Thêm hàng không SkyViet người dân được lợi, VietJet Air và Jetstar bị ‘chia tiền’?

author 09:06 07/07/2016

(VietQ.vn) - Việc thành lập hàng không SkyViet đang gặp nhiều khó khăn từ phía truyền thông. Nếu đi vào hoạt động, SkyViet sẽ là đối thủ “nặng ký” của Vietjet Air.

Khó khăn khi khởi nghiệp

Theo thông tin riêng của Báo Giao thông, đến thời điểm này, hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của CTCP Hàng không SkyViet và CTCP Hàng không Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) đều đã được trình Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến các bộ, ngành. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thị trường hàng không đã tiến một bước nữa trong việc đón thêm hai tân binh.

hàng không skyviet

Nếu đi vào hoạt động, SkyViet sẽ thực hiện những chặng bay ngắn như Sài Gòn - Côn Đảo, Sài Gòn - Cà Mau... 

Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết, Vietstar Airlines thực chất không phải là một hãng hàng không mới mà đã được cấp phép hoạt động hàng không chung từ năm 2011. Đến tháng 8/2015, do có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh, công ty này đã trình hồ sơ xin cấp Giấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Tương tự, SkyViet cũng là hãng hàng không được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco) - chi nhánh của Tổng công ty Hàng không VN - CTCP (Vietnam Airlines). “Hồ sơ xin cấp giấy phép này của SkyViet đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng các quy định về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác và tổ chức bộ máy đảm bảo khai thác”, ông Cường nói.

Trong trường hợp hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của SkyViet và Vietstar Airlines được Thủ tướng chấp thuận, Bộ GTVT ký quyết định cấp giấy phép, thị trường hàng không Việt Nam sẽ có tổng cộng 10 hãng hàng không. Trong đó có 5 hãng bay thường lệ là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, SkyViet và Vietstar Airlines (riêng Vietstar Airlines có thêm cả hoạt động hàng không chung).

5 hãng được cấp phép kinh doanh hàng không chung gồm: CTCP Hàng không Hải Âu; CTCP Công nghệ Hành tinh Xanh, Công ty Globaltrans Air, TCT Trực thăng VN và CTCP Hàng không Bầu trời Xanh.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nếu đi vào hoạt động, hãng bay SkyViet sẽ tiếp tục khai thác đội tàu bay ATR72, phù hợp cho các chặng tới các sân bay địa phương, huyện đảo chưa tiếp nhận được máy bay phản lực thân hẹp của Airbus hay Boeing như Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá, Điện Biên... Đây cũng các đường bay có ý nghĩa phát triển chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, phù hợp với mô hình hoạt động của một hãng hàng không độc lập.

Tuy nhiên, ngay sau khi có thông tin thành lập SkyViet, doanh nghiệp này đã bị báo chí “đánh tơi bời” vì cho rằng việc thành lập Công ty cổ phần Hàng không SkyViet là sai quy định.

Về việc này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, làm rõ phản ánh dấu hiệu cố ý làm trái quy định của pháp luật trong việc thành lập Công ty cổ phần Hàng không SkyViet của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2016.

Khốc liệt cuộc đua giành thị phần

Thị trường hàng không Việt Nam đang chứng kiến cuộc đua giành thị phần khốc liệt giữa một bên là “ông lớn” Vietnam Airlines, một bên là VietJet Air - hãng hàng không tư nhân mới nổi. Đó là chưa nói đến sự trở lại khá mạnh mẽ của Jetstar Pacific.

Ba hãng hàng không liên tục bổ sung thêm vào đội tàu bay của mình nhiều máy bay mới hiện đại, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ. Đây là hai giải pháp quan trọng để các hãng hàng không cải thiện hình ảnh của mình trong mắt khách hàng.

Vietjet air hủy chuyến

Tuy đang chiếm ưu thế về thị phần do giá rẻ nhưng VietJet Air gặp không ít tai tiếng do tình trạng chậm, trễ và hủy chuyến xảy ra liên tục

Bản thân VietJet Air tuy đang chiếm ưu thế về giá rẻ nhưng cũng phải cố gắng giảm thiểu tỷ lệ các chuyến bay trễ giờ, nếu không sẽ khó giữ chân các khách hàng là doanh nhân, công chức từ các bộ, ngành - những người có yêu cầu cao về thời gian di chuyển.

Đánh giá của Tổ chức đánh giá độc lập SkyTrax cho biết, phần lớn các tiêu chí dịch vụ mặt đất và dịch vụ trên không của Vietnam Airlines được đánh giá đạt 4-5 sao. Theo đánh giá qua kênh điều tra trên chuyến bay, chất lượng dịch vụ của Vietnam Airlines trong những năm 2013, 2014 được duy trì ở mức khá tốt. Điểm hài lòng tổng thể là 5,40 trên thang điểm 7.

Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là nếu không có những thay đổi mang tính đột phá, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục phải chia sẻ một phần không nhỏ thị phần cho các hãng hàng không khác, đặc biệt là VietJet Air.

Thêm SkyViet và Vietstar Airlines, người dân hưởng lợi

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, do tính chất và quy mô đội bay nên sự tham gia của hai hãng hàng không mới là SkyViet và Vietstar Airlines sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị phần hàng không trong 3 - 5 năm tới.

Mặc dù về cơ cấu, thị trường hàng không VN sẽ chưa có nhiều thay đổi trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 song theo ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải - Cục Hàng không VN, có thêm SkyViet và Vietstar Airlines, hưởng lợi đầu tiên chính là người dân. “Thêm hãng hàng không tức là thêm cạnh tranh chất lượng và dịch vụ. Người dân ngoài việc có thêm lựa chọn cho hành trình của mình, chắc chắn được hưởng mức giá hấp dẫn hơn”, Báo Giao thông dẫn lời ông Đăng nói.

Đồng quan điểm, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc cũng khẳng định, việc có thêm hãng hàng không mới tham gia cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không sẽ tạo điều kiện cho hành khách có cơ hội sử dụng phương tiện vận chuyển hàng không với mức giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán, tăng nguồn cung và đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của một bộ phận khách hàng Việt Nam cũng như quốc tế.

Cũng theo ông Ngọc, điều này chắc chắn sẽ góp phần làm tăng trưởng thị trường vận chuyển hàng không, giảm tải cho vận tải đường bộ, thúc đẩy du lịch khu vực phát triển.

Tổng giám đốc Jetstar Pacific Lê Hồng Hà cũng cho rằng, có thêm hãng, tức là thị trường thêm tải, người dân thêm lựa chọn và giá cả đương nhiên cũng sẽ phải rất cạnh tranh.

Việc SkyViet và Vietstar Airlines đi vào hoạt động có thể là điều không mong muốn của vài “đối thủ”, nhưng ngược lại sẽ giúp người dân có thêm nhiều lựa chọn cho hành trình của mình, giá vé cũng hấp dẫn hơn. Một hoạt động có lợi cho thị trường, có lợi cho người dân nhưng không hiểu sao từ lúc nhen nhóm thành lập đến nay, SkyViet và Vietstar Airlines liên tục bị báo chí “quan tâm đặc biệt” khiến cho quá trình “cất cánh” gặp nhiều trắc trở.

VIẾT CƯỜNG (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang