Nhiều người làm chính sách ngại tiếp xúc với báo chí

author 06:05 01/12/2016

(VietQ.vn) - Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia, khách mời đã chia sẻ những thông tin liên quan đến người làm chính sách và báo chí.

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm Nâng cao hàm lượng nội dung chính sách trên báo chí.

Có mặt tại buổi toạ đàm, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương đã chia sẻ những thông tin liên quan đến người làm chính sách và báo chí.

"Khi thông tin, báo chí cần có cái nhìn khách quan, nên đặt mình vào vị trí người làm chính sách. Người làm chính sách cũng mong muốn báo chí phản ánh đúng sự thật, đừng cắt xén sự việc và cố tình giật tít sai bản chất. Ngược lại, nhà báo cũng mong muốn từ người làm chính sách có sự hợp tác, thân thiện cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt nhằm giúp nhà báo tìm hiểu thông tin và nâng cao hiểu biết về vấn đề đang trao đổi " - ông Hải cho biết.

Ngoài ra, ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải cũng lý giải một phần lý do người làm chính sách ngại tiếp xúc với báo chí. Mà trong những nguyên nhân chính là do người làm chính sách ngại ăn nói, có vấn đề trong công việc, đã từng dính “phốt” với báo chí hay nhìn gương báo chí đối xử với người khác.

Với lý giải trên, ông Hải cho rằng người làm chính sách rất muốn báo chí phản ánh đúng sự thật, không tâng bốc cũng như cắt xén thông tin. Một vấn đề được ông Hải đặc biệt lưu tâm đó là “giật tít sai bản chất”.

Các đại biểu chia sẻ trong buổi tọa đàm Nâng cao hàm lượng nội dung chính sách trên báo chí

Cũng tại buổi toạ đàm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết những khảo sát của VCCI nhiều năm gần đây cho thấy doanh nghiệp biết đến chính sách, pháp luật của nhà nước hay hiểu về các hiệp định thương mại… phần lớn đến từ các cơ quan báo chí.

“Doanh nghiệp và báo chí là hai đối tác quan trọng của nhau. Báo chí cần thông tin, doanh nghiệp cần diễn đàn. Cả hai đối tác hướng tới một mục tiêu chung về một xã hội phát triển tốt đẹp hơn” – ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Cùng thảo luận về vấn đề này, bà Hoàng Thủy Chung, Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, khẳng định tòa soạn nào cũng có chủ trương và ưu tiên đưa thông tin liên quan đến chính sách, đặc biệt những chính sách có ảnh hưởng lớn đến đối tượng độc giả - mục tiêu của báo đó.

Tuy nhiên, bà cho rằng các cơ quan quản lý cần có bộ phận truyền thông được tổ chức và hoạt động chuyên nghiệp. Thông tin cung cấp cho báo chí cần kịp thời và minh bạch, rõ ràng, có hệ thống, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền chính sách, phản hồi chính sách cả hai chiều.

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đều cho rằng báo chí là kênh quan trọng để phổ biến ý tưởng, dự thảo chính sách, pháp luật trên diện rộng. Một hội thảo phổ biến hay lấy ý kiến chỉ có sự tham dự nhiều nhất của vài trăm người nhưng qua báo chí có thể vươn tới hàng nghìn, hàng triệu người.

Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Xin đừng buộc tội nhà làm chính sách giết doanh nghiệp vừa và nhỏ”(VietQ.vn) - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trần tình trước bức xúc của các doanh nghiệp liên quan những quy định về đầu tư, kinh doanh do Bộ này quản lý.

Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang