Ảnh hưởng đại dịch COVID-19 đến thanh toán không dùng tiền mặt tại các ngân hàng thương mại

author 19:33 18/09/2021

(VietQ.vn) - Dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực của nền kinh tế và làm thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng. Ngày càng nhiều doanh nghiệp và người dân thích ứng với tình hình mới, chuyển từ mua bán, thanh toán trực tiếp sang mua bán trực tuyến và sử dụng kênh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm giảm thiểu lây nhiễm dịch bệnh cũng như tận dụng tối đa những tiện ích mà phương thức này mang lại. Trong bối cảnh đó, hầu hết các ngân hàng thương mại đều hướng đến và triển khai kế hoạch để phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng định hướng của Chính phủ.

Thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Tình hình thực hiện các phương tiện thanh toán

Trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã phát triển nhiều dịch vụ hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Các phương tiện thanh toán được triển khai, áp dụng rộng rãi cho các khách hàng trong nước, đặc biệt là việc thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Chính phủ cũng nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý thông qua việc đưa ra các quy định nhằm phát triển các dịch vụ TTKDTM.

Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg với mục tiêu giảm tỷ trọng lưu thông tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán và gia tăng hoạt động TTKDTM. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và các chương trình an sinh xã hội…

Nhằm thúc đẩy hoạt động TTKDTM, đẩy nhanh phát triển các phương thức thanh toán điện tử, NHNN đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ liên quan như: Thông tư số 04/2020/ TT-NHNN ngày 31/3/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2013/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; Quyết định số 711/QÐ-NHNN ngày 15/4/2020 về Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số Việt Nam...

Năm 2020 - năm cuối cùng triển khai Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam theo Quyết định số 2545/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo tổng kết của NHNN, cả nước có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu tỷ đồng. Việt Nam hiện có 9 hệ thống TTKDTM chính gồm: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; hệ thống thanh toán bù trừ; hệ thống thanh toán nội bộ của từng NHTM; các hệ thống thanh toán song phương; hệ thống thanh toán ngoại tệ VCB-Money; hệ thống thanh toán chứng khoán do Ngân hàng BIDV quản lý, vận hành; hệ thống thanh toán thẻ; hệ thống thanh toán qua internet và điện thoại di động...

Tuy nhiên, sau gần 4 năm triển khai Quyết định số 2545/QĐ-TTg, vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt như kỳ vọng. Theo đó, chỉ tiêu tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn cao so với mục tiêu đã đề ra tại Đề án; việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp; việc triển khai TTKDTM trong lĩnh vực y tế, giáo dục còn khiêm tốn...

Do vậy, ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg nhằm thúc đẩy phát triển TTKDTM, thanh toán điện tử để đạt được các mục tiêu của Quyết định số2545/QĐ-TTg, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

Với sự nỗ lực đó, nên dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng tính đến tháng 5/2021, số dư huy động của ngân hàng thông qua các phương tiện thanh toán tại Việt Nam tăng 3,7% so với năm 2020 (Bảng 1).

Giao dịch thanh toán nội địa theo các phương thức thanh toán

Các phương thức thanh toán nội địa không sử dụng tiền mặt gồm có thẻ ngân hàng, séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, lệnh thu, ủy nhiệm thu và các phương tiện thanh toán khác (Hối phiếu, lệnh phiếu, thư tín dụng nội địa...).

Số liệu thống kê thanh toán nội địa theo các phương thức thanh toán quý I/2021 cho thấy, giá trị giao dịch qua các phương tiện thanh toán hầu như đều tăng. Cụ thể, việc thực hiện thanh toán qua thẻ ngân hàng tăng 62.232 tỷ đồng, tương ứng với tăng 30%, chứng tỏ khách hàng sử dụng TTKDTM tăng lên, bên cạnh đó các giao dịch không sử dụng tiền mặt khác cũng tăng lên như séc tăng 42%, lệnh chi tăng 20,5%, nhờ thu tăng 25,9%, điện tử, Mobile Banking để thực hiện các giao dịch.

Giao dịch thanh toán nội địa qua internet và mobile banking

Giao dịch qua kênh internet và kênh thanh toán qua di động (mobile banking) đang ngày càng rộng rãi, đặc biệt là trong giai đoạn giãn cách do đại dịch COVID-19. Theo báo cáo của NHNN, trong quý I/2021, giao dịch qua kênh internet đạt 156,3 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng, tăng 28,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020;  giao dịch qua moblile banking đạt 395,05 triệu món với giá trị 4,6 tỷ đồng, tăng 103% về giá trị. Ngoài ra, thanh toán nội địa qua kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4,479 tỷ đồng, tăng 146%.

Giao dịch qua thẻ ATM, POS/EFTPOS/EDC

Hiện nay, toàn hệ thống Ngân hàng có trên 19.700 ATM, hơn 271.000 POS/EFTPOS/EDC, 27 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và hệ thống chuyển mạch đều đạt trên 30% TTKDTM.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ tại các điểm bán hàng (POS) và tổng giá trị thanh toán thẻ, ví điện tử qua cổng thanh toán trực tuyến NAPAS tăng trưởng tương ứng là 50% và 125% so với cùng kỳ năm 2020. Ngược lại, tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM được xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 42% năm 2019 xuống còn 26% năm 2020 và 16% trong 5 tháng đầu năm 2021.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến tiền mặt lưu thông

Để tránh lây nhiễm của dịch bệnh COVID-19 cần hạn chế tối đa các giao dịch trực tiếp tại nơi đông người, các NHTM đã có nhiều giải pháp hỗ trợ hoạt động thanh toán thông suốt đã tạo nên đòn bẩy giúp tỷ lệ TTKDTM gia tăng, từ đó tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán cũng giảm theo trong những tháng bùng phát dịch bệnh (Hình 1).

Hạn chế khi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song đến nay, việc triển khai TTKDTM vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Theo đó, phần lớn dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thói quen TTKDTM và có tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới. Không ít người cảm thấy lo ngại về an ninh an toàn và chi phí khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động TTKDTM còn kém hiệu quả, các điểm chấp nhận TTKDTM còn hạn chế. Các hình thức thanh toán mới như QR Code, sinh trắc học... bắt đầu phát triển nhưng chưa được quy hoạch, đánh giá để triển khai diện rộng.

Trong khi đó, các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ và các trung gian thanh toán còn thiếu đồng bộ trong việc TTKDTM. Các NHTM, công ty công nghệ tài chính (Fintech) cung cấp các phương tiện thanh toán cho người dân trong khi đó các đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa mới là nơi để người dân thực hiện việc TTKDTM lại chưa nhiều thậm chí có nơi vẫn chưa áp dụng các phương tiện TTKDTM.

Hơn nữa, thanh toán bằng ví điện tử lại có các QR Code khác nhau cho hệ thống các ví điện tử khác nhau mà không thể thanh toán chéo, vì vậy không thu hút người dùng dẫn đến chậm tiến trình phát triển TTKDTM.

Một số kiến nghị nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Để phát triển TTKDTM trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp sau:

Đối với Ngân hàng Nhà nước

- Tăng cường hoạt động truyền thông hiệu quả nhằm thay đổi hành vi và phương thức thanh toán của người tiêu dùng, khuyến khích sử dụng dịch vụ TTKDTM.

- Hoàn thiện hành lang pháp lý và có các chính sách phát triển thanh toán điện tử, ban hành thông tư hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán với định danh, xác thực khách hành bằng phương thức điện tử.

- Quản lý, giám sát các hệ thống thanh toán, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, bảo mật tài khoản cho người tiêu dùng và giám sát hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ TTKDTM bảo đảm hoạt động đúng quy định.

Đối với các tổ chức tín dụng

- Nâng cấp cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa công nghệ và các hệ thống thanh toán an toàn nhằm tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của các dịch vụ khác phát triển.

- Thực hiện đồng bộ giữa các trung gian tài chính với các đơn vị cung cấp hàng hóa để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, sử dụng dịch vụ TTKDTM.

- Có chính sách miễn, giảm phí khi sử dụng dịch vụ TTKDTM. Đồng thời, các tổ chức cung cấp dịch vụ TTKDTM cần hướng dẫn khách hàng chi tiết về việc mở tài khoản, giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử.

- Cung cấp đa dạng nhiều sản phẩm mới về thanh toán điện tử và các hình thức TTKDTM, nhằm phát triển khách hàng sử dụng và hạn chế việc TTKDTM.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2016), Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020;

2. Ngân hàng Nhà nước (2020), Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31/3/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2013/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng;

3. Nguyễn Thùy Dương (2020), Thanh toán không dùng tiền mặt: cơ hội vượt lên: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-co-hoi-vuot-len-post253507.html;

4. Lê Hữu Hưng (2020), Thay đổi thói quen hướng tới sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trước tác động của đại dịch COVID -19, Tạp chí Tài chính: https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/thay-doi-thoi-quen-huong-toi-su-dung-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-truoc-tac-dong-cua-dai-dich-Covid19-333825.html.

 Theo Tạp chí Tài chính

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang