Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa: Bắt đầu từ nhận thức của người lãnh đạo

author 06:57 11/09/2021

(VietQ.vn) - Nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề “doanh nghiệp nhỏ và vừa nên bắt đầu chuyển đổi số từ đâu”? Và câu trả lời là chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy và nhận thức. Chủ doanh nghiệp phải nhìn thấy cơ hội cho đơn vị và người lao động thì mới có hành động phù hợp.

Vài năm trở lại đây, chuyển đổi số là cụm từ không còn quá lạ lẫm đối với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, bên cạnh những doanh nghiệp lớn bắt nhịp chuyển đổi số, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), hoặc siêu nhỏ vẫn còn vấp phải nhiều rào cản như: thiếu kỹ năng số và nhân lực; thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số; thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp...

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Tổng giám đốc VCCorp, nhà sáng lập Bizfly, các doanh nghiệp SMEs thường có 4 góc nhìn sai lầm như sau về quá trình chuyển đổi số. Cụ thể, chuyển đổi số chỉ dành cho doanh nghiệp lớn; chuyển đổi số tốn nhiều tiền; chuyển đổi số triển khai càng nhiều càng tốt, tiến trình diễn ra nhanh chóng; chuyển đổi số là chiếc đũa thần giúp doanh nghiệp cất cánh.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa cần bắt đầu từ nhận thức của người lãnh đạo. Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định quan điểm này hoàn toàn sai lầm vì không chỉ doanh nghiệp lớn mà các SMEs cũng cần chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp đang làm nhưng không ý thức được hành động ấy cũng là chuyển đổi số, ví dụ như bán hàng online, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, dùng chatbot, dùng các hệ thống tự động hoá...

Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ, một năm chi phí cho quá trình chuyển đổi số chỉ tốn vài chục triệu đồng, chia ra trung bình khoảng 1-2 triệu/tháng, chưa bằng tiền lương trả cho một nhân viên cấp thấp trong công ty. Vậy nên nếu dùng các giải pháp chuyển đổi số và doanh nghiệp bớt được 1 nhân sự thì họ đã hòa vốn.

Một vấn đề nữa được ông Tuấn nêu nên đó là việc chuyển đổi số nên được triển khai từ những khâu nhỏ nhất. Các SMEs thấy chỗ nào triển khai được là nên triển khai, không cần phải triển khai toàn bộ trên cả hệ thống doanh nghiệp. Ngoài ra, chuyển đổi số thành công cần thời gian và phải tùy mức độ, phạm vi lựa chọn của từng doanh nghiệp. Hơn nữa, ông Tuấn cho rằng, giai đoạn đầu triển khai sẽ rất mệt mỏi, tốn chi phí, mất thời gian, thậm chí làm doanh thu chững lại. Tuy nhiên nếu thành công, chuyển đổi số sẽ giúp SMEs hoạt động hiểu quả hơn.

Cùng với đó, ông Tôn Anh Dũng, Giám đốc sản phẩm, Công ty cổ phần Công nghệ Elite cho hay, chuyển đổi số hiểu đơn giản là ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh để tạo ra giá trị mới, mô hình kinh doanh mới. Do vậy, chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy và nhận thức. Chủ doanh nghiệp phải nhìn thấy cơ hội cho đơn vị và người lao động thì mới có hành động phù hợp. Quá trình chuyển đổi số hoàn toàn không khó, hầu hết doanh nghiệp đã có thực hiện trước đây nhưng còn rời rạc, chưa làm đồng bộ và bài bản.

Để thích ứng với bối cảnh mới và không bị tụt hậu trong chuyển đổi số, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đẩy nhanh quá trình số hoá trong doanh nghiệp, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi. Cùng với đó, doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường trong mùa dịch; kết nối chặt chẽ với đối tác, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo khảo sát của VCCI với 10.000 doanh nghiệp toàn quốc thì dịch bệnh Covid-19 tác động tới hơn 87% doanh nghiệp; trong đó, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% chịu thiệt hại nhiều nhất do những hạn chế về nhân lực, thị trường. Dịch bệnh cũng làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm gián đoạn. Đa số các doanh nghiệp giảm từ 50-90% doanh thu so với trước dịch, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh. Vì vậy, để tiếp tục vận hành và phát triển, nhiều doanh nghiệp phải tìm hướng đi mới, đẩy nhanh số hóa. Đặc biệt, tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số trong doanh nghiệp, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường.

Những năm gần đây, lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc chuyển đổi số, do đó, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong đã xây dựng được chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới.

”Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đã đề ra các mục tiêu khá cụ thể như: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang