Uống 50 viên thuốc chống trầm cảm, người phụ nữ phải nhập viện khẩn cấp

author 06:45 25/03/2021

(VietQ.vn) - Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận và điều trị thành công trường hợp một phụ nữ uống quá liều thuốc chống trầm cảm.

Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, nữ bệnh nhân kể trên năm nay 31 tuổi, có tiền sử trầm cảm và đang điều trị bằng thuốc tại nhà. Trước khi nhập viện khoảng 2 tiếng, người bệnh uống khoảng 20 viên Amitriptyline và 30 viên Sulpirit. Các loại thuốc này có tác dụng giảm lo âu, chống trầm cảm.

Sau khi uống thuốc, bệnh nhân lâm vào tình trạng lơ mơ, gọi hỏi biết nhưng chậm chạp. Gia đình nhanh chóng đưa người bệnh tới Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cấp cứu. Khi tới bệnh viện, người bệnh đã hôn mê, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành đặt ống nội khí quản, cho thở máy. Đồng thời, rửa dạ dày, dùng thuốc kiểm soát rối loạn nhịp tim cho bệnh nhân.

Sau thời gian điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, các chỉ số sức khỏe được kiểm soát. Ba ngày sau nhập viện, người bệnh tỉnh táo, nhịp tim trở lại bình thường, được chuyển sang khoa Tâm thần kinh để điều trị nội khoa. Hiện nữ bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện sau 7 ngày điều trị.

Rút kinh nghiệm từ trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, sử dụng thuốc không đúng có thể gây tác dụng phụ hoặc ngộ độc nghiêm trọng. Vì vậy, bệnh nhân cần rất thận trọng khi dùng thuốc, tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý tăng liều dùng để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Một trong hai loại thuốc giảm lo âu, chống trầm cảm mà bệnh nhân đã uống

Liên quan tới những tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm, trước đây, các nhà khoa học người Thuỵ Điển đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh nhân được điều trị bằng một loại thuốc trầm cảm phổ biến có xu hướng trở thành tội phạm bạo lực cao hơn.

Loại thuốc trầm cảm được đề cập đến là thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc trên Serotonin (SSRI). Đây là 1 trong 4 loại thuốc trầm cảm được biết đến nhiều nhất, bên cạnh tricyclics (thuốc chống trầm cảm ba vòng), MAOIs (thuốc ức chế enzyme Monoamine oxidase) và SNRIs (thuốc ức chế tái hấp thu trên Serotonin và Noradrenaline).

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí European Neuropsychopharmacology còn cho biết, tác động của xu hướng bao lực dường như vẫn sẽ tiếp tục đến 12 tuần sau khi ngừng điều trị bằng thuốc SSRI. Các tác giả lưu ý rằng bài báo của họ chỉ đưa ra mối liên hệ giữa thuốc trầm cảm và sự bạo lực hoá, chứ không kết luận đó là hậu quả khi sử dụng thuốc. Họ cũng không yêu cầu bệnh nhân đang được điều trị nên thận trọng.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi hồ sơ của 785.337 người từ 15 đến 60 tuổi được kê đơn sử dụng SSRI ở Thụy Điển từ năm 2006 đến 2013, bao gồm các giai đoạn cả khi có và không dùng thuốc. Những người tham gia nghiên cứu được phát hiện đã gây ra 6306 trường hợp bạo lực khi sử dụng SSRI và 25.897 khi không dùng thuốc.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nguy cơ người dùng thuốc phạm tội bạo lực cao hơn trung bình 26% trong các giai đoạn sử dụng SSRI so với thời gian họ không dùng. Bên cạnh đó, chỉ có dưới 3% số bệnh nhân tham gia nghiên cứu tiếp tục phạm tội bạo lực bất kể thời gian điều trị. Nguy cơ có xu hướng bạo lực gia tăng kéo dài đến 12 tuần sau khi kết thúc sử dụng SSRI, sau đó giảm trở lại mức trước khi bắt đầu điều trị.

Bảo An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang