoản phải thu" (11.005 - 12.010 tỷ đồng). Bên kia bảng cân đối kế toán, phần hụt đi tương ứng rơi vào mục "Các khoản phải trả và nợ khác", giảm từ 4.158 tỷ đồng về còn 3.140 tỷ đồng.

Với các tổ chức tín dụng, do quy mô tài sản rất lớn cùng đặc thù phân bố rộng nên việc chênh lệch các chỉ tiêu tài chính - kinh doanh trước và sau kiểm toán không phải chuyện hiếm. Cách đây ít hôm, báo cáo tài chính BIDV được kiểm toán bởi Ernst & Young cho thấy nợ xấu tăng tới 2.100 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Với cơ cấu tín dụng, MSB tỏ ra khá thận trọng khi tỷ lệ nợ ngắn hạn chiếm tới 51% tổng dư nợ, tăng lên so với 48% thời điểm đầu năm. Nợ trung và dài hạn chia đều 49% còn lại.

Một điểm đáng lưu ý, MSB tới cuối năm 2018 đã dành gần 22.300 tỷ đồng cho vay lĩnh vực bất động sản, xây dựng, chiếm tới 45,7% tổng dư nợ, tăng mạnh so với 40,9% cùng kỳ 2017. Đây là tỷ lệ cao nhất hiện nay trong hệ thống khoảng 30 ngân hàng đang hoạt động, vượt xa nhiều cái tên khác như VPBank (35%), LienVietPostBank (34,7%), BaoVietBank (31,5%), SCB (21%).

 
Việc ưu ái cho vay bất động sản trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang siết chặt tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao sẽ là đầu mục cần được Chủ tịch Trần Anh Tuấn cùng các cộng sự giải thích rõ hơn với cổ đông trong Đại hội thường niên sắp diễn ra vào sáng ngày 23/4 tới đây.
 

Một vấn đề không thể không quan tâm tại Đại hội sắp tới, với cổ đông Ngân hàng Quân đội (MBBank- MBB), cái tên Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam không còn lạ lẫm khi MSB đã từng là cổ đông lớn thứ 2 tại ngân hàng này, sở hữu 12,01% cổ phần, chỉ đứng sau đại cổ đông Viettel (15%). 

Thế nhưng sau đó, khi Ngân hàng Nhà nước quyết liệt xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo tại các TCTD, MSB đã dần thoái vốn khỏi MBBank, chỉ nắm giữ mức hiện tại là 3,7% cổ phần tại đây. Từ thứ hạng thứ 2, MSB đã "tụt" sở hữu xuống thứ 5. Tuy nhiên ngân hàng này vẫn nằm trong danh sách cổ đông lớn.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Maritime Bank trong cơ cấu cổ đông lớn tại Ngân hàng Quân đội cũng là câu chuyện mang lại không ít dấu hỏi, không chỉ bởi khối lượng cổ phiếu MBB quá lớn mà MSB nắm giữ. 

Maritime Bank: Ngân hàng tư nhân cỡ nhỏ, từng có nhiều tì vết lại là cổ đông hàng đầu của MBBank(VietQ.vn) - Sự góp mặt của Maritime Bank – một ngân hàng tư nhân cỡ nhỏ và từng có nhiều tì vết quá khứ tại danh sách các cổ đông hàng đầu của MB là một điều tương đối lạ lẫm.

Liên quan đến những vấn đề trên, Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) đã có một số câu hỏi gửi đến MSB xoay quanh các nội dung: Cơ cấu cổ đông, vấn đề nợ xấu, câu chuyện trả cổ tức và cho vay bất động sản... tuy nhiên dù câu hỏi được gửi từ ngày 5/4 nhưng đến hôm nay (17/4), chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía ngân hàng. Vậy có hay không việc MSB đang cố tình né cơ quan báo chí, hay có vấn đề gì đó chưa thể công khai?

Còn nữa...

An Nhiên 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang