Ngành chế biến, chế tạo vươn lên dẫn đầu về dự án mới và thu hút vốn đầu tư FDI

authorKhánh Mai 10:57 28/02/2023

(VietQ.vn) - Trong 17 ngành kinh tế được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 2,17 tỷ USD (chiếm 70,1% tổng vốn đầu tư đăng ký).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 2, tín hiệu tích cực trong thu hút FDI vẫn được ghi nhận khi vốn đầu tư mới và góp vốn, mua cổ phần vẫn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, có 261 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 42,6% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,76 tỷ USD (tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, có 440 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 10% so với cùng kỳ) với tổng giá trị vốn góp đạt gần 797,9 triệu USD (tăng 3,7% so với cùng kỳ).

Vốn đăng ký mới tăng, ngoài số lượng dự án tăng còn có số dự án vốn đăng ký trên 100 triệu USD cũng nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022, có 1 dự án vốn đăng ký trên 100 USD trong 2 tháng đầu năm thì sang năm nay, con số này đã tăng lên 4 dự án.

Trong khi vốn đăng ký mới tăng mạnh thì vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ. Đây là sự suy giảm tiếp đà từ tháng 1 năm 2023, do không có nhiều dự án điều chỉnh vốn lớn. Cụ thể, có 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 6,3% so với cùng kỳ) và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 535,4 triệu USD (giảm 85,1% so với cùng kỳ).

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 2,17 tỷ USD (chiếm 70,1% tổng vốn đầu tư đăng ký). Ảnh minh họa

Trong 17 ngành kinh tế được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 2,17 tỷ USD (chiếm 70,1% tổng vốn đầu tư đăng ký). Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm gần 30%) và điều chỉnh vốn (chiếm 63,9%).

Hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn đang có sức hút với tổng vốn đầu tư gần 396,9 triệu USD, đứng ở vị trí thứ hai, chiếm hơn 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 202,1 triệu USD và gần 141,9 triệu USD.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 39 tỉnh, TP trên cả nước. Bắc Giang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 824,3 triệu USD, chiếm hơn 26,6% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 8,4 lần so với cùng kỳ năm 2022; TP. Hồ Chí Minh xếp thứ hai với 103 dự án mới, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 369,1 triệu USD, chiếm hơn 11,9% tổng vốn đầu tư cả nước; Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai…

Đã có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 978,4 triệu USD, chiếm gần 31,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 42,7% so với cùng kỳ 2022; Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ hai với gần 407,1 triệu USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư, gấp 3,85 lần so với cùng kỳ; Hà Lan đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 369 triệu USD, chiếm hơn 11,9% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển… Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 17,2%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 21,1%) và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (chiếm 30,5%).

TP. Hồ Chí Minh hiện đang dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (39,5%), số lượt dự án điều chỉnh (21,8%) và góp vốn, mua cổ phần (69,3%). Dù Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư nhưng số liệu trên cho thấy, áp lực cạnh tranh thu hút FDI ngày càng lớn. Điều này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo từ đầu năm khi đầu tư toàn cầu gặp nhiều khó khăn do các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và lo ngại suy thoái toàn cầu. Các điều kiện tài chính thắt chặt, lãi suất tại Mỹ và USD tăng giá mạnh khiến chi phí tài chính tăng. Cùng với đó, triển vọng kinh tế không chắc chắn cũng làm giảm động lực của các nhà đầu tư.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang