Ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong nông nghiệp

author 11:47 07/08/2017

(VietQ.vn) - Các nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ trong việc chọn tạo giống cây trồng đã tạo ra nhiều dòng đột biến, có giá trị, đóng góp vào phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Theo báo cáo của Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay, việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong nông nghiệp mới được triển khai 4 trong tổng số 6 lĩnh vực, bao gồm: chọn tạo giống cây trồng; nông hóa, thổ nhưỡng; bảo vệ thực vật; bảo quản và chế biến. Hai lĩnh vực còn lại về chăn nuôi, thú y và nuôi trồng thủy sản chưa có được những hoạt động triển khai cụ thể.

Chọn tạo giống đột biến đã có bước tiến đáng kể bằng việc tạo ra và đưa vào sản xuất 61 giống tính đến năm 2015, bao gồm 41 giống lúa, 9 giống đậu tương và một số giống hoa, ngô, táo, lạc… trong đó 65% được tạo ra bởi Viện Di truyền nông nghiệp.

Trong giai đoạn 2011-2015, Viện Di truyền Nông nghiệp đã triển khai thực hiện 2 đề tài nghiên cứu ứng dụng đột biến phóng xạ bằng tia gamma kết hợp với công nghệ sinh học phân tử, tạo ra được hơn 650 dòng vật liệu đột biến lúa, đậu tương và hoa cúc. Viện Cây ăn quả miền Nam đã có 2 giống nhờ xử lý chiếu xạ tia gamma được Bộ Nông nghiệp và Phát triển công nhận và cho phép trồng sản xuất thử tại các tỉnh phía Nam, đó là giống cam Sành không hạt LĐ6 và giống bưởi Đường lá cam ít hạt LĐ4.

Bên cạnh đó, Viện cũng đang có một số dòng có triển vọng từ chiếu xạ trên mầm ngủ của giống bưởi Năm roi, cam Soàn, xoài cát Hòa Lộc, nhãn Xuồng cơm vàng, thanh long ruột Đỏ LĐ1, thanh long ruột tím hồng LĐ5...Các dòng này sẽ được trồng khảo nghiệm giống phục vụ cho công tác công nhận giống mới.

GS. TS Lê Huy Hàm (phải) giới thiệu cơ sở nghiên cứu tạo giống cây trồng của Viện Di truyền nông nghiệp với Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Trần Chí Thành

Theo đánh giá của IAEA năm 2014, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống, được trao Giải thưởng thành tựu xuất sắc về đột biến tạo giống cho Viện Di truyền nông nghiệp và GS.TS. Trần Duy Quý và 02 giải thưởng về thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống cho tập thể Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam và Trung tâm hạt nhân thành phố HCM, và cho 2 cá nhân của Sở NN&PTNT Sóc Trăng.

Lĩnh vực nông hóa thổ nhưỡng đã có một số kết quả nghiên cứu bước đầu về xói mòn đất canh tác nhằm giúp cho việc xây dựng các giải pháp khắc phục, quản lý và chống thoái hóa đất. Viện Nghiên cứu hạt nhân đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan ứng dụng kỹ thuật Cesium-137 và Beryllium-7 trong nghiên cứu đánh giá xói mòn đất ở khu vực Tây Nguyên (Lâm Đồng) và Tây Bắc của Việt Nam. Ở nước ta, với diện tích 13 triệu ha đất dốc, chiếm khoảng 40% diện tích đất canh tác, tiềm năng áp dụng kỹ thuật này có thể mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm hàng trăm tấn phân bón ni tơ và phốt pho với giá trị hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, với sự hỗ trợ của IAEA, kỹ thuật tiệt sinh côn trùng (SIT) đang được các nhà khoa học tại Viện Bảo vệ thực vật - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai nghiên cứu quản lý ruồi hại quả thanh long diện rộng, nhằm nâng cao chất lượng quả, tạo điều kiện xuất khẩu quả thanh long Việt Nam vào các thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ bức xạ (Vinagamma), Viện Nghiên cứu hạt nhân đã triển khai nhiều công việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ đã tạo ra được các chế phẩm dùng trong nông nghiệp trong đó có chất kích kháng bệnh thực vật, chất giữ nước giúp điều hòa độ ẩm đất và tăng hiệu suất sử dụng phân bón, chế phẩm kích thích tăng trưởng thực vật. Viện Công nghệ xạ hiếm đã sản xuất được phân vi lượng đất hiếm dùng cho cây chè bước đầu cho kết quả tốt tại Nhà máy chè Sông Lô, tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, quy mô ứng dụng còn rất hạn chế. Do đó, cần tăng cường đầu tư, phối hợp giữa các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp để có thể tiến tới quy mô thương mại.

Nhìn chung, các nghiên cứu triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử chưa có được sự đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực tương xứng với tiềm năng và triển vọng. Một số mục tiêu đã được đặt ra trong Quy hoạch chi tiết chẳng hạn như tăng cường cơ sở vật chất, tạo ra và đưa vào sản xuất 3-4 giống đột biến cho mỗi loại cây trồng nông nghiệp hàng năm; 1-2 giống đột biến cho mỗi cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm và cây lâm nghiệp… về cơ bản còn chưa được đầu tư nguồn lực hợp lý.

Bên cạnh việc cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực tạo giống đột biến, kỹ thuật tiệt sinh côn trùng cũng cần thiết phải mở rộng thị trường xuất khẩu từ đó tạo lực kéo cho sản xuất trong nước, qua đó tạo điều kiện mở rộng quy mô ứng dụng công nghệ chiếu xạ và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong trồng trọt và xử lý sau thu hoạch.

Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang