Dù đã được cảnh báo, vì sao nhiều người vẫn bị ngộ độc nấm rừng

authorKhánh Mai 15:00 24/02/2023

(VietQ.vn) - Bộ Y tế thường cảnh báo không nên ăn các loại nấm rừng không rõ chủng loại, tuy nhiên hằng năm vẫn có nhiều trường hợp bị ngộ độc dẫn tới những cái chết thương tâm vì những lí do chủ quan.

Hiện nay, mặc dù được Bộ Y tế cảnh báo liên tục, tuy nhiên hàng năm vẫn có nhiều trường hợp bị ngộ độc do ăn phải các loại nấm rừng không rõ chủng loại, dẫn tới tử vong. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là do người dân tại nhiều địa phương chưa được trang bị rõ về kiến thức nhân biết, đánh giá, phân loại về các loại nấm rừng có độc và những loại nấm có độc tố cao dẫn tới chết người.

Trên thực tế, giữa hàng nghìn loại nấm rừng sinh trưởng ở hệ sinh thái nước ta, việc phân biệt bằng mắt các loài nấm độc và không độc là không hề dễ dàng. Với tập quán nông nghiệp, người dân đi nương, đi rừng rất dễ dàng bắt gặp các loại nấm rừng, chỉ dựa theo kinh nghiệm truyền lại từ nhiều thế hệ trước mà phân biệt loại nấm rừng nào không có độc và hái về làm thực phẩm.

Bên cạnh đó, có người cho rằng, nấm có sâu bọ, côn trùng ăn là không độc. Tuy nhiên, thực tế độc tố nấm không tác dụng đối với côn trùng, sâu bọ, kiến, ốc sên. Bởi nhiều chất độc tố khi vào cơ thể những loài vật này không phát tác và vô hại với chúng. Nhưng đối với cơ thể người, tất cả các cơ quan đều có thể bị ảnh hưởng nếu lượng độc tố quá lớn. Độc tố thường gây chết người do viêm gan nhiễm độc phá hủy tế bào gan, suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan, trường hợp nặng có thể tổn thương tất cả các cơ quan.

Biện pháp quan trọng để phòng tránh ngộ độc nấm là không hái các nấm mọc hoang dại để ăn. Ảnh minh họa

Một số người còn thử cho động vật ăn trước nếu không chết là nấm không độc. Điều này chỉ đúng với một số loài nấm và một số loài động vật. Nhiều loài động vật không nhạy cảm với độc tố amatoxin qua đường tiêu hóa. Hơn nữa loài nấm có amatoxin gây chết người trung bình phải 12 giờ sau ăn nấm mới xuất hiện triệu chứng đầu tiên và động vật thường chết ở ngày thứ 5 – 7 sau ăn nấm.

Kể cả việc thử nấm bằng thìa bạc, đũa bạc nếu có chuyển màu là nấm độc cũng là sai vì độc tố nấm không làm bạc chuyển màu. Trong trường hợp không may ngộ độc, nếu chưa nôn và vẫn còn tỉnh táo thì có thể uống nước và tự gây nôn, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt tính thì nên uống ngay với liều 1 gam/kg cân nặng (người lớn khoảng 40-50 gam). Biện pháp quan trọng để phòng tránh ngộ độc nấm là không hái các nấm mọc hoang dại để ăn.

Liên quan đến thông tin về nấm độc, BS Phạm Thị Thanh Tâm, Khoa Cấp cứu và Chống độc, BV Nhi Trung ương cho biết, người dân vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm. Ví như, có người nghĩ nấm độc thường có màu sặc sỡ nhưng thực tế, có những loài nấm thường gây chết người ở các tỉnh phía Bắc nước ta là các loài nấm có màu trắng tinh khiết (nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón). Khi xuát hiện trường hợp có người bị ngộ độc do ăn phải nấm rừng, cần lưu ý đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế; mang mẫu nấm còn lại hoặc đã chế biến đến cơ sở y tế để bác sĩ sơ bộ xác định loại nấm, điều trị kịp thời.

 Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang