Báo bán chẳng ai mua, nguy cơ đóng cửa nhiều sạp báo

authorPhương Liên 06:02 19/06/2015

(VietQ.vn) - Các sạp báo lớn tại Hà Nội đều có chung tâm trạng ngao ngán trước doanh số báo bán ra hàng ngày. Có những sạp báo doanh số bị giảm tới 2/3 số lượng so với những năm trước, thậm chí chủ sạp báo còn chia sẻ có thể sẽ đóng cửa sạp trong thời gian sắp tới.

Chị Tô Thị Tuyết Trinh chủ sạp báo số 22 Cửa Nam cho biết: “So với cách đây 3 năm số lượng báo bán ra mỗi ngày của cửa hàng chị giảm đi tới 2/3 lần. Nếu như trước đây các báo bóng đá và Nhân Dân người mua phải xếp hàng dài chờ tới lượt thì bây giờ khách hàng chủ yếu chỉ là người già”. Khách hàng của chị hầu hết là những khách quen, họ thường qua cửa hàng vì lí do sạp báo của chị bán nhiều loại báo mà các sạp khác không có.

Báo in ế ẩm, ít khách mua, chủ cửa hàng tính chuyện chuyển nghề

Báo in ế ẩm, ít khách mua, chủ cửa hàng tính chuyện chuyển nghề

Số lượng báo bán lẻ tại cửa hàng chị giảm chủ yếu là do sự ảnh hưởng của báo mạng. Khách mua hàng chủ yếu là những cụ hưu trí, người buôn bán, kinh doanh. Mặc dù số lượng khách quen tuy không giảm đi nhiều nhưng số lượng báo họ mua mỗi ngày giảm đi, nếu như trước đây họ mua 5 tờ một ngày thì bây giờ chỉ mua 2 – 3 tờ.

Chị còn chia sẻ thêm: “những tờ báo như Phụ nữ Thủ Đô, Phụ nữ Việt Nam hay tờ gia đình và xã hội chỉ phải bỏ hẳn do không còn khách mua. Thay vào đó  có rất nhiều tờ báo mới ra, những tờ báo ra 3 ngày một số chị sẽ nhập nhiều hơn để bán trong 3 ngày”. Điều đặc biệt mà chị cho biết là chị đã bán báo được 35 năm nhưng đây chính là thời điểm lượng tiêu thụ báo in giảm sút nhiều nhất.

Chủ sạp báo Hoa Long số 71 Hàng Trống cũng cho hay “lượng báo bán ra giảm nhưng văn hóa đọc thì vẫn còn, do báo in luôn được đánh giá bài viết có chiều sâu nên vẫn nhiều người tìm đến”. Địa điểm này được coi là chợ báo lâu năm nhất của Hà Nội, cũng là nơi tiêu thụ được nhiều báo nhất.

Khách hàng mua chủ yếu những báo về sức khỏe, bóng đá nhưng chủ yếu tìm đọc những bài bình luận. Nhiều tờ báo chỉ ký gửi tại cửa hàng, nếu không bán ra được sẽ trả lại tòa soạn. Ngoài nhật báo, báo ngành như Xây dựng, Chứng khoán, Hải quan thì cửa hàng bán cả tạp chí. Mặc dù giá bán ra của tạp chí khá cao nhưng vẫn có người mua do nhu cầu cần tiếp nhận các thông tin giải trí, thời trang ngày càng cao.

Những điểm bán báo nổi tiếng xưa ở Hà Nội, nay thưa dần, ít khách tới mua báo

Những điểm bán báo nổi tiếng xưa ở Hà Nội, nay thưa dần, ít khách tới mua báo

Chủ cửa hàng này còn nói “Chỉ là lượng báo bán ra khá khẩn hơn các sạp khác thôi chứ doanh thu hàng tháng chả được bao nhiêu. Trước đây tôi làm nghê này là chính nhưng bây giờ chỉ là nghề làm thêm thôi, tôi còn công việc khác để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.”

Cũng tại cửa hàng này, một khách hàng tên Quân chia sẻ: “Bây giờ tìm mua báo khó quá, đi mãi mới có một hàng mà những cửa hàng nhỏ không có nhiều tờ báo tôi cần mua. Cần mở rộng thêm các phạm vi bán báo ra chứ, nhiều người có nhu cầu như tôi lắm nhưng nhiều khi họ ngại đi mua do các cửa hàng lớn quá xa.”

Đó là tại những điểm bán báo lớn tại Hà Nội, còn ở một sạp báo khác có quy mô nhỏ hơn nhưng cũng thuộc những sạp báo có tiếng mà nhiều người biết đến là sạp Anh Hải số G19 Huỳnh Thúc Kháng mức độ trầm trọng hơn. Chủ cửa hàng này nói một các ngán ngẩm “Ế lắm, tôi sắp cho đóng cửa sạp báo rồi, cứ bám trụ thì không đủ cơm ăn”. Tại sạp báo này khách mua rất vắng, khách mua lác đác và mỗi khách thường chỉ mua 1 tờ.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang