TS. Vũ Viết Ngoạn: Phải vượt qua ‘bẫy thu nhập trung bình’ để bứt phá kinh tế Việt Nam

author 14:59 20/03/2019

(VietQ.vn) - "Giai đoạn 2021 - 2030 là giai đoạn có tính quyết định Việt Nam vượt qua ‘bẫy thu nhập trung bình’", TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

Xoay quanh vấn đề làm thế nào để tạo bứt phá cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 – 2030, TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã có những chia sẻ thực tế về vấn đề trên tại Hội thảo “Mô hình tăng trưởng Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045”.

TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tưởng Chính phủ.  

TS. Vũ Viết Ngoạn cho biết, về mục tiêu chiến lược năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao (GDP/người xấp xỉ 4.859 USD/13.5999 PPP USD) và năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập cao (GDP/người xấp xỉ 12.642 USD/35.380 PPP USD).

Giai đoạn 2021 - 2030 là giai đoạn có tính quyết định Việt Nam vượt qua ‘bẫy thu nhập trung bình’, cũng là giai đoạn bứt phá về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

TS. Ngoạn bày tỏ, phát triển phải đảm bảo tính nhanh, bền vững (ổn định vĩ mô, bảo vệ môi trường) và hài hòa (phát triển cân đối vùng, miền, dân tộc, nhóm xã hội), coi công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhân tố tạo bứt phá tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, cần tạo không gian phát triển và sức bật mới cho lực lượng sản xuất.

Mô hình của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 dựa chủ yếu vào yếu tố đầu vào không còn nhiều dư địa. Hiện, lợi thế so sánh vào thâm dụng lao động, sản xuất và xuất khẩu hàng công nghiệp chế tạo đang giảm dần. Cách mạng công nghệ mang tính đột phá tạo bước ngoặt mới buộc mọi nền kinh tế phải điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến việc các quốc gia kẹt trong ‘bẫy thu nhập trung bình’ chính là do việc chậm chuyển sang mô hình tích lũy tri thức, năng lực công nghệ. Hậu quả dẫn đến việc TFP không tăng khi vốn đầu tư giảm, hiệu quả đầu tư giảm và không vượt qua được ngưỡng chuyển tiếp công nghệ (technical turning point).

Theo ông Ngoạn, TFP chính là nhân tố quyết định thành công của kinh tế Việt Nam, trong đó, động lực tăng TFP trong kỉ nguyên kinh tế tri thức chính là đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần phải loại bỏ các méo mó thị trường và khắc phục thất bại thị trường đối với môi trường kinh doanh.

Đặc trưng cơ bản của mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2030 chính là chuyển dần từ thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn và tri thức; Chuyển dần từ lượng sang chất. Trong đó, tăng năng suất là động lực chủ đạo đóng góp tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh; Thúc đẩy công nghệ, sáng tạo, tinh thần doanh nhân chiếm vị trí trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng.

Cũng theo TS. Ngoạn, ‘khát vọng chỉ có thể đạt được nếu có tư duy đột phá và giải pháp sáng tạo’, bởi vậy, để hiện thực hóa mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 – 2030, chúng ta cần xây dựng chiến lược công nghệ với cách tiếp cận hiện đại - phương châm; Tiệm tiến và nhảy vọt. Đồng thời, xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

GS.TS Trần Đình Thiên:'Hội nhập, phải làm sao biến con kiến thành thỏ'GS.TS. Trần Đình Thiên: “Trong hội nhập, quan trọng nhất là phải làm sao biến con kiến thành con thỏ, đừng cố gắng quá nhiều trong việc tăng tốc con kiến”

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang